WHO nỗ lực tạo ra một loại vaccine gần giống Moderna

Martin Friede, quan chức WHO phụ trách dự án, gọi phòng thí nghiệm của Afrigen là một "trạm chuyển giao công nghệ vaccine".

Afrigen, công ty chế phẩm sinh học chuyên phát triển vaccine thú y ở Nam Phi, trở thành đơn vị nòng cốt trong một dự án trị giá 100 triệu USD của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Họ được đặt hàng để tạo ra một loại vaccine Covid-19 bằng công nghệ mRNA càng giống sản phẩm của Moderna càng tốt.

Giám đốc điều hành Petro Treblanche nói rằng, phòng thí nghiệm của công ty giờ chuyên nghiên cứu công nghệ vaccine mRNA. Nếu Afrigen giải mã được quy trình phức tạp chế tạo vaccine Covid-19 của Moderna, WHO cùng một số đối tác sẽ tiếp tục đầu tư giúp họ dạy lại công nghệ này cho các nước khác.

WHO nỗ lực tạo ra một loại vaccine gần giống Moderna

Martin Friede, quan chức WHO kỳ vọng sẽ sớm phổ biến công nghệ vaccine mRNA trên toàn thế giới, đặc biệt hướng đến nhà sản xuất vaccine từ những nước có thu nhập vừa và thấp như ở châu Phi, Đông Nam Á và các nước nghèo của Trung Đông. Những nước này đang chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch vì năng lực sản xuất vaccine gần như bằng không

Theo Friede, việc không có nhà sản xuất đủ khả năng thực hiện toàn bộ quy trình sản xuất vaccine là nguyên nhân lớn khiến các nước nghèo luôn khó có được vaccine. 

Theo Friede, dự án nhắm vào vaccine mRNA vì công nghệ này đã chứng tỏ hiệu quả trong giảm rủi ro lây nhiễm và bệnh nặng, dần chứng tỏ tiềm năng giải quyết một số căn bệnh nguy hiểm khác. Việc mô phỏng vaccine của Moderna thay vì sản phẩm cũng sử dụng công nghệ mRNA khác như Pfizer-BioNTech là lựa chọn mang tính thực tế hơn.

Treblanche lưu ý tập đoàn dược phẩm Mỹ vẫn giữ kín nhiều thông tin quan trọng về vaccine. Cho nên dù Afrigen đã xác định được phần lớn thiết bị và nguyên liệu chuyên dụng cần cho điều chế vaccine của Moderna, họ vẫn chưa hiểu được cách thức điều chế hay nồng độ của mỗi thành phần.

Một trong những thách thức lớn nhất với Afrigen là sao chép "hạt nano lipid", lớp vỏ phân tử béo giúp đưa các sợi mRNA vào cơ thể đến tế bào mục tiêu một cách an toàn, ít gây tác dụng phụ không mong muốn. Afrigen biết nhiều cách đóng gói chế phẩm sinh học, nhưng đội ngũ nghiên cứu tại Nam Phi chưa từng thử sức với hạt nano lipid "đóng gói" mRNA.

Cách đây không lâu, các nghị sĩ lưỡng viện của đảng Dân chủ cùng đứng tên trong lá thư, chỉ ra rằng Moderna đã nhận khoản tài trợ lớn từ chính phủ Mỹ trong quá trình phát triển vaccine, trong đó nghiên cứu về thành phần vaccine mRNA đã nhận được ít nhất 1 tỷ USD. Họ cho rằng hính phủ có thể và nên vận dụng quy định hợp đồng với Moderna, buộc hãng dược này chia sẻ công thức vaccine.

Moderna cũng như Pfizer-BioNTech đã tuyên bố kế hoạch đặt dây chuyền điều chế vaccine tại châu Phi, đồng thời cam kết tạo điều kiện cho nước thu nhập thấp tiếp cận nguồn vaccine Covid-19 dễ dàng hơn. Friede cho rằng đây là tín hiệu đáng khích lệ, nhưng vẫn không đảm bảo an ninh y tế cho châu Phi hay nhóm nước nghèo.

Vấn đề lớn nhất là nhà sản xuất cần 3-4 năm để có thể cho ra lò "bản sao" vaccine Covid-19 dùng công nghệ mRNA. 

Ramsu Bech Hansen, CEO hãng phân tích Airfinity của Anh, lại cho rằng quá trình đàm phán với Moderna lẫn dự án sao chép công thức vaccine đều đang được triển khai quá chậm.

Tuy nhiên, dự án của WHO vẫn có công dụng riêng. Friede cho rằng, Afrigen sẽ giúp châu Phi chuẩn bị tốt hơn để ứng phó đại dịch tiếp theo có thể bùng phát. 

Một trong những mục tiêu từ đầu của dự án là "cải tiến" vaccine, giúp các nước nghèo bảo quản được vaccine ở nhiệt độ cao hơn so với tủ đông sâu của Moderna và Pfizer-BioNTech. Treblanche thừa nhận đây là yêu cầu rất khó nhưng không phải nhiệm vụ bất khả thi.

Thanh Mai