Du xuân đầu năm với những lễ hội miền Bắc

Mỗi dịp Tết đến xuân về, theo truyền thống, rất nhiều nơi trên khắp miền Bắc lại tưng bừng mở hội thu hút du khách khắp nơi nô nức về tham dự.

Tết Canh Tý năm nay, hãy mở đầu năm mới bằng việc du xuân cầu mong nhiều điều tốt lành, đồng thời tham dự nhiều hoạt động lễ hội truyền thống đặc sắc. Cùng điểm danh những lễ hội lớn ở miền Bắc trong tháng Giêng sắp tới này. Các lễ hội được sắp xếp theo thứ tự thời gian để du khách dễ dàng sắp xếp lên lịch ghé thăm.

 Lễ hội chùa Hương ở Hà Nội

Du xuân đầu năm với những lễ hội miền Bắc

Đi lễ chùa đầu năm không thể bỏ qua lễ hội chùa Hương bắt đầu từ ngày mùng 6 tháng Giêng cho đến hết tháng 3 Âm lịch. Nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, hàng năm chùa Hương đón cả triệu lượt khách hành hương từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc. 

Đây là lễ hội kéo dài nhất Việt Nam, không chỉ là địa điểm linh thiêng để ghé thăm đầu năm cầu may mắn, lễ hội chùa Hương còn là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn …  

Để vào cổng tham quan, năm nay giá vé là 50 nghìn đồng/khách, đi đò 40 nghìn đồng/khách, giá vé không tăng nhiều so với những năm trước. Từ khhi có cáp treo, du khách thường vãn cảnh và đi lễ Chùa Hương trong một ngày khá thuận tiện. 

Hội chữ Xuân

Du xuân đầu năm với những lễ hội miền Bắc

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía nam Kinh thành Thăng Long. Đến hẹn lại lên, năm nay Hội chữ xuân lại được tổ chức để đem đến một không gian văn hóa đặc sắc cho người dân Thủ đô và du khách. Bên cạnh hoạt động xin và cho chữ đầu xuân, Hội chữ Xuân 2020 còn bao gồm hoạt động triển lãm Thư pháp với chủ đề Thánh Đức, trưng bày hơn 50 tác phẩm thư pháp chữ Hán nôm và chữ Quốc ngữ. Các hoạt động tại Hội chữ Xuân 2020 hứa hẹn sẽ đem đến không khí vui tươi trong dịp Tết Nguyên đán.

Lễ hội Chùa Bái Đính

Du xuân đầu năm với những lễ hội miền Bắc

Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần: Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương và nghi thức rước kiệu mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiến hành phần hội. Phần hội chùa Bái Đính gồm có các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm, Ca trù đất Cố đô rất đặc sắc.

Du khách đến quần thể chùa Bái Đính dịp đầu năm bên cạnh tham dự nhiều hoạt động lễ hội ý nghĩa còn là dịp lễ Phật cầu những điều tốt lành trong năm mới, đồng thời du xuân vãn cảnh non nước Ninh Bình đẹp như tranh vẽ. Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á,có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á… Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam.

Hội chùa Keo

Du xuân đầu năm với những lễ hội miền Bắc

Chùa Keo là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam. Chùa thờ Không Lộ thiền sư – người có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông, được phong làm Quốc Sư. 

Trong lễ hội có lễ rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng, tiểu đỉnh. Trên sông Trà Lĩnh trước chùa, diễn ra cuộc thi bơi trải, thi kèn trống, bơi thuyền và biểu diễn các điệu múa cổ. Trong hội chùa Keo xưa còn có các cuộc đua giải trí gắn liền với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp như trò bắt vịt, ném pháo, nấu cơm.

Lễ hội Lim ở Bắc Ninh

Du xuân đầu năm với những lễ hội miền Bắc

“Tháng Giêng đi trảy Hội Lim

Tôi mê câu hát đi tìm lời xưa…” (Đỗ Lương Hiền)  

Đến hẹn lại lên, hội Lim vào mỗi dịp xuân về như níu chân du khách thập phương trong nỗi niềm hân hoan, háo hức. Đây là lễ hội lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh và cũng là một trong những lễ hội được mong chờ nhất tại miền Bắc. 

Được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh, hội Lim là môt nét văn hóa lâu đời đặc trưng cho vùng Kinh Bắc, là điểm dừng chân của du khách thập phương ngày xuân. Đến đây bạn không chỉ được nghe những làn điệu dân ca quan họ nổi tiếng, da diết mà còn có dịp tham gia những trò chưi dân gian đặc sắc như  đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm.. 

Qua bao năm lịch sử và phát triển, hội Lim không hề bị ảnh hưởng bởi sự xô bồ của hiện tại mà vẫn lưu trữ được những nét văn hóa truyền thống quý báu của người Việt ta. 

Hội Gò Đống Đa

Du xuân đầu năm với những lễ hội miền Bắc

Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung – người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện tinh thần thượng võ, đặc biệt tục rước rồng lửa đã thành lễ hội truyền thống của người Hà Nội.

Sau đám rước rồng lửa là lễ dâng hương, lễ đọc văn, cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang.

Hội Cổ Loa

Du xuân đầu năm với những lễ hội miền Bắc

Lễ hội diễn ra tại đền thờ An Dương Vương, mở đầu bằng đám rước Văn với 5 lá cờ ngũ hành, phường bát âm, giá văn tế đặt trong kiệu Long đình, có lọng, tàn che. Sau đám rước Văn là màn tế lễ diễn ra quá giờ ngọ (12h). Tiếp theo là đám rước thần của 12 xóm.

Ngoài ra trong lễ hội còn có nhiều trò chơi khác nhau: chơi đu, thổi cơm thi, hát trù, hát chèo… Hội Cổ Loa kéo dài cho tới 16 tháng Giêng mới làm lễ tế tạ trời đất, kết thúc lễ hội. Lễ hội Cổ Loa nhằm tưởng nhớ và suy tôn Thục Phán An Dương Vương, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa.

Hội Gióng

Du xuân đầu năm với những lễ hội miền Bắc

Hội đền Gióng được tổ chức tại đền Sóc để tưởng nhớ đến Thánh Gióng, vị anh hùng thiếu niên của dân tộc ta. Trong lễ hội có những nghi thức độc đáo như: Lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Năm 2011 Hội Gióng (gồm 2 lễ hội chính tại Sóc Sơn và tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hội Mở Mặt

Du xuân đầu năm với những lễ hội miền Bắc

Tương truyền, các cô gái làng Phục Lễ nổi tiếng xinh đẹp nhưng quanh năm chít khăn vuông đen, che kín mặt. Ngay cả khi lấy chồng, nhiều cô vẫn e ngại không chịu bỏ khăn.

Lễ hội là một dịp hiếm hoi trong năm để các cô gái Phục lễ có tiếng xinh đẹp quanh năm che mặt được mở mặt qua cuộc thi sắc đẹp, làm quân cờ người. Hội còn làm cỗ chay, thi dệt vải hát đúm.

Hội Xoan

Du xuân đầu năm với những lễ hội miền Bắc

Lễ hội nhằm tưởng nhớ Xuân Nương, một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng. Khởi đầu lễ hội là tiệc cầu Xuân dâng Thành hoàng, theo truyền thống dọn cỗ chay, có củ mài và mật ong. Tục truyền việc mổ trâu “nồi da xáo thịt” diễn lại tích năm tướng của vua Hùng thờ thần sông mà thoát nạn, khi lên bờ tìm trâu mổ thịt, lấy da làm nồi nấu để tế thần sông.

Trong lễ hội, ngày mồng 10 tháng Giêng sẽ diễn trò trình nghề ở bãi sông trước đình làng. Các vai diễn cày, bừa, gieo mạ, tát nước, bán con ngài tằm, bán bông rất hấp dẫn.

Hội chợ Viềng

Du xuân đầu năm với những lễ hội miền Bắc

Hội chợ Viềng là một trong những lễ hội đầu năm đặc biệt của miền Bắc. Lễ hội diễn ra vào buổi đêm và tờ mờ sáng. Các mặt hàng bày bán trong chợ là nông sản và nông cụ. Điểm đặc biệt là người mua sẽ không mặc cả, người bán không nói thách bởi ý nghĩa lễ hội là mua may bán rủi, cầu mong một năm mới may mắn, mùa màng bội thu.

Lễ hội Yên Tử

Du xuân đầu năm với những lễ hội miền Bắc

Yên Tử là nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa Phật giáo lâu đời của Việt Nam. Đây là địa điểm du xuân Hà Nội vào thời điểm đầu năm luôn hút một lượng lớn khách đến. Ngoài làm lễ tế bái cầu một năm sung túc, bình an thì du khách đến đây cũng để cảm nhận sự thanh tịnh mà bầu không khí nhẹ nhàng của thiên nhiên đất trời ở đây mang lại. Du khách đến với Yên Tử không chỉ du xuân thưởng ngoạn mà còn thực hiện cuộc hành hương về đất Phật, chiêm ngưỡng những ngôi chùa, ngọn tháp ẩn nấp bên những con suối, rừng cây.

Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động như: Bái Tổ Trúc Lâm, lễ dâng hương cúng Phật, văn nghệ diễn xướng tái hiện lịch sử dân tộc… cùng những hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian… tưng bừng, nhộn nhịp.

Lễ hội khai ấn Đền Trần

Du xuân đầu năm với những lễ hội miền Bắc

Đền Trần là tên gọi chung của cả một quần thể di tích đền thờ tại Nam Định. Đền Trần được xây dựng vào năm 1695, thờ các vua nhà Trần và các quan có công triều đại đó. Đền Trần gồm 3 công trình lớn là đền Thượng (đền Thiên Trường), đền Hạ (đền Cố Trạch) và đền Trùng Hoa. Phía ngoài là cổng ngũ môn có khắc chữ Hán. Mỗi đền phía trong sẽ có 5 gian tòa tiền đường, 5 gian tòa trung đường và 3 gian tòa chính tẩm. Giữa tiền đường và trung đường là 2 gian tả hữu và thiêu hương. Hằng năm thì Lễ khai ấn sẽ được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng vào thời điểm rạng sáng.

Vào dịp đầu xuân năm mới thì du khách thường về đây để tri ân công lao của các bị vua thời Trần và chủ yếu là làm lễ bái để cầu tài, cầu lộc. Đặc biệt trong lễ khai ấn thì ai cũng mong muốn xin được lá ấn để tài lộc sung túc, phát đạt cho cả năm.

Lễ hội Bà chúa Kho

Du xuân đầu năm với những lễ hội miền Bắc

Là một lễ hội lớn tại miền Bắc, nhất là đối với giới kinh doanh, làm ăn buôn bán. Cuối năm trả nợ, đầu năm đi vay bà chúa Kho đã trở thành một phong tục tồn tại lâu đời tại Việt Nam. Ngày khai hội vào 14 tháng Giêng âm lịch tại đền Bà Chúa Kho. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) “cầu tài phát lộc”.

GIA HÂN (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương