40 tuổi, tôi nhận ra: 3 điều sau đây, dù có ấm ức đến mấy, cha mẹ cũng đừng bao giờ nói với con cái!

Cha mẹ luôn mong muốn dành điều tốt nhất cho con, nhưng thường lại quên mất sức mạnh của lời nói.

* Bài viết là những chia sẻ của một bà mẹ 40 tuổi ở Trung Quốc. Bài viết này đã nhận được nhiều sự đồng tình của các bậc phụ huynh:

Người ta vẫn nói “Cha mẹ là bầu trời của con cái”, câu này quả không sai. Nhưng có những lời nói, khi thốt ra từ miệng cha mẹ, còn đau hơn dao cứa. Bề ngoài tưởng như vô tình, nhưng lại để lại những vết thương sâu trong lòng con trẻ. Ba điều sau đây, dù có ấm ức đến mấy, cha mẹ cũng đừng bao giờ nói với con cái! Bằng không, sớm muộn gì cũng sẽ hối hận khôn nguôi!

1. Đừng suốt ngày nhắc đi nhắc lại chuyện “vì con mà hy sinh tất cả”, sẽ khiến con cảm thấy ngộp thở

Nhiều bậc cha mẹ hay nói: “Nếu không vì mày, tao đã ly hôn từ lâu rồi” hay “Vì muốn cho mày đi học, tao đến một bộ đồ mới cũng chẳng dám mua”. Nghe thì có vẻ như đang kể công, nhưng thực chất là đang trói buộc con trong gánh nặng tâm lý khôn nguôi.

Con bé Tiểu Mẫn, hàng xóm nhà tôi, từ nhỏ đã sống trong cảm giác tội lỗi. Mẹ em thường nói: “Nếu không mang thai mày, mẹ đã được thăng chức rồi, giờ còn phải làm việc vặt ở công ty nhỏ”. Lên đại học, Tiểu Mẫn chẳng dám ăn món có thịt ở căng-tin, cuối tuần thì cật lực đi làm thêm, chỉ vì sợ tiêu tiền bị mẹ trách là “không biết điều”. Giờ đi làm rồi, mỗi khi yêu ai, em cũng lo sợ, lúc nào cũng cảm thấy bản thân không xứng đáng, vì “mẹ đã hy sinh quá nhiều vì mình”.

Ngược lại, chị họ tôi, dù bận rộn công việc, phải để con cho bà nội chăm sóc từ nhỏ, nhưng chưa bao giờ than thở. Chị luôn nói: “Con yêu, nhờ con mà mẹ học được cách sống nỗ lực hơn, mẹ con mình cùng cố gắng nhé!”. Con chị rất vui vẻ, tự tin, còn hay nói: “Mẹ vất vả lắm, con phải học giỏi để mẹ tự hào!”.

Người xưa nói “ân sâu như núi”, nhưng nếu ân tình quá nặng, có thể khiến con cái gục ngã. Tình yêu thương thật sự không phải là đem sự hy sinh ra làm điều kiện, mà là để con cảm nhận được sự ấm áp và hậu thuẫn. Thay vì suốt ngày nhắc chuyện đã làm vì con, hãy khen ngợi những tiến bộ của con – đó mới là nền tảng cho một mối quan hệ cha mẹ – con cái nhẹ nhàng và tích cực.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

2. Đừng khơi lại chuyện cũ, đừng để con cái phải gánh chịu mâu thuẫn trong gia đình

Một số cha mẹ cứ hễ cãi nhau là lôi con ra làm “trọng tài”: “Ba mày năm xưa ngoại tình, nếu không vì mày tao đi từ lâu rồi!”, “Bà nội mày trọng nam khinh nữ, hồi xưa có cho tao mặt mũi gì đâu!”. Nghe thì tưởng đang than thở, nhưng thực chất là kéo con vào vòng xoáy thù hằn gia tộc.

Gia đình đồng nghiệp tôi là một ví dụ điển hình. Ba mẹ anh ấy suốt ngày vạch tội nhau trước mặt con. Giờ anh đã kết hôn, nhưng cứ mỗi lần vợ chồng xích mích là anh lo lắng, thậm chí sợ phải sinh con. Anh nói: “Nhìn ba mẹ sống với nhau, tôi mất niềm tin vào hôn nhân”. 

Còn bạn thân tôi thì khác. Dù cha mẹ có mâu thuẫn, họ cũng chưa từng nhắc đến trước mặt con. Mãi sau này bạn tôi mới biết, ông nội từng phản đối cuộc hôn nhân của họ, nhưng cha mẹ chưa từng oán trách gì. Bạn tôi bảo: “Sự nhẫn nhịn của họ khiến tôi càng thêm trân quý gia đình”.

Những chuyện cũ của gia đình, hãy để nó nằm lại trong quá khứ. Trẻ con là vô tội, không nên trở thành nơi xả rác cảm xúc của người lớn. Hãy che đi những va chạm, cho con một môi trường lớn lên trong ấm áp và bình yên – đó mới là trách nhiệm đích thực của cha mẹ!

3. Đừng luôn dội gáo nước lạnh vào con, giáo dục bằng cách phủ định sẽ hủy hoại tương lai con

“Điểm như mày mà đòi vào trường top? Mơ đi!”, “Bỏ cái ý định khởi nghiệp vớ vẩn đi, mày chẳng hợp đâu!”. Một số cha mẹ tưởng rằng nói lời cay nghiệt sẽ giúp con tỉnh táo, nhưng họ không biết, những lời đó giống như chiếc đinh đóng sâu vào lòng con, chẳng bao giờ nhổ ra được.

Em họ tôi mê vẽ tranh, cậu mắng ngay: “Học nghệ thuật thì được tích sự gì? Lo mà ôn thi công chức đi cho yên thân!”. Em ấy chỉ dám lén lút vẽ, sau này thi đậu mỹ thuật, nhưng không còn muốn chia sẻ với cậu nữa. Em nói: “Mỗi lần nhắc đến ước mơ, cứ như bị dội một xô nước lạnh”.

Anh họ tôi thì may mắn hơn. Anh muốn mở quán lẩu, chú không những không phản đối mà còn cùng đi khảo sát mặt bằng: “Thanh niên mà, muốn thử sức là chuyện tốt, có lỗ thì cứ để chú lo!”. Giờ quán anh làm ăn phát đạt, ai hỏi anh cũng nói: “Sự ủng hộ của ba là chỗ dựa lớn nhất của tôi!”.

Con cái ai cũng có ước mơ, dù có “điên rồ” thế nào cũng đáng được tôn trọng. Thay vì dội nước lạnh, hãy là cổ động viên của con. Một lời động viên, đôi khi còn giá trị hơn mười lời trách mắng!

Cha mẹ luôn mong muốn dành điều tốt nhất cho con, nhưng thường lại quên mất sức mạnh của lời nói. Ba điều trên, thực sự nên chôn sâu trong lòng! Hãy biến lời phàn nàn thành sự khích lệ, đổi những lời trách móc thành động viên – chỉ khi đó, tình cảm giữa cha mẹ và con cái mới ngày càng khăng khít! Nhớ rằng, hạnh phúc của con trẻ, bắt đầu từ giây phút cha mẹ biết im lặng đúng lúc!

Thanh Hương

8 chiến lược nuôi dạy con xuất sắc, cha mẹ nào cũng nên nắm chắc

8 chiến lược nuôi dạy con xuất sắc, cha mẹ nào cũng nên nắm chắc

Trong xã hội hiện đại, thành công không chỉ là điểm số hay bằng cấp, mà còn là khả năng vượt qua thử thách và phát triển trí tuệ cảm xúc.