Bất động sản hậu COVID-19: Đất nền sôi động, giá tăng

Thị trường đất nền chưa bao giờ giảm nhiệt ngay cả trước, trong và sau dịch COVID-19 vì đây luôn là sản phẩm chủ đạo của các nhà đầu tư, đặc biệt là những dự án đất nền có sổ hoặc các nền đất riêng lẻ trong dân có giấy tờ pháp lý rõ ràng.

Đất nền chưa bao giờ hạ nhiệt

Tại TP.HCM, hiện một số đất nền lẻ có giá từ 2-6 tỉ đồng/nền đang được chào bán ra thị trường, tập trung chủ yếu tại quận Tân Bình, Thủ Đức, Tân Phú, quận 2… Còn các quận huyện vùng ven như Bình Chánh, Nhà Bè… Giá đất cũng giữ nguyên và dao động từ 1-3 tỷ đồng/nền mà không có xu hướng giảm nhiệt so với trước dịch.

Theo các nhà môi giới, nguyên nhân là do thị trường khan hiếm nguồn cung. Các nền đất ra được sổ ở khu vực thành phố giá tăng khá cao; thêm vào đó tâm lý nhà đầu tư lâu năm lẫn người mua có nhu cầu thật vẫn muốn sở hữu đất nền khu vực TP.HCM, dù giá cao nhưng khả năng giao dịch dễ dàng hơn.

Chưa kể, nền đất có pháp lý rõ ràng, đã ra sổ thì nhà đầu tư có vốn mạnh, không chịu sức ép vay ngân hàng cũng giam đất chứ không bán ra ở giai đoạn này. Vì thế, cũng không khó hiểu khi đất nền "miễn nhiễm" với dịch COVID-19. 

Như trường hợp anh Thành (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết: “Năm ngoái, tôi mua miếng đất trong hẻm đường Võ Văn Vân, Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh với giá 700 triệu vì kẹt tiền trả nợ nên tôi bán, cứ nghĩ trong mùa dịch bán đất sẽ khó và giá không cao nên tôi để lại giá 750 triệu. Thế nhưng vừa rao bán có người đến đặt tiền cọc ngay và chưa đầy một tuần họ sang bán miếng đất của tôi với giá hơn 1 tỷ”.

Nhà đầu tư săn mua đất sau dịch. Ảnh: Cẩm Viên. 
Nhà đầu tư săn mua đất sau dịch. Ảnh: Cẩm Viên. 

Còn tại thị trường tỉnh lân cận TP.HCM, hoạt động mua bán đất nền cũng rục rịch trở lại. Các khu vực thuộc các tỉnh Đồng Nai như Nhơn Trạch, Long Thành, Phú Mỹ, Bến Lức (Long An) hay Tân Uyên (Bình Dương) đã bắt đầu xuất hiện giao dịch ở thời điểm này. Tuy nhiên cả người đầu tư và người mua thực đều ưu tiên đất có giấy tờ pháp lý rõ ràng.

Theo các môi giới tại khu vực TP. Vũng Tàu, giá đất dao động từ từ 15 – 30 triệu đồng/m2. Ở thị trường Long An, giá đất không có nhiều biến động từ 14 – 18 triệu đồng/m2. Tại khu vực Tân Uyên (Bình Dương) giá đất cũng nằm ở mức từ 15 triệu đồng/m2 trở lên. Còn khu vực tỉnh Đồng Nai, nơi có nhiều dự án cơ sở hạ tầng đang triển khai trong tương lai cũng có mức giá đất từ 20-80 triệu đồng/m2.

Như dự án đất nền Việt Úc Varea của Tập đoàn Casa Holdings (Bến Lức, Long An) với diện tích đa dạng từ 88 - 130m2, giá từ 12 triệu đồng/m2. Đại diện dự án này cho biết giá vẫn giữ nguyên và không giảm sau dịch, chỉ khuyến mãi giảm 100 triệu đồng, trong tháng 5 cho khách mua đất trả tiền đủ một lần. 

Với tình hình giá đất nền không những giảm mà còn có xu hướng tăng trong tương lai, vợ chồng anh Đức Ngọc (33 tuổi, quận Tân Bình) đã xuống tiền đặt cọc và mua miếng đất 64m2 tại Bến Lức, tỉnh Long An với giá hơn 700 triệu đồng. Chủ đầu tư hứa giao sổ đất trong vòng 3 tháng.

“Miếng đấy này được chào giá trước tết 700 triệu đến giờ giá vẫn vậy nên hai vợ chồng tranh thủ mua chứ chờ giảm giá biết chừng nào mới có được đất”, anh Ngọc chia sẻ.  

Tại khu vực Long Thành, theo ông Trần Quang Lý, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Bất động sản Phú Mỹ, giá đất nền dự án tại các xã Bình Sơn, Lộc An, Long An dao động từ 20-80 triệu/m2. Những khu vực khác giá cả đa dạng nhưng nằm ở mức từ 12 triệu đồng/m2.

Nhìn chung giá đất nền sau dịch tại khu vực sân bay tăng từ 10-20%. Đó là chưa kể đất nông nghiệp ăn theo các dự án lớn như sân bay Long Thành, khu công nghiệp, khu tái định cư được dân đầu tư mua theo công, theo mẫu cũng rục rịch sôi động trở lại.

Giá đất nền không giảm vì nhu cầu lớn

Theo báo cáo của Công ty DKRA Việt Nam, trong quý 1/2020, phân khúc đất nền chỉ có 3 dự án mới ra mắt thị trường, cung cấp khoảng 175 nền, giảm đến 74% so quý trước (khoảng 677 nền) và giảm 32% so với cùng kỳ năm 2019.

Khu vực phía Đông dẫn đầu về nguồn cung mới lẫn tỷ lệ tiêu thụ. Các dự án mới đa phần tập trung ở khu vực vùng ven như quận 9, Bình Chánh, Nhà Bè,… Mặc dù khan hiếm nguồn cung mới trong quý 1/2020, nhưng thị trường không có nhiều diễn biến tích cực khi giao dịch thứ cấp giảm mạnh và mức giá thứ cấp cũng có dấu hiệu giảm.

Tại các tỉnh giáp ranh TP.HCM (Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu) trong quý 1/2020, nguồn cung mới và sức cầu giảm đáng kể so với quý trước, ngoại trừ thị trường Bình Dương do Thuận An và Dĩ An được nâng cấp lên thành phố.

Ở các khu vực còn lại, mức thanh khoản khá kém dù nhiều chủ đầu tư đưa ra chính sách bán hàng hấp dẫn với nhiều hình thức khuyến mãi, chiết khấu, tặng vàng,... Mặt bằng giá các dự án mở bán mới trong quý ghi nhận mức tăng nhẹ từ 3 - 5% so với quý 4/2019.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, mặc dù thị trường đang đối mặt nhiều thách thức nhưng xu hướng giảm giá đất nền trong năm 2020 rất khó xảy ra do mặt bằng giá đất đã bị điều chỉnh tăng. Cụ thể, từ quý I/2020, khung giá đất tại 63 tỉnh thành đã được tăng lên mức 10 - 15%.

Còn theo dự báo thị trường quý 2 năm 2020 của DKRA Vietnam, đất nền vẫn là phân khúc được nhà đầu tư ưa chuộng. Phân khúc này dự báo vẫn sẽ tiếp tục khan hiếm và không có nhiều dự án mới mở bán.

Trước tác động của dịch COVID-19 lên các hoạt động kinh tế và đời sống, sức cầu chung của thị trường nhìn chung suy giảm do áp lực tài chính và tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, xét về dài hạn tâm lý sở hữu đất nền vẫn còn khá lớn trên thị trường. Và chính sự khan hiếm cũng đẩy mức giá bán của loại hình này trên thị trường sơ cấp tăng lên.

Giá thứ cấp của thị trường đất nền cũng không giảm vì nhu cầu còn lớn, trong khi nhà đầu tư cũng không vội vàng bán sản phẩm trong vài ba tháng dịch bệnh. Hầu hết những nền đất đã có sổ nhà đầu tư vẫn ôm hàng, giữ hàng, chỉ một số ít chịu áp lực về tài chính mới chấp nhận bán ra nhưng không phải tình trạng bán tháo.

VIÊN VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương