Theo Tuổi Trẻ, các chuyên gia đã có những ý kiến khác nhau về luận điểm của ông Bùi Ngọc Hòa - thành viên Hội đồng thẩm phán vụ án Hồ Duy Hải cũng như nội dung phán quyết của Hội đồng thẩm phán (HĐTP) về vụ án này.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: cần hủy án, điều tra lại
Theo ông Nghĩa, những luận cứ mà HĐTP TAND tối cao đưa ra chưa đủ sức thuyết phục để giải quyết những vấn đề đã được nêu ra bởi Ủy Ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) cũng như Viện KSND Tối cao. Điều này có thể khiến nhiều người lo ngại, băn khoăn.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Việt Dũng |
Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) đang tiếp cận với sự tiến bộ của các quốc gia phát triển, nhưng quyết định của giám đốc thẩm không phát huy được tiến bộ đó, đặc biệt là nguyên tắc suy đoán vô tội. Quyết định của tòa giám đốc thẩm có thể trở thành án lệ hướng dẫn cho công tác tố tụng về sau.
UBTP đã trực tiếp giám sát hồ sơ vụ án và gặp Hồ Duy Hải, từ đó đưa ra nhận định đánh giá. Theo đánh giá Viện KSND tối cao và Ủy ban Tư pháp thì những sai sót của quá trình điều tra, bản án sơ thẩm, phúc thẩm là nghiêm trọng. Lưu ý quan trọng là kháng nghị không nói Hồ Duy Hải bị oan mà chỉ nói nêu ra những vi phạm tố tụng nghiêm trọng và điều tra lại. Vì nếu không giải quyết có thể sẽ có oan sai.
Nếu việc tuân thủ các quy định của BLTTHS không đầy đủ thì phải điều tra lại, để có bản án khác có đủ cơ sở. Như vậy mới có sức thuyết phục đối với dư luận, với nhân dân, cử tri và cả chính bị cáo. Trong vụ án, có các loại chứng cứ quan trọng sau:
- Một là vật chứng chứng minh trực tiếp hành vi phạm tội nhưng quá trình thu thập đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Các vật chứng chủ yếu được kết luận là dùng để gây tội đã biến mất.
- Hai là dấu vết như máu, vân tay nhưng việc thu thập, xét nghiệm có rất nhiều vấn đề.
- Ba là thời gian, địa điểm của nghi can, những người liên quan... trong vụ án Hồ Duy Hải đều có sai sót nghiêm trọng.
"Tôi cho rằng cần hủy án điều tra lại", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Những căn cứ tòa đưa ra cho rằng kháng nghị của viện kiểm sát vi phạm pháp luật, chưa thuyết phục. Theo điều 379 BLTTHS, kháng nghị theo hướng có lợi cho bị cáo thì không bị khống chế về thời gian. Kể cả khi bị cáo đã chết vẫn có thể kháng nghị.
Ông Nghĩa cho biết, việc Chủ tịch nước quyết định bác hay chấp nhận đơn xin ân giảm không tác động đến việc đúng sai, nó khác với các quyết định kháng nghị của giám đốc thẩm, tái thẩm của chánh án TAND tối cao hay Viện trưởng Viện KSND Tối cao. Pháp luật cũng không có quy định khi có quyết định bác đơn xin ân giảm tử hình thì chấm dứt các thủ tục tố tụng sau này (nếu có).
Dù quyết định bác đơn của Hồ Duy Hải có hiệu lực thì kháng nghị của Viện KSND Tối cáo theo hướng có lợi cho bị án này vẫn có thể thực hiện bất cứ lúc nào.
TS Lê Huỳnh Tấn Duy (tổ trưởng bộ môn tố tụng hình sự, khoa luật hình sự Trường đại học Luật TP.HCM): Quyết định kháng nghị không trái luật
Ông Huỳnh Tấn Duy bày tỏ quan điểm của bản thân, HĐTP TAND tối cao cho rằng quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSND Tối cao không đúng vì quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực.
TS Lê Huỳnh Tấn Duy. |
Tuy nhiên, theo Điều 367 BLTTHS năm 2015 về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành không đặt ra điều kiện Chủ tịch nước phải hủy quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình trước khi viện trưởng Viện KSND tối cao thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm.
Theo khoản 2 điều 379 BLTTHS năm 2015, "việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ".
Nếu HĐTP TAND tối cao cho rằng quyết định kháng nghị trên không hợp pháp thì không cần phải xem xét lại vụ án. Nhưng do pháp luật tố tụng hình sự chưa điều chỉnh trường hợp đặc biệt này, hoặc đây là cơ hội để xem xét lại cẩn trọng, toàn diện và xử lý dứt điểm vụ án đối với người bị kết án tử hình trên cơ sở kiến nghị, yêu cầu của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước... nên HĐTP vẫn tiến hành thủ tục giám đốc thẩm.
Ông Đỗ Đức Vĩnh (nguyên kiểm sát viên cao cấp): Cả hai cơ quan cùng vượt quá thẩm quyền
Theo ông Vĩnh, BLTTHS chưa tiên liệu được trường hợp như vụ của Hồ Duy Hải. Đó là lý do khi xảy ra sự việc cả hai cơ quan tố tụng đều không quyết định không kháng nghị bản án. Tuy nhiên lại tình huống buộc phải xem xét lại bản án thì mỗi cơ quan có cách áp dụng pháp luật khác nhau.
Viện KSND tối cao có đến hai quyết định vừa kháng nghị vừa không kháng nghị. Trong khi tòa mở phiên họp xem xét kháng thì tòa cho rằng kháng nghị không đúng luật nhưng vẫn xem xét nội dung, hình thức và thừa nhận một số điều trng kháng nghị.
"Theo tôi, cả hai cơ quan tố tụng đều đã vượt quá thẩm quyền của mình", ông Vĩnh nói.
Ở vụ án này, sau khi lập đoàn liên ngành đã thống nhất không oan, không sai, không cơ quan nào kháng nghị thì thẩm quyền của cả tòa án và viện kiểm sát đã hết. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu mở phiên tòa đặc biệt để xem xét lại vụ án thì TAND tối cao mở phiên tòa theo thủ tục đặc biệt để đánh giá lại.
Học sinh phổ thông TP.HCM, Hà Nội đã trở lại trường sau kỳ nghỉ chống dịch
Để đảm bảo các em học sinh đi học trở lại an toàn, các trường đã tăng cường tập huấn phương án chăm sóc trẻ và vệ sinh nhà trường.