Vụ án Nhật Cường Mobile: Có tất cả bao nhiêu người liên quan?

Từ năm 2019, phạm vi điều tra của vụ án không còn ở Nhật Cường mà mở rộng sang một số đơn vị của Hà Nội.

Thương hiệu Nhật Cường Mobile xuất hiện từ năm 2001 với cửa hàng đầu tiên ở 33 Lý Quốc Sư, thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (sau đây gọi tắt là Nhật Cường). Tổng giám đốc, kiêm người đại diện theo pháp luật của Nhật Cường là ông Bùi Quang Huy, 46 tuổi, chủ sở hữu 90% vốn công ty.

Nhật Cường kinh doanh thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông, sản xuất điện thoại di động, dịch vụ cầm đồ và bán vé máy bay. Sau đó mở rộng ra 20 cửa hàng trên toàn quốc, vào top 5 nhà bán lẻ điện thoại hàng đầu.

Đầu tháng 5/2019, Bộ công an Khởi tố vụ án Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Các cửa hàng bị khám xét và ngừng kinh doanh. 

Ngày 14/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố Bùi Quang Huy cùng 8 người khác. Trong đó Bùi Quang Huy đã bỏ trốn.

  Công an khám xét Trung tâm bảo hành Nhật Cường, tháng 5/2019. Ảnh: Võ Hải.

Công an khám xét Trung tâm bảo hành Nhật Cường, tháng 5/2019. Ảnh: Võ Hải.

Tháng 9/2019, Huy bị Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế đưa vào danh sách truy nã đỏ theo đề nghị của Việt Nam. Sau hơn một năm, việc truy tìm chưa có kết quả.

Theo cáo buộc, Bùi Quang Huy bị khởi tố với 4 tội danh:  Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra còn bị cáo buộc đã sử dụng tiền do phạm tội mà có để đưa vào Công ty Nhật Cường và Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software), góp mặt vào các dự án về công nghệ thông tin của Hà Nội như dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến...; thực hiện 7 gói thầu mua sắm thiết bị công nghệ thông tin; là một trong 63 đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm cho Hà Nội.

Bộ Công an đã đề nghị Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng phối hợp cung cấp tài liệu, thông tin. 

Tính đến 13/8, đã có 28 người bị khởi tố, trong đó có nhiều người giữ chức vụ của thành phố, bị điều tra vì Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh Văn phòng Thành ủy; bà Phạm Thị Thu Hường, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Tiến Học, cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; bà Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Tháng 11/2019, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vụ án vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Trong tháng 7, anh trai của Bùi Quang Huy bị bắt, sau đó là lái xe của ông Nguyễn Đức Chung là Nguyễn Hoàng Trung. Còn ông Nguyễn Anh Ngọc, Phó trưởng Phòng thư ký biên tập thuộc Văn phòng UBND Hà Nội bị khám xét nơi làm việc trước khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Ông Ngọc và Trung bị khởi tố, tạm giam vì cáo buộc "chiếm đoạt tài liệu mật" xảy ra tại Công ty Nhật Cường, được lập thành vụ án riêng Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.

Một người nữa là cán bộ công an - Phạm Quang Dũng, 37 tuổi, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03, Bộ Công an).

Ngày 11/8 vừa qua, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị tạm đình chỉ công tác 90 ngày để phục vụ điều tra. Bộ Công an thông tin ông Chung "liên quan ba vụ án", trong số này có hai vụ án nêu trên.

Vụ án thứ ba là Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại UBND Hà Nội và các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, Bộ Công an chưa công bố thông tin chi tiết.

Thanh Mai

Cần tập trung, xử lý nghiêm minh các vụ án lớn như Sabeco, Sagri, Nhật Cường...

Cần tập trung, xử lý nghiêm minh các vụ án lớn như Sabeco, Sagri, Nhật Cường...

Các vụ án lớn như VEC, Sagri, Sabeco, Công ty Gang thép Thái Nguyên... cần được tập trung, xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm.