Bà mẹ Hà Nội chia sẻ loạt quan điểm giáo dục khiến ai nấy tâm đắc: Bảo sao hai con gái đã xinh còn cực giỏi

Khi có tri thức, con sẽ có sức mạnh của nghìn quân vạn mã, vì đằng sau con là vô số người ngựa từng bước đưa con tiến về phía trước.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Hiền (Hà Nội) là một bà mẹ viên mãn khi nuôi dạy được những đứa con toàn "cực phẩm". Hai con gái của chị không chỉ xinh mà còn học giỏi, biết kiếm tiền, tự lập từ sớm. 

Con gái lớn của chị, em Nguyễn Nhật Minh (sinh năm 2005, Hà Nội) là cựu học sinh chuyên Hoá trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ams). Nhiều người quen biết hay gọi đùa Minh là cô con gái "mang học bổng về cho mẹ" bởi hành trình từ cấp 1 đến đại học của em luôn trải đầy những bằng khen và học bổng.

Vào lớp 10, Nhật Minh đỗ Á khoa Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm, đỗ thêm chuyên Văn THPT Nguyễn Huệ, Chu Văn An và các trường công top khác. Mới nhất, Nhật Minh nhận được học bổng để trở thành sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh của VinUni với học bổng 2,6 tỷ đồng bao gồm học phí 4 năm.

Em Nguyễn Nhật Minh
Em Nguyễn Nhật Minh

Con gái thứ hai, Nguyễn Bảo Chi (sinh năm 2007, Hà Nội) hiện đang học lớp 11 tại trường Vinschool. Không chỉ có thành tích học tập xuất sắc khi duy trì được GPA 9 (Grade Point Average - Điểm số trung bình) suốt nhiều năm, luôn nằm trong số những học sinh xuất sắc của lớp, Chi còn năng nổ tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa.

Bảo Chi học đều các môn, em từng tham gia các cuộc thi Học sinh giỏi môn Văn, cuộc thi Toán Singapore và đạt giải. Em giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi thiết kế, thành thạo 4 ngoại ngữ: Anh, Nhật, Trung, Pháp; 4 loại nhạc cụ: Đàn ghi ta, Violin, Piano, Đàn tranh.

Hiện tại Chi đang làm freelancer cho một công ty vào thứ bảy và chủ nhật ở mảng liên quan đến thiết kế, đồng thời thực tập ở một công ty thời trang khác. Em cũng đang tham gia những câu lạc bộ tình nguyện từ thiện vào các ngày trong tuần.

Em Nguyễn Bảo Chi cùng mẹ
Em Nguyễn Bảo Chi cùng mẹ

Chị Hiền cho biết, là cha mẹ, chị cung cấp hướng dẫn nhưng tránh tạo áp lực không cần thiết. Chị tin vào việc khuyến khích các con tự đặt ra mục tiêu học tập và cá nhân của mình. Đồng thời, không quên dạy con tự lập.

Trong việc nuôi dạy con, bà mẹ này có những quy tắc riêng, vừa nghiêm khắc vừa thoải mái. Trong đó chị nhấn mạnh, giáo dục là lĩnh vực luôn được gia đình chị ưu tiên, và dù con làm nghề gì cũng không quan trọng, miễn con vui vẻ hạnh phúc và có tâm, đạo đức với lựa chọn của mình.

Những quan điểm nuôi dạy con của chị được nhiều người đồng tình:

Giáo dục là tài sản lớn nhất cha mẹ tặng con

Có lúc mẹ giục con làm bài tập, con có vẻ chán nản và nói với mẹ rằng "Sao mẹ lại ép con học, mẹ có biết việc học là vô cùng khổ cực không?". Mẹ đương nhiên biết, con ạ. Nhưng mẹ thà không ép con ăn, cũng phải ép con học, khổ cực đến mấy cũng phải học, không có chỗ để thương lượng chuyện này. Mẹ sống đến bốn mươi tuổi, có rất nhiều ý nghĩ lúc hai mươi tuổi nay đều đã hoàn toàn đảo ngược, nhưng việc "nhất định phải học" mẹ chắc chắn sẽ kiên trì đến hơi thở cuối cùng.

Một đứa trẻ từ tiểu học đến đại học ra trường, cả thảy mất 16 năm. Nếu 16 năm này không đi học, bố mẹ tiết kiệm được bạc tỷ. Nhưng gần như tất cả bố mẹ trên đời này đều vừa chịu mất tiền, vừa khổ nhọc kèm con cái học hành. Các bố các mẹ đều không ngốc nghếch, vì sao nhất định phải làm cái việc vừa mất tiền vừa mệt người này làm gì? Đó là bởi vì, học hành là món đầu tư có lợi nhuận cao nhất, là con đường vinh quang sáng sủa dễ đi nhất trên đời. Con nhất định phải kiên trì tin tưởng rằng: Học hành là rất hữu dụng. 

Thứ nhất, đương nhiên, học hành có thể cho con người ta tri thức. 

Đây chính là điều mà ngày đầu tiên đi học, thầy cô giáo dạy con, cũng là đáp án tiêu chuẩn mà bây giờ con có thể bật trả lời ngay. Nhưng ngoài việc được điểm cao ra, mẹ nghĩ con thực ra chưa biết tác dụng thực sự của tri thức.

Giờ mẹ sẽ cho con biết rằng, các tri thức mà trong mắt con hiện nay chỉ là những lý thuyết suông, tương lai sau này sẽ đều có thể ứng dụng vào thực tiễn.

Môn Văn học ngoài việc giúp con đọc hiểu văn bản, còn giúp con dễ dàng biểu đạt suy nghĩ của mình, ví dụ như sau này làm báo cáo cho sếp, viết thư tình cho người yêu. Các công thức Toán học có thể giúp con lúc mua nhà nhanh chóng tính toán được khoản đặt cọc, tiền thuế là bao nhiêu, vay ngân hàng hay trả tiền một lượt thì có lợi hơn. Các kiến thức của môn Địa lí giúp con biết cá ở đâu ăn ngon, cà phê ở đâu uống ngon. Kiến thức của môn Mỹ thuật giúp con biết mặc màu tím kết hợp với màu vàng thì rất xấu, màu hồng kết hợp với màu vàng là đại kị.

Tri thức là công cụ giúp con sống trong thế giới này, khi kho công cụ của con cái gì cũng có, con muốn làm gì thì làm nấy, đi xa con có máy bay, vượt sông con có phà, đi tỉnh con có ô tô địa hình.

Nhưng nếu tri thức của con thiếu thốn, tương đương với việc đến thuyền độc mộc con cũng không có, như thế thì con sông rộng ba mét cũng có thể cản bước con, nơi cách xa vài cây số cả đời con cũng không ngờ tới. Mẹ không dám nói tất cả các tri thức hiện tại con đang học là hữu dụng, nhưng một phần tương đối lớn các tri thức ấy sẽ giúp con sau này hưởng lợi cả đời. 

Thứ hai, những người học hành nhiều kiếm được nhiều tiền.

Nhiều người thích hùa theo số đông nghĩ ngược nói ngược. Con nói học hành là tốt, người ta sẽ kể với con như thật rằng, có vị thạc sỹ nào đó đang làm công cho ông chủ chỉ học hết tiểu học, hoặc có bà nào đó bán bánh rán kiếm tiền mua được ba căn nhà, trong khi đó con nhà nào đó tốt nghiệp Tiến sỹ giờ vẫn đang đi thuê nhà.

Những chuyện này có thực sự tồn tại hay không? Đương nhiên tồn tại.

Nhưng đây chỉ là những trường hợp đặc biệt. Lấy những trường hợp đặc biệt để chỉ ra chân lý thì không khoa học tý nào. Cũng giống như có người chết vì ăn nghẹn, con có thể vì thế mà khuyên người ta không nên ăn cơm để phòng ngừa việc bị chết nghẹn không?

Chúng ta buộc phải nhìn thẳng vào một thực tế là: Những người nhờ bán bánh rán mà mua được ba căn nhà thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, những người kiếm tiền mua được ba căn nhà, thậm chí ba mươi căn nhà đều là những người có học thức.

Để nói có sách mách có chứng, mẹ đã cất công đi kiểm tra số liệu thống kê:

- Các gia đình có học vấn Thạc sỹ trở lên có tỷ lệ giàu có cao gấp 30 lần các gia đình chỉ học hết cấp ba.

- Những người có học vấn Tiến sỹ có thu nhập cao gấp 6 lần so với những người học hết cấp ba.

Đối với những người bình thường như chúng ta mà nói, tiền thực sự rất quan trọng. Giáo dục là tài sản lớn nhất mà cha mẹ tặng con.

Hiện tại con đang tiêu tiền của mẹ, không có cảm giác gì, sau này con lớn lên thành người, không còn phụ thuộc mẹ nữa, con sẽ hiểu tiền là thứ vô cùng quan trọng, trong cuộc sống chả may tiền không đủ tiêu, con sẽ hiểu mình thê thảm như thế nào.

Con có thể vì tiết kiệm vài đồng phải đi bộ vài cây. Có thể không dám đi ăn một bữa bạn mời, vì nghĩ lần sau không có tiền mời lại bạn. Có thể vì không có tiền trả tiền thuê nhà, hôm nay không biết ngày mai phải ngủ ở đâu. Ngoài ra, sau này con lập gia đình, cứ cho là người ấy yêu con khôn xiết, các con sẽ phải đối diện với vô vàn những mâu thuẫn. Mà nghèo sẽ làm mâu thuẫn thêm nghiêm trọng, có tiền sẽ tốt hơn rất nhiều.

Ví dụ như, nếu không có tiền các con có thể vì vợ hay chồng mua một cân hoa quả nhập khẩu mà cãi nhau nửa ngày, vì họ hàng đến chơi nhà dùng điện nước lãng phí mà bực dọc cả tuần, nhưng nếu có tiền thì ai thèm quan tâm đến mấy chuyện này. Nếu không có tiền các con có thể vì chuyện chăm sóc con cái mà cãi vã đến ly hôn, nếu có tiền các con thuê người giúp việc 24/24 là tốt rồi.

Những chuyện tương tự đếm không xuể.

Tóm lại, sống trên đời rất khó, ai cũng sẽ gặp phải những tình huống khốn khó, lực bất tòng tâm, cảm thấy cô đơn lạc lõng, nhưng nếu có tiền sẽ tốt hơn nhiều. Đương nhiên, con không cần nhất định phải kiếm được thật nhiều tiền, mẹ chỉ mong con cố gắng có được cuộc sống tốt, không đến nỗi khổ sở phiền muộn.

Thứ ba, học hành có thể giúp con trở thành con người hiểu biết và thú vị.

Khác biệt giữa một người học hết tiểu học với học đến Tiến sỹ không chỉ là lương tháng 5 triệu với 30 triệu. Quan trọng hơn điều trên gấp nhiều lần, là hai loại người này có hai cuộc sống khác nhau hoàn toàn. Thử hỏi bà bán bánh rán mua được ba căn nhà có thế giới tinh thần phong phú hơn ông Tiến sỹ đi thuê nhà hay không?

Có đợt mẹ đi nghe bài nói của một chuyên gia giáo dục, nghe xong mẹ khen ngợi bà ấy hết lời, khen sao lại có người thanh lịch tao nhã và đầy trí tuệ đến thế. Đằng sau sự thanh lịch tao nhã và trí tuệ, có học thức chống lưng, khiến bà ấy sáng dạ, giảng giải được những điều có lý, khiến người ta thấy bà ấy vô cùng quyến rũ bởi khối tri thức mà bà ấy sở hữu.

Một người ngốc nghếch thô thiển, nói năng tục tĩu, không cần biết xinh đẹp cỡ nào, con chắc sẽ không thể thích nổi người đó.

Mà học thức thì không phải là thành tựu của ngày một ngày hai, nó cần con bỏ ra nhiều thời gian và công sức mới có thể đạt được từng li từng tí một. Quá trình này rất khó nhọc, một là cực khổ, hai là trong khoảng thời gian ngắn không thấy rõ kết quả, rất nhiều người vì nguyên nhân này mà bỏ cuộc.

Cũng giống như hiện tại con đang học, học, học..., nhưng cũng không biết học những thứ này có tác dụng gì, nên thấy chán nản, nhụt trí, không tìm ra động lực.

Mẹ nghĩ con cũng không cần thiết phải tìm hiểu rõ, chỉ cần biết, từng con chữ con biết đọc, từng con số, từng dấu cộng trừ nhân chia sau này đều có tác dụng là được. Vì có vô vàn những người đi trước đã thay con tìm ra con đường này, đi theo con đường này, một vùng trời huy hoàng đang đợi con phía trước.

Năm ngoái mẹ về quê, thuê công ty dịch vụ cho người đến nhà làm vệ sinh. Không ngờ người đến nhà lại là bạn học cấp hai của mẹ, mà hồi ấy mẹ với cô ấy cũng khá thân với nhau. Sau khi nhận ra nhau, mẹ với cô ấy thấy ngại vô cùng. Để tránh cảnh cô ấy lau nhà mẹ ngồi xem tivi, mẹ vừa làm cùng, vừa nói chuyện với cô ấy.

Gia đình chị Hiền
Gia đình chị Hiền

Cô ấy học hết cấp hai là đi làm thuê cho người ta, làm qua các việc như bán hàng cơm, chuyển phát nhanh, bồi bàn, phụ bếp. Cô ấy đưa đôi tay thô ráp của mình ra và nói: Cậu nhìn đi, hồi ấy cùng ngồi trong một lớp nghe giảng, cùng học một bài như nhau, bây giờ sao cách biệt lại lớn thế. Cô ấy tỏ ra hiếu kỳ với cuộc sống của mẹ, hỏi mẹ đã đi nước ngoài bao giờ chưa, làm thế nào để dùng máy tính kiếm tiền, đi máy bay có say như say tàu xe không ...

Mẹ nói mẹ cũng chỉ là một người rất đỗi bình thường, nhưng trong mắt cô ấy, mẹ chắc phải là người hoành tráng vô cùng. Sau đó mẹ nghĩ, sự ngưỡng mộ trong mắt cô ấy, không phải bởi vì địa vị mẹ cao sang thế nào, mà vì cô ấy thấp hèn thế nào. Mẹ nghĩ rằng mẹ chỉ tốt nghiệp đại học, bình thường không gì bình thường hơn, nhưng cô ấy nghĩ đại học là nơi vô cùng thần bí. Mẹ nghĩ giờ đây người ta ra nước ngoài dễ như đi siêu thị, nhưng cô ấy nghĩ điều này ly kỳ giống như bay ra ngoài vũ trụ.

Cô ấy cứ nói mãi là hối hận hồi xưa không học hành cho tốt, thậm chí có thể nhớ rõ hối hận nhất là học kỳ hai năm lớp ba, vì lớp có một giáo viên mà cô ấy không ưa, cô ấy thường xuyên trốn học, trốn học nhiều rồi thì không theo kịp, càng không theo kịp càng không thích học, miễn cưỡng cũng qua được hết cấp hai, thi không nổi vào trường nào, đành phải nghỉ học.

Có thể rất nhiều những người ít học đều bắt đầu như thế. Hồi còn nhỏ chưa biết gì, không hiểu học hành là quan trọng, ngày qua ngày, lấy học hành qua quýt làm vui, sau này khi lớn lên rồi, mới biết mình ngốc nghếch thì cũng muộn rồi, đời người đã bị cái nhìn hạn hẹp ban đầu định đoạt, thế giới có bao nhiêu cánh cửa tốt đẹp dễ dàng mở ra với người khác, những người ít học với không tới, mở không ra.

Người ít học xem không hiểu một bộ phim bình thường, cũng không thưởng thức nổi vẻ đẹp của một bức danh họa. Người ít học có khi chưa từng nghe đến Steve Jobs hay định luật vạn vật hấp dẫn. Người ít học không hiểu thế nào là EQ, không biết thông cảm cho người khác, không biết nói năng cho đàng hoàng. Người ít học khi dạy con hoặc chỉ biết đánh con, hoặc bị con họ chọc tức đến phát điên. Người ít học tiêu hao cuộc đời mình trong ba chuyện cơm áo gạo tiền, cãi vã ầm nhà ầm cửa.

Con yêu, mẹ vô cùng sợ con sống một cuộc sống như thế

Không sợ bình dị, chỉ sợ không hiểu biết gì.

Không sợ khó khăn, chỉ sợ chả biết làm gì.

Không sợ làm khác, chỉ sợ nhạt nhẽo.

Không sợ thất bại, chỉ sợ không có hy vọng.

Mà con đường duy nhất để không biến những điều đáng sợ trên trở thành hiện thực là học hành tử tế.

Tri thức và sách vở là kho báu quý giá nhất của nhân loại, kho báu ấy là sự chắt chiu kiến thức của vô số những siêu não bộ, mà giây phút này con đang đứng giữa kho báu ấy, chỉ cần bỏ ra công sức là có thể biến chúng thành tài sản của mình.

Nếu con thực sự thông minh thì nhất định sẽ hiểu, cuộc mua bán này là quá có lợi, cho dù vô vàn gian khổ, cũng cần cố gắng để đem nhiều nhất những bảo bối trong kho báu này trang bị cho mình. Những bảo bối này sẽ nâng tầm con. Không có chúng, giá trị của con có thể chỉ là hai bàn tay có khả năng lao động.

Khi có tri thức, con sẽ có sức mạnh của nghìn quân vạn mã, vì đằng sau con là vô số người ngựa từng bước từng bước đưa con tiến về phía trước.

Đến một ngày nào đó trong tương lai, con làm một ngày kiếm được bằng cả tháng tiền công của người khác, có được sự tôn trọng mà cả đời người khác không bao giờ có được, có khả năng biến thế giới này trở nên thực sự tốt đẹp. Khi đó con sẽ phát hiện ra rằng, con có được tấm vé đến với một thế giới tốt đẹp, khi ấy tất cả những khó khăn vất vả khi xưa con học hành đều có được sự báo đáp vô cùng to lớn.

Nên con yêu, cố gắng lên con nhé, tuy là rất vất vả, nhưng tương lai rạng rỡ, chắc chắn sẽ vô cùng tốt đẹp!

Hiểu Đan

Gọi Tăng Thanh Hà là 'bà mẹ siêu nhân': Chỉ chia sẻ 1 bức ảnh mà dân tình phải khen lấy khen để chuyện dạy con

Gọi Tăng Thanh Hà là "bà mẹ siêu nhân": Chỉ chia sẻ 1 bức ảnh mà dân tình phải khen lấy khen để chuyện dạy con

"Ngọc nữ màn ảnh Việt" rất chú trọng việc dạy dỗ, cũng như cho con trải nghiệm rất nhiều bộ môn giúp phát triển cả trí tuệ và thể chất.