VPBank lãi hơn 13.000 tỷ đồng bất chấp COVID-19

Bất chấp đại dịch, VPBank đã hoàn thành kết quả kinh doanh năm 2020 với doanh thu hơn 39.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hơn 13.000 tỷ đồng, tăng trưởng 26,1% so với năm 2019.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng ( VPB ank) đã công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với các chỉ tiêu  ấn tượng sau 1 năm kinh doanh giữa khủng hoảng đại dịch COVID-19. 

Lãnh đạo VPBank cho biết đến cuối 2012, nhà băng có tổng tài sản hơn 419.000 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2019. Tổng dư nợ cho vay khách hàng hơn 320.000 tỷ đồng, tăng trưởng 19%. Huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá hơn 296.000 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ 2019. Tỷ lệ cho vay so với huy động được cân đối ở 73,1%, thấp hơn nhiều so với giới hạn 85% Ngân hàng Nhà nước quy định.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng mẹ năm 2020 tiếp tục cải thiện và duy trì ở mức 15%, so với mức 13% cuối 2019.

Đáng chú ý, nợ xấu đã được kiểm soát  với mức 2,9%; trong đó tại ngân hàng riêng lẻ lần đầu tiên nợ xấu xuống dưới 2%.

 So với các nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh, VPBank hiện là ngân hàng có lợi nhuận năm 2020 đứng thứ 3 toàn hệ thống. Ảnh: VPB
 So với các nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh, VPBank hiện là ngân hàng có lợi nhuận năm 2020 đứng thứ 3 toàn hệ thống. Ảnh: VPB

Song song với nỗ lực kiềm chế nợ xấu, năm 2020, VPBank tiếp tục chủ động nguồn lực dự phòng. Chi phí dự phòng của năm 2020 tăng 15,2% so với năm 2019 (đã loại trừ khoản chi phí dự phòng cho VAMC của năm 2019). 

Các tỷ lệ an toàn tiếp tục được duy trì ở mức tốt, trong đó tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức 28,4%, thấp hơn nhiều so với mức tối đa quy định là 40%. Tỷ lệ an toàn vốn đạt trên 11% theo tiêu chuẩn Basel II, cao hơn mức quy định tối thiểu 8%. 

Với các chỉ số kinh doanh này, VPBank đã kết thúc năm tài chính 2020 với doanh thu hợp nhất đạt hơn 39.000 tỷ đồng, tăng trưởng 7,4%. Trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt gần 21.000 tỷ, tăng 18,6%.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 13.000 tỷ đồng, hoàn thành đến 127,5% kế hoạch đề ra đầu năm và tăng trưởng 26,1% so với năm 2019. Trong đó, lợi nhuận tại ngân hàng riêng lẻ đóng góp tới 71% vào lợi nhuận hợp nhất.

Tại ngân hàng riêng lẻ, chỉ số tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) vẫn nằm trong nhóm hiệu quả hàng đầu thị trường, lần lượt đạt mức 24,6% và 2,2%.

Một trong những nguyên nhân giúp lợi nhuận của VPBank tăng vọt là thu nhập ngoài lãi (bao gồm thu từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối, chứng khoán). Đây là động lực tăng trưởng doanh thu của ngân hàng mẹ, khi tăng trưởng đến 27%. Tỷ trọng thu nhập ngoài lãi/tổng thu nhập hoạt động theo đó tăng lên từ 19% của năm 2019 lên 21%.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát tối đa chi phí kết hợp với áp dụng số hóa đã giúp chi phí hoạt động giảm 7,7% so với 2019. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập giảm mạnh còn 29,2% so với 33,9% cuối 2019, ở nhóm tốt nhất trong hệ thống các NHTM Việt Nam.

Chiến lược số hóa đang phát huy hiệu quả, giúp giảm thiểu chi phí, nâng cao trải nghiệm và gia tăng nền tảng khách hàng, từ đó ghi nhận những kết quả ấn tượng trong năm 2020: doanh số giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử tăng gấp 2 lần so với 2019.

Song song với chiến lược tăng trưởng bền vững, VPBank từ rất sớm đã vào cuộc nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Gần 110.000 khách hàng với tổng dư nợ gần 52.00 tỷ đồng được giảm lãi suất, trong đó mức lãi suất hỗ trợ giảm từ 0,05% tới 4,7%.

Lãnh đạo VPBank cho biết với mục tiêu đa dạng hóa nguồn vốn, trong năm, nhà băng đã ký kết thỏa thuận với Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC cho khoản vay 100 triệu USD, giúp tăng cường thanh khoản và tối ưu hóa nguồn vốn. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) cũng tài trợ gói bổ sung trị giá 100 triệu USD để hỗ trợ VPBank mở rộng tài trợ thương mại và tài trợ vốn lưu động cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19.

Như vậy, với mức lợi nhuận trê 13.000 tỷ đồng, so với các nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh, VPBank đang là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao thứ 3 thị trường, chỉ sau Vietcombank (hơn 23.000 tỷ) và VietinBank (hơn 16.450 tỷ) và cao hơn cả lợi nhuận của nhóm ngân hàng lớn Agribank (12.869 tỷ); BIDV (9.017 tỷ), MBBank (10.688 tỷ)...

Năm 2019, VPBank có lợi nhuận hợp nhất trước thuế ở mức cao nhất trong lịch sử, với 10.334 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch năm và tăng 12,3% so với năm 2018.

H.LINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương