Rau đay, món quê dân dã

Cuộc sống thôn quê đảo lộn nhưng kỳ lạ thay, hương vị quê mùa ngàn đời vẫn len lỏi sống, nồng nàn lan trong ký ức người Việt khắp mọi nẻo đường.

Tôi nhớ ngày nhỏ ở làng tôi có câu ca:

“Rau đay cà pháo quê mùa

Gạo dự nồi đất nước giếng chùa mướp hương”

Không phải ngẫu nhiên người dân quê vùng châu thổ sông Hồng, làng nào cũng trồng rau đay để nấu canh cua đồng. Trước khi trồng cây rau đay người ta phải vật bùn từ dưới ao lên, phơi nắng. Bùn khô trắng, đập vụn tơi như bột rồi mới tưới nước, gieo hạt. Dăm bữa nửa tháng, cây rau đay lớn lên lá xanh thân tía mập mạp mời gọi dưới nắng gió mùa hè. Người ta ngắt ngọn cho cây tỏa cành, nẩy chồi chi chít. Cùng với thời điểm gieo hạt rau đay là trồng mướp, trồng bầu bí cho leo giàn bờ ao và trồng cà trên vườn. Mùa mướp hương ra quả cũng là mùa cua đồng béo vàng, mai chắc, gạch đầy, mùa cà kết quả. Ta nấu nồi canh rau đay với mướp, với cua đồng đặc sệt bê lên cả nhà xì xụp, ăn tới đâu mát ruột tới đó.

Hương vị quê mùa của rau đay vẫn lan tỏa trong ký ức của nhiều người.
Hương vị quê mùa của rau đay vẫn lan tỏa trong ký ức của nhiều người.

Đi ra khỏi làng tới năm châu bốn biển, làm đủ thứ công việc lớn có nhỏ có, ăn đủ món sơn hào hải vị, nhưng không khi nào không nhớ bát chiết yêu canh rau đay đặc sánh, bốc mùi thơm dân dã quê mùa cùng đĩa cà pháo trắng phau tỏa lan mùi vị nồng nàn của ký ức.

Càng đi xa càng nhớ. Nhớ nhất là những khi lòng ta không yên, việc ta không thuận, nửa đêm chợt tỉnh, chợt nhớ ánh trăng nơi bờ ao, chợt nhớ tiếng cá quẫy khuya, chợt thấy đâu đó thấp thoáng những đốm sáng đom đóm lập lòe, tiếng dế kêu nhòa trong ánh trăng, tan trong ánh trăng… Ánh trăng đẫm sương, ánh trăng cũng thoang thoảng mùi bùn, thoang thoảng mùi hương cau, hương lá rau đay, hương lá mướp, hoa mướp và cả cái mùi ngai ngái xa xăm kín đáo nơi thôn dã đã đánh thức ta trên khắp nẻo cuộc đời.

Và thế đó, nhịp sống của con người mỗi ngày một nhanh, nếp sống mới mỗi ngày một thay đổi. Từ chốn nông thôn cho đến thị thành, đâu đâu cũng múa may quay cuồng cùng giá đất, giá nhà. Những dãy ao chuôm, những cánh đồng màu mỡ của nhiều làng quê đã bị san lấp làm “khu công nghiệp”. Nhiều nơi ánh trăng bị điện làm cho lu mờ. Ánh trăng bị đánh cắp, bị nhốt trong những không gian hẹp của nhà hàng, rồi người ta thâu tiếng dề, tiếng cuốc, đánh cắp tiếng dế tiếng cuốc, thay bằng tiếng dế, tiếng cuốc điện tử.

Cuộc sống thôn quê đảo lộn, thị thành ngả nghiêng, cây rau đay, cây mướp, cây cà pháo, ao chuôm còn đâu mà nuôi dưỡng thứ ánh trăng mộng mơ, ai nhớ nó thì đưa lên sân thượng sống trong chậu cùng cây cảnh, trong những hộp xốp nuôi bằng phân vi sinh. Nhưng kỳ lạ thay, hương vị quê mùa ngàn đời của nó vẫn len lỏi sống, vẫn nồng nàn tỏa lan trong ký ức người Việt trên khắp mọi nẻo đường.

Rau đay nấu mướp, với cua đồng đặc sệt bê lên cả nhà xì xụp, ăn tới đâu mát ruột tới đó.
Rau đay nấu mướp, với cua đồng đặc sệt bê lên cả nhà xì xụp, ăn tới đâu mát ruột tới đó.

Tôi đã có lần sang châu Âu, trước khi lên máy bay, nhà tôi có để trong túi xách tay cho tôi một bó rau đay cùng gói tôm khô “để bố mang sang đãi bạn”. Mới đầu tôi cứ nguây nguẩy không mang, sau vì nể vợ mà tặc lưỡi xách đại đi, cứ nơm nớp lo hải quan bạn không cho phép. Ai dè lọt, vì họ nghe tôi giải thích đó là “hương vị quê nhà”.

Hết cái may này đến cái may khác, thấy rau đay, bạn tôi mừng như bắt được của, lại còn khen cậu “thông minh số một”, ở đây rau đay quý hiếm, trên cả quý hiếm, phải nói là tuyệt nhiên không có. Ở trời Âu, anh bảo nhiều khi nhớ quê muốn trào nước mắt. Nhớ vị thơm bát canh cua đồng nấu với rau đay ăn cùng cà pháo mà chỉ biết ngồi nuốt nước miếng... hóng vọng về xa xăm ký ức thuở thiếu thời.

Cuộc sống công nghiệp có thể sản sinh ra nhiều thứ, kể cả tiếng dế, tiếng giun, ánh trăng, bát canh cua đồng nấu với rau đay… nhưng làm sao thay thế được không gian làng mạc, mùi vị thơm thơm nồng nồng, cay cay của chất phác quê mùa. Người ta có thể bay lên mặt trăng để trồng rau đay, nhưng người ta không thể trồng được vẻ đẹp sang trọng của những tấm lòng chân chất với một tâm hồn quê kiểng thơm thảo bao đời truyền lại của làng quê Việt.

Trung Trung Đỉnh

Cá kho có bao giờ dễ hơn thế

Cá kho có bao giờ dễ hơn thế

Thật ra nấu ăn rất giống việc quan sát, để ý một chút. Nhiều người hay kho cá sông vì sợ tanh, nhưng mình ưu tiên cá biển.