Giải cứu tôm hùm giá 299.000 đồng/kg

Tôm hùm không xuất được sang Trung Quốc do ảnh hưởng dịch Covid-19 đổ về các chuỗi thực phẩm TP.HCM, Hà Nội bán ra với giá rẻ hơn cả tôm sú.

Những ngày này, tại Hà Nội , nhiều cửa hàng xuất hiện những tấm biển bán giá 299.000 đồng/con tôm hùm khiến nhiều người bất ngờ vì mức giá này thậm chí rẻ hơn tôm sú. Nguyên nhân bởi nhiều người nuôi tôm tại Khánh Hòa đang gặp khó khi không có thương lái đến mua tôm cho xuất khẩu do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài.

Theo khảo sát của VTCNews, thời điểm trước Tết, tại các vựa tôm, tôm hùm bông có giá hơn 1,8 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh hơn 650.000 đồng/kg, đến nay tôm hùm bông chỉ còn 1,5 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh 550.000 đồng/kg nhưng lượng xuất bán được rất ít. Từ sau Tết Nguyên đán, nhiều hộ nuôi tôm thuộc khu vực Khánh Hoà gọi thương lái đến bắt nhưng đều không thể bán được hàng do chưa thể xuất đi Trung Quốc.

Giải cứu tôm hùm ở Hà Nội vì dịch Covid-19 với giá trung bình từ 299.000-500.000 đồng/con
Giải cứu tôm hùm ở Hà Nội vì dịch Covid-19 với giá trung bình từ 299.000-500.000 đồng/con

Còn tại chuỗi cửa hàng thực phẩm, tôm hùm xanh có giá 1.095.000 đồng/kg (trước đây có giá 1.500.000 đồng/kg), tương đương từ 299.000-500.000 đồng/con tôm có trọng lượng từ 300-400g.

"Mỗi ngày số lượng khách đặt mua cũng tương đối lớn. Tuy nhiên đây là mặt hàng có giá trị cao, bảo quản cũng không phải đơn giản, nếu tôm chết sẽ gây thiệt hại lớn nên cửa hàng chủ yếu nhận khách đặt trước. Một cơ sở sẽ bán vài chục kg mỗi ngày, tuỳ nơi. Do khâu vận chuyển và bảo quản khó khăn và đắt đỏ nên dù được mua với giá khoảng 500.000 - 600.000 đồng/kg tại vựa tôm nhưng ra đến ngoài này tính chi phí cũng tăng lên hơn 1 triệu đồng/kg. Tuy nhiên giá này cũng khá rẻ so với trước khi giải cứu", một nhân viên thuộc chuỗi cửa hàng này chia sẻ.

Nhân viên này cũng cho biết, nếu khách muốn mua với số lượng trên 5 kg sẽ không có ngay mà phải đặt trước, ngày hôm sau sẽ có hàng. Hàng về vào khoảng 9-10h sáng mỗi ngày và đến trưa sẽ được bán hết, tôm hùm xanh được bày bán đều còn sống khoẻ mạnh khi đến tay khách.

  Chuỗi cửa hàng thực phẩm tham gia giải cứu tôm hùm tại Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Chuỗi cửa hàng thực phẩm tham gia giải cứu tôm hùm tại Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Xuất phát từ ý tưởng giải cứu nông sản cho người nông dân, một chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội đã quyết định thu mua tôm hùm với giá cao và bán với mức giá hợp lý.

Chia sẻ với Tiền Phong, Anh Trần Quân – CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển chia sẻ, ý tưởng bán tôm hùm hỗ trợ người nuôi xuất phát từ việc dịch Covid - 19 bùng phát khiến nhiều bà con nông dân gặp khó không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Một con tôm hùm, người dân nuôi chỉ khoảng từ 0,5- 1kg/con và không thể lớn hơn được. Nếu không tiêu thụ sớm, người nuôi tôm sẽ thiệt hại vì tốn nhiều chi phí.

“Người nông dân thích xuất khẩu bởi họ bán với số lượng lớn nhưng qua đợt giải cứu này, thị trường Hà Nội tiêu thụ số lượng lớn và nhiều cửa hàng chung tay hỗ trợ nông dân, người nuôi sẽ có cái nhìn khác về thị trường nội địa trong thời gian tới. Điều này càng giúp cho người tiêu dùng hưởng lợi vì giá tôm sẽ hạ bởi giảm chi phí vận chuyển và các thủ tục xuất khẩu khác”, anh Quân nói.

Toàn tỉnh Khánh Hoà có 49.400 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng nuôi hàng năm hơn 1.440 tấn, chủ yếu tập trung tại các địa phương như: Cam Ranh, Vạn Ninh , Nha Trang. Theo ước tính của Chi cục Thủy sản, phần lớn lượng tôm thịt đến thời kỳ xuất bán đã được người dân bán trước Tết Nguyên đán, lượng tôm còn tồn chỉ khoảng 20 - 25%.

Ông T, Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu thủy sản cho biết, trung bình tháng 1 đầu năm, công ty xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 3 - 5 triệu USD, nhưng năm nay doanh số chỉ khoảng 450 ngàn USD... Dù đường biển hoạt động bình thường nhưng khách không chịu nhận hàng vì khi sang đến nơi bán không được, nên hàng trăm tấn tôm của công ty phải tồn kho, khiến giá sụt từng ngày. Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản và người nuôi trồng mặt hàng này cũng đang trong tình trạng khóc dở mếu dở.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết, hiện tác động của việc hủy đơn với mặt hàng thủy sản do covid- 19 chưa có, nhưng đã xảy ra tình trạng chậm và điều chỉnh đơn hàng. Các đối tác hứa ngày 16/2 mới bắt đầu nhận hàng. Khó khăn trước mắt mà các doanh nghiệp gặp phải là một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận container hàng chở đi Trung Quốc, các khách hàng lớn ở Nhật Bản cũng đề nghị không đưa hàng qua Trung Quốc.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hoà cho biết: Không riêng gì tôm hùm, các mặt hàng như: ốc hương, cá mú, cá chẽm… và hàng nông sản khác đều bị tác động bởi Covid-19. Ngành thủy sản tỉnh đang phối hợp với các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ thủy sản của người dân để có biện pháp ứng phó phù hợp. Đối với lượng tôm còn tồn, chưa xuất khẩu được, trước mắt người nuôi cần tập trung các biện pháp để nuôi lưu giữ, chăm sóc tốt; bên cạnh đó cần theo dõi sát tình hình thị trường. Trong quá trình nuôi, người dân cần lưu ý thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý; áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng.

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương