Sắp hết năm 2023 đến nơi rồi, đâu là khoản chi lớn nhất của bạn trong năm qua? Chúng tôi đã dành câu hỏi này cho 3 bạn trẻ độc thân, dưới 30 tuổi. Mỗi người một câu chuyện, mỗi người một cảm nhận riêng nhưng điểm chung chính là cảm giác không hối hận vì "chi đúng việc, đúng mục đích".
Phương Ly (29 tuổi): 70 triệu cho 2 khóa học đào tạo giáo viên Yoga
Hiện tại, Phương Ly đang là nhân viên ngân hàng. Yoga chỉ đơn thuần là một niềm đam mê của Phương Ly, hoàn toàn không phải công việc đang "nuôi sống" cô nàng độc thân này. Nhưng sau hơn 3 năm thử nghiệm, "kết thân" với tất cả các hình thức tập luyện Yoga, từ yoga bay tới yoga thiền và cả yoga trị liệu, Phương Ly nhận ra mình muốn trở thành một giáo viên dạy Yoga, chứ không đơn thuần chỉ là duy trì thói quen tập luyện Yoga mỗi ngày.
"Mình đăng ký khóa học đào tạo giáo viên Yoga đầu tiên vào tháng 2/2023. Đây là khóa đào tạo 200 giờ, kéo dài trong khoảng 2,5 tháng. Vì đang đi làm nên mình chỉ có thể học vào cuối tuần. Sau khi hoàn thành khóa 200 giờ này, mình còn đăng ký thêm một khóa đào tạo chuyên sâu về yoga trị liệu. Tổng thời lượng 2 khóa học khoảng hơn 5 tháng, học phí thì tròn trĩnh 70 triệu".
Phương Ly quyết tâm biến niềm yêu thích với Yoga thành một mục tiêu quan trọng trong lộ trình phát triển sự nghiệp |
Chia sẻ về lý do đầu tư cho 2 khóa học này, Phương Ly cho biết: "Mình không muốn làm văn phòng cả đời, dù có nhảy việc thì cũng vẫn là chuyển từ văn phòng này sang văn phòng khác; môi trường có thể khác nhau nhưng chung quy vẫn là chốn công sở. Ban đầu mình đi tập Yoga chỉ vì thích thôi, nhưng gắn bó được đến hơn 3 năm thì mình nghĩ mối duyên này cũng đủ lành, đủ mạnh để đầu tư phát triển rồi".
Hiện tại, khoản đầu tư này của Phương Ly vẫn "chưa hồi được vốn" vì cô bạn chưa tìm được lớp để đi dạy. Tuy nhiên, không vì thế mà khoản chi này trở nên vô nghĩa hay lãng phí: "Mình nghiêm túc muốn trở thành một giáo viên Yoga nên mới đi học. Dù chưa thể đứng lớp ngay sau khi hoàn thành 2 khóa học cơ bản nhưng hiện tại mình đang làm trợ giảng cho 1 trung tâm Yoga dành cho người nước ngoài. Công việc này cho mình cơ hội quan sát, tích lũy được kinh nghiệm đứng lớp, đương nhiên là cũng kiếm thêm được chút thu nhập nữa".
Vân Loan (26 tuổi): 8 triệu tiền thuê PT mỗi tháng
Vân Loan không tiếc khoản tiền 96 triệu để thuê HLV cá nhân trong năm qua |
96 triệu là tổng số tiền mà cô bạn này đã dành cho việc thuê PT (Personal Trainer - Huấn luyện viên cá nhân) trong 1 năm qua. Với mức thu nhập trung bình khoảng 16 triệu/tháng, Vân Loan vẫn cảm thấy khoản chi này là xứng đáng dù đôi khi, cuối tháng vẫn phải bấm bụng "húp mì tôm".
"Có PT theo sát nên mình biết tập đúng, tập khỏe, giờ thành ra "nghiện tập" rồi. Cứ buồn cứ chán là lại đi tập nên không mấy khi còn cảm thấy tiêu cực, cũng không cần phải mua thứ này thứ kia để cảm thấy vui nữa" - Vân Loan giải thích.
Sau 1 năm thuê PT, hiện tại, Vân Loan khẳng định bản thân đã có đủ kinh nghiệm và kiến thức tập luyện để có thể tự tập mà vẫn đảm bảo an toàn: "Dù cả năm qua không tiết kiệm được mấy vì tháng nào cũng dành gần nửa tiền lương thuê PT nhưng mình vẫn cảm thấy khoản chi này xứng đáng, không có gì là lãng phí cả. Năm tới, mình sẽ không thuê PT nữa vì tự tin tập đúng được rồi" - Loan khoe, không quên chia sẻ quyết tâm tiết kiệm trong năm mới để bù cho 1 năm "không có dư".
Phương Linh (23 tuổi): Dành 16 triệu để đón 2 bạn cún
Khác với phần lớn bạn bè cùng trang lứa, sau khi tốt nghiệp Đại học, Phương Linh không đi làm văn phòng mà dành thời gian tiếp tục phát triển việc bán hàng online - Công việc đã nuôi sống Phương Linh từ năm 3 Đại học.
Trải qua 2 đợt giãn cách xã hội, phải "bó chân ở nhà" chẳng được gặp gỡ ai, Phương Linh chợt nhận ra cuộc sống của mình cô đơn quá. Sau gần 1 năm đắn đo, cô bạn quyết định "đón" 2 chú cún về nuôi chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng.
"Em cũng cân nhắc lắm vì em chưa nuôi thú cưng bao giờ, cũng lo sợ mình không có kinh nghiệm, không chịu nổi việc phải đi dọn chất thải của chúng nó hàng ngày dù em là đứa rất yêu chó. Nhưng mà cuối cùng em vẫn quyết định đón 2 bạn về. Bạn đầu tiên là giống chó Nhật lai, tên Millo, giá đón tay 1,5 triệu. Sau khoảng 1,5 tháng nuôi Millo, em thấy cũng không có gì gây shock lắm nên đón thêm 1 bạn chó Bull Pháp, tên Lợn, giá 14,5 triệu.
|
Suốt 9 tháng chung sống cùng 2 bạn, em thấy vui lắm. Nhiều khi không cần phải gặp ai hay làm gì, chỉ cần nhìn 2 đứa chúng nó vờn nhau, đùa với nhau thôi là đủ thấy bình yên rồi".
Tạm kết
Với Phương Ly, 70 triệu dành cho 2 khóa học đào tạo Giáo viên Yoga là khoản đầu tư dài hạn, là nền tảng và động lực để cô nàng 29 tuổi sớm thực hiện được mục tiêu "chấm dứt việc quanh quẩn ở văn phòng".
Với Vân Loan, 96 triệu tiền thuê HLV cá nhân trong 1 năm là khoản đầu tư cho sức khỏe.
Còn với Phương Linh, 16 triệu để đón 2 người bạn 4 chân giúp cuộc sống bình yên, vui vẻ hơn.
Dù khoản chi khác nhau cả về mục đích lẫn giá trị, nhưng cả 3 người trẻ này đều cảm thấy xứng đáng, không lãng phí và cũng không hối hận. Còn bạn thì sao? Nghĩ về khoản chi "đẫm" nhất trong năm qua của mình, bạn thấy hài lòng chứ?
Bước qua tuổi 30, cô gái ở Hà Nội đã nhận ra 5 bí quyết chi tiêu giúp phụ nữ có cuộc sống hạnh phúc hơn
"5 bài học này đã giúp tôi tìm ra và tận hưởng chất phụ nữ trong mình".