Bạo lực học đường: Hệ lụy của việc lãng quên nhiệm vụ giáo dục con người

Đại biểu Quốc hội cho rằng ngành giáo dục cần phải làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giải quyết vấn đề BLHĐ.

Trao đổi với báo Tiền phong, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, bạo lực học đường (BLHĐ) gây ra những hệ lụy vô cùng lớn đối với học sinh, nhà trường và xã hội.

"Cuộc sống thực dụng chạy theo đồng tiền của một bộ phận người dân đã ảnh hưởng tiêu cực đến những giá trị quan trọng của nhà trường, đạo đức của một bộ phận nhà giáo. Và do cả phụ huynh ít quan tâm tới con cái hoặc thường nặng lời quát mắng con, bạo hành gia đình khiến trẻ em đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, bị tổn thương tâm lí, tình cảm dẫn đến những lệch lạc trong nhận thức và hành vi.

Trong khi đó, cũng phải thừa nhận rằng, một số cơ quan quản lí nhà nước và chính quyền địa phương chưa thực sự làm hết trách nhiệm trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em khiến một số vụ việc xâm hại, bạo lực, các em vẫn không được hỗ trợ, cảm thấy đơn độc", ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Sơn, khó khăn lớn nhất trong việc giải quyết vấn đề BLHĐ đến từ nguyên nhân các em bị ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bạo lực trên phim ảnh, sách báo; trò chơi cả ở ngoài đời và trên mạng xã hội. Đặc biệt là nguyên nhân từ giáo dục của nhà trường còn nặng về kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

"Chúng ta hi vọng nhà trường là một môi trường lành mạnh, tích cực, yêu thương để phát triển toàn diện năng lực đức - trí - thể - mĩ cho học sinh. Vì thế, BLHĐ đi ngược lại tôn chỉ, mục đích đào tạo. Thực tế này cần phải được giải quyết sớm để từ đó, với học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui, ở đó các em ngoài học kiến thức còn được trải nghiệm môi trường mang các giá trị nhân văn khác, giúp các em có được tâm thế thuận lợi, tinh thần hướng thiện - những thứ rất quý giá để định hướng tương lai của chính các em", ông Sơn nói. 

Theo ông sơn, tác hại của bệnh thành tích rất lớn khi nó đảo lộn nhiều giá trị tốt đẹp, phá vỡ nhiều truyền thống văn hóa của dân tộc, làm nảy sinh bệnh giả dối, gian dối trong giáo dục, gây tác hại rất nghiêm trọng đến nền giáo dục nước nhà.

"Rõ ràng ngành giáo dục cần nhìn nhận những điểm chưa được để hoàn thiện hơn nữa chất lượng giáo dục, trong đó có vấn đề liên quan đến việc làm gương của các nhà giáo. Tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trong xây dựng văn hóa học đường, cần nâng cao vai trò gương mẫu, dẫn dắt của nhà giáo bởi học sinh luôn làm theo tấm gương của những người thầy. Học sinh đang trong lứa tuổi trưởng thành, luôn làm theo tấm gương của người thầy. Vì thế, việc trở thành một tấm gương tốt cũng là một nhiệm vụ, trách nhiệm của các nhà giáo. Nếu không, họ khó lòng dạy những bài học đạo đức làm người cho học sinh", 

Ông Sơn cho rằng các trường phải tạo được môi trường giáo dục thân thiện, để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của từng học sinh khi tham gia vào các vụ việc bạo lực.

Các cơ quan quản lí nhà nước cũng cần xây dựng hệ thống đánh giá BLHĐ tại các trường học trên toàn quốc và hệ thống đánh giá trong trường học; xây dựng hệ thống tiếp nhận và xử lí thông tin tình huống bạo lực có thể xảy ra.

Hiệu trưởng các trường sẽ có những quyền xác định và phải chịu trách nhiệm rõ ràng khi có BLHĐ. Nhà trường muốn chống vấn nạn này thì phải chống “bệnh thành tích”, phải đánh giá cao biện pháp phòng ngừa mà các nhà trường đã vận dụng, không né tránh, giấu giếm.

Thanh Mai

Cần bao nhiêu tiền để gia nhập nhóm 1% người giàu nhất thế giới?

Cần bao nhiêu tiền để gia nhập nhóm 1% người giàu nhất thế giới?

Việc gia nhập tầng lớp 1% giàu nhất thế giới chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là ở Monaco, bạn sẽ cần có tài sản 8 con số.