Đảm bảo quy chuẩn thiết kế
Chiều cao của tầng lửng sẽ chiếm khoảng ½ - ⅔ kích thước cao độ tầng trệt, diện tích sàn gác lửng sẽ chiếm 80% diện tích sàn tầng trệt, 20% còn lại dành cho khoảng không thông khí.
Thông thường, tầng gác lửng được xây sẽ có độ cao dao động từ 2,2 - 2,5m, còn độ cao tầng trệt có lửng khoảng 4,5 - 5m. Nếu xây gác lửng thấp hơn chiều cao chuẩn sẽ làm không gian có cảm giác bí bách.
Bên cạnh đó, diện tích của gác lửng nên đạt khoảng ⅔ chiều sâu của ngôi nhà là tốt nhất, nhằm đảm bảo thẩm mỹ chung của công trình. Một lưu ý nhỏ khi thiết kế cầu thang từ tầng 1 lên gác lửng nên chọn kiểu dáng nhỏ gọn, để không chiếm quá nhiều diện tích của ngôi nhà.
Xác định rõ công năng
Tùy theo nhu cầu của mỗi gia đình và đặc điểm kết cấu của ngôi nhà, gác lửng sẽ được thiết kế với công năng khác nhau. Phần lớn, gác lửng thường được sử dụng làm phòng ngủ hoặc phòng làm việc, bên dưới là khu vực sinh hoạt chung của gia đình như phòng khách, phòng bếp - ăn,...
Ngoài ra, gác lửng có thể làm khu vực phòng thờ của gia đình. Tuy nhiên, xét theo yếu tố phong thuỷ, làm phòng thờ ở gác lửng cần chú ý tới một số yếu tố mà các gia chủ nên tìm hiểu thêm kỹ trước khi thiết kế.
Đối với các hộ kinh doanh, tầng gác lửng được sử dụng như khu vực ở của gia đình, không gian bên dưới phục vụ mục đích buôn bán. Dù gác lửng được sử dụng với công năng nào, các gia chủ cũng nên tính toán kết cấu gác lửng hợp lý để đảm bảo thuận tiện cho sinh hoạt.
Chọn vật liệu làm gác lửng
Gác lửng thường là công trình xây dựng cải tạo, cơi nới phát sinh khi gia đình cần mở rộng không gian chức năng, hoặc là giải pháp dành cho các công trình có diện tích khiêm tốn.
Để đảm bảo xây dựng gác lửng không làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính của công trình, các gia chủ nên chọn các loại vật liệu nhẹ, độ bền cao, chịu lực, chịu ẩm, chịu tải trọng tốt. Các vật liệu này không những đáp ứng yêu cầu bền chắc mà còn làm tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà.
Để làm sàn, vách ngăn cho gác lửng, các gia chủ nên chọn tấm xi măng hay còn gọi là bê tông nhẹ, vì có khả năng chịu lực tốt, trên thị trường có loại tấm có thể chịu tải trọng lên đến 500kg/m2. So với các vật liệu truyền thống, tấm xi măng có trọng lượng nhẹ hơn gấp nhiều lần, nhờ đó không làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, kết cấu móng của công trình.
Ngoài ra, vật liệu này được đúc sẵn dạng tấm có kích thước tiêu chuẩn, giúp chủ đầu tư rút ngắn đáng kể thời gian thi công.
Tấm xi măng có bề mặt hoàn thiện trơn nhẵn, dễ dàng kết hợp với vật liệu sơn trang trí hoặc lót sàn bằng tấm simili mà không ảnh hưởng đến thẩm mỹ của công trình.
Bên cạnh tấm xi măng, các gia chủ có thể chọn tấm vân gỗ. Đây là tấm xi măng có bề mặt được tạo vân hoặc xớ xước giả giống gỗ thật. Tấm vân gỗ có thể thay thế các vật liệu như gỗ tự nhiên, gỗ công nghiệp để ốp lót sàn, ốp tường cho khu vực ngăn chia hoặc trang trí tường.
Bố trí nội thất
Diện tích gác lửng không lớn, do vậy các gia chủ nên ưu tiên sử dụng những đồ nội thất đa năng, thông minh, giúp tiết kiệm không gian một cách tối đa mà vẫn đảm bảo tiện nghi.
Bên cạnh đó, nên chọn màu sắc chủ đạo tươi sáng để tạo cảm giác rộng rãi cho gác lửng. Gam màu tối sẽ khiến không gian trở nên chật chội, bí bách. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia, bạn nên chọn và phối 2 tông màu chủ đạo, trong đó có màu trắng để gác lửng luôn sáng thoáng và hiện đại.
Nếu chú ý các lưu ý trên khi thiết kế gác lửng, các gia chủ sẽ vừa mở rộng được khu vực chức năng vừa không làm mất tính thẩm mỹ của ngôi nhà.