Mẹ Hồ Duy Hải gửi đơn đến chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Ngày 10-5, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ của tử tù Hồ Duy Hải) đã có đơn gửi đến bà Lê Thị Nga, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Trong đơn, mẹ của bị án Hồ Duy Hải khẩn thiết đề nghị chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với hi vọng quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ được xem xét lại.

Xác nhận với Tuổi Trẻ Online, gia đình bà Loan và luật sư Trần Hồng Phong (người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải), cho biết đơn đã được gửi đi với hi vọng quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ được xem xét lại.

Trong đơn, bà Loan viết không thể quên được thời điểm cách đây 5 năm khi đoàn giám sát của Quốc hội do bà Nga làm trưởng đoàn đã gặp gia đình bà. Báo cáo kết quả nghiên cứu vụ án gửi Quốc hội đã kết luận: "Việc tòa án hai cấp kết tội Hồ Duy Hải là chưa đủ cơ sở vững chắc, có đầy đủ căn cứ để giám đốc thẩm".

Những ngày qua, bà Loan đã ra Hà Nội để ngóng chờ tin tức từ phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án con trai bà bị kết tội "giết người" và "cướp tài sản".

Hội đồng thẩm phán đã bác kháng nghị của Viện KSND tối cao, quyết định giám đốc thẩm giữ nguyên bản án đối với Hồ Duy Hải.

Trong đơn, bà Loan cũng cho rằng sau khi Hội đồng thẩm phán công bố quyết định, đã có nhiều dư luận trái chiều và gia đình bà "hoàn toàn suy sụp".

Do đó, bà Loan làm đơn gửi chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp để "một lần nữa khẩn thiết đề nghị" bà Lê Thị Nga có kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Đồng thời bà Loan đề nghị xem xét các tình tiết quan trọng của vụ án do luật sư Trần Hồng Phong đưa ra, mà theo bà chưa được Hội đồng thẩm phán xem xét khách quan.

Căn cứ vào quy định tại điều 395 Bộ luật tố tụng hình sự, hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm phát sinh từ ngày ra quyết định, cụ thể trong vụ án giết người, cướp tài sản ở Bưu điện Cầu Voi, là ngày 8-5-2020.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý phân tích vẫn còn cơ hội xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao theo điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự, nếu phát hiện quyết định này có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Theo đó, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp để xem xét lại quyết định nếu có căn cứ xác định quyết định giám đốc thẩm này có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định, mà Hội đồng thẩm phán không biết được khi ra quyết định đó.

Đồng thời, điều 404 quy định: "Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thì chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Trường hợp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.

Trường hợp chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó".

Tuy nhiên, theo quy định tại điều 404, nếu xem xét lại bản án thì vẫn do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, do đó việc đánh giá bằng chứng hoặc việc sai phạm của quyết định giám đốc thẩm phải rất thận trọng.

Thân Hoàng - Hoàng Điệp

theo Tuổi trẻ

Cơ sở nào để bác kháng nghị của VKSND Tối cao vụ Hồ Duy Hải

Cơ sở nào để bác kháng nghị của VKSND Tối cao vụ Hồ Duy Hải

Theo giám đốc thẩm, quá trình điều tra vụ Hồ Duy Hải có thiếu sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án.