Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: 2 tấn vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vào ngày 20/6 đã bán hết trong vòng 1 ngày. Mặc dù giá bán khá cao: 534,84 yên Nhật (khoảng 118.000 đồng) cho 1 hộp khoảng 9 - 10 quả vải, nhưng vẫn được khách tiêu dùng Nhật Bản đón nhận và đánh giá rất tốt.
Quầy bày bán vải thiều Việt Nam tại siêu thị AEON (Nhật Bản). Nguồn: phunuvietnam.vn |
Một người dân Nhật Bản cho hay: "Trước đây tôi toàn ăn vải nhập từ Trung Quốc, hôm nay lần đầu tiên nhìn thấy vải Việt Nam nên mua thử ăn xem thế nào".
Đánh giá về quả vải thiều tươi nhập khẩu từ Việt Nam, ông Soichi Okazaki, Giám đốc phụ trách khu vực ASEAN của Công ty TNHH AEON cho biết: Vải thiều của Việt Nam rất ngọt và ngon, hạt nhỏ, thể hiện chất lượng rất tốt. Phản ứng của thị trường cho đến nay là rất tốt, đáng tiếc vụ vải năm nay không còn nhiều, năm sau chúng tôi muốn nhập khẩu với sản lượng gấp đôi.
Ông Soichi Okazaki, Giám đốc phụ trách khu vực ASEAN của Công ty TNHH AEON, đánh giá cao chất lượng vải thiều của Việt Nam. Nguồn: special.vietnamplus.vn |
Theo thông báo của Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã gửi cho Cục Bảo vệ thực vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, vải thiều xuất khẩu cần đáp ứng những tiêu chuẩn: được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng. Thứ hai, được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận dưới sự giám sát của các cán bộ kiểm dịch thực vật hai bên. Thứ ba, các lô vải thiều xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.
Trước đó, để chuẩn bị các công đoạn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật chọn và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng với diện tích 103 ha, sản lượng ước 600 tấn ở huyện Yên Thế và Lục Ngạn. Bắc Giang cũng đã hợp tác với 3 công ty Ameii, Chánh Thu, Toàn Cầu trong nước để liên kết tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Các sản phẩm vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trải qua quy trình kiểm định rất nghiêm ngặt. Nguồn: thanhnien.vn |
Để có thêm nhiều loại hoa quả nhiệt đới khác của Việt Nam có thể tiến vào thị trường khó tính này, những người trồng vải cho rằng: Cần tiến hành quy hoạch vùng trồng, tập huấn, khuyến khích người dân thay đổi và áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, đảm bảo các sản phẩm có thể đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản.
Ông Vũ Hồng Nam - Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng: "Thông qua việc đưa được quả vải vào Nhật Bản chúng ta đã chứng tỏ được trình độ phát triển nông nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn kĩ thuật của những thị trường khó tính. Điều thứ hai quan trọng hơn là khi đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường Nhật Bản sẽ giúp thay đổi được cung cách sản xuất của người nông dân Việt Nam, từ đó tạo ra được các sản phẩm có giá trị cao mang lại nguồn thu nhập lớn".
Để chuẩn bị các công đoạn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật chọn và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng với diện tích 103 ha, sản lượng ước 600 tấn ở huyện Yên Thế và Lục Ngạn. Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn |
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cũng cho rằng: các doanh nghiệp xuất khẩu cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm dịch và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Cần có quy hoạch vùng trồng, được kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có thể truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm và tuyệt đối không được dùng thuốc bảo vệ thực vật mà phía Nhật Bản không cho phép.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng các công nghệ bảo quản ngày càng tốt hơn để giữ hoa quả tươi lâu hơn, đảm bảo chất lượng trong quá trình vận chuyển.
Vải thiều Bắc Giang có cơ hội tiếp cận các doanh nghiệp tiêu thụ lớn trong và ngoài nước
Bộ Công Thương phối hợp tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ vải thiều vào ngày 6/6 để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều trong vụ sắp tới.