Bèn có lỗi cùng con

Người lớn không chịu mất thêm thời gian nghĩ về lũ trẻ khi bắt đầu công việc dù vẫn nói thành tựu của những việc ấy hướng tới thế hệ tương lai.

Nhận căn hộ mới ở một khu chung cư cao cấp ở quận 2, việc đầu tiên, dĩ nhiên, là dọn dẹp, sửa sang, “điền vào chỗ trống” những món đồ gia dụng để nhằm mục đích cho thuê, khi đi ngang qua khuôn viên xanh và sạch, anh Bèn không thể bỏ qua cái hồ bơi trong vắt, trải dài với những module riêng rất thú vị dành cho bọn trẻ con. Và anh quyết định, mỗi cuối tuần sẽ đưa con cái về đó bơi, coi như xả hơi, nhất là khi ở ngay cạnh hồ bơi là một chi nhánh của chuỗi tiệm cafe sang trọng có tên tuổi của Sài Gòn.

Một công đôi việc. Coi như cuối tuần anh tha hồ có chỗ ngồi viết lách dăm ba chữ trong khi đám trẻ nhà mình thì tung tăng dưới hồ.

Tuần thứ nhất, cuộc vui với đám trẻ con cứ như “tiệc”. Chúng nó thích pizza, tiệm cafe có thể phục vụ ngay pizza khi chúng đói. Chúng thích ăn kem, tiệm cafe cũng có thứ kem “số dzách”. Và thế là “trên bến dưới thuyền”, thích thì bơi, đói thì lên ăn, với chúng nó, cái khuôn viên chung cư đã trở thành một công viên thực thụ.

Tuần thứ hai, chưa lên đường rời khỏi căn nhà nhỏ ở quận 1, chúng đã háo hức rồi. Thậm chí, chúng còn háo hức từ đêm thứ sáu. Chúng tự chuẩn bị sẵn quần áo bơi, bỏ riêng vào ba lô của từng đứa. Bốn đứa trẻ con cứ ríu rít với nhau về chuyện ngày mai sẽ chơi cái gì, bơi ra sao và chọn sẵn luôn cả thực đơn. Sáng thứ bảy, khi vẫn còn ngái ngủ, anh đã bị chúng giật tay, giật chân gọi dậy. Anh Bèn bỏ thói quen ngủ nướng để sửa soạn đưa chúng lên đường. Và dù đôi mắt có díp lại đi nữa thì lòng vẫn có chút gì rất hào hứng, như thể bị lây từ lũ nhỏ vậy.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Nhưng rồi có chuyện xảy ra. Chuyện nhỏ xíu mà cuối cùng, anh nghĩ nó lại lớn không ngờ. Đơn giản, buổi đó mẹ lũ nhỏ đi công tác, chỉ mình anh Bèn xoay xở với 4 đứa trẻ con, 3 trai - 1 gái. Lũ trẻ vốn khá tự lập và ý thức nên thực ra công cuộc “chăn chiên” của anh cũng chẳng vất là mấy.

Nhưng có một chuyện, anh Bèn bó tay.

“Ba ơi, con mắc tè. Ba đưa con đi tè đi”, đứa con gái nhỏ chạy từ dưới hồ bơi lên bờ nói với anh câu đó. “Được rồi, để ba đưa con đi”, anh Bèn bỏ bàn cafe đứng dậy đưa con về phía nhà vệ sinh. Nhưng khi anh cầm lấy tay nó, anh đã băn khoăn rất nhiều. Bây giờ mình dắt con gái mình vào đâu? Nhà vệ sinh nam hay nữ? Hay là mình đưa nó lên căn hộ trên lầu 10 chỉ để giải quyết xong cái chuyện tế nhị ấy rồi quay trở lại hồ bơi? Mà ngộ nhỡ, nó nhịn không nổi, nó bậy ra trong thang máy thì sao? Băn khoăn rồi cuối cùng cũng đưa anh tới nhà vệ sinh nam. Cẩn thận, anh mở cửa bước vào trước quan sát. Đông quá. Có 4 người đàn ông đang “xả”. Thôi thì qua nhà vệ sinh nữ vậy. Vừa lúc, trong nhà vệ sinh nữ, một cô nàng mở cửa bước ra. “Xin lỗi chị, cho hỏi trong đó có ai không ạ?”. “Nhà vệ sinh nam bên kia cơ mà anh?”, người trả lời nhìn anh như thể anh là kẻ biến thái quái dị. Rồi sau đó, thái độ cô nàng cũng dịu lại khi thấy đứa bé gái 4 tuổi líu ríu dưới chân anh. “Trong cũng có người anh ơi”, cô nàng trả lời, rồi đi một mạch.

Ái chà, khó quá. Không lẽ anh bắt con gái vô nhà vệ sinh nam khi trong đó có những người đàn ông đang làm cái việc cũng tế nhị kia? Hay là anh liều mình như chẳng có, tông thẳng cửa đưa con vào nhà vệ sinh nữ, muốn ra sao thì ra. Giờ mới hiểu, mẹ nó giá trị đến mức nào. Không có mẹ nó, chuyện nhỏ xíu này bỗng hoá tày đình.

Rồi cuối cùng cũng xong, khi anh nói con bé con nán đợi một chút và anh chờ người đàn ông cuối cùng ra khỏi nhà vệ sinh nam, nhờ chính anh ta đứng canh cửa để không một ai vào đó nữa trong khi anh cho con bé con đi “pipi”. Con xuống hồ bơi rồi, anh mới thở phào nhẹ nhõm. May quá, nó “đi nhẹ” chứ nó mà “đi nặng” thì đến viêm thận ông nào phải đứng đợi nó ở ngoài cửa mất thôi.

Anh sực nhớ lại, có một lần, anh đưa lũ trẻ con đi chơi với cô ruột nó ở một nhà hàng cũng ở quận 2 này. Và đó là cái nhà hàng duy nhất mà anh thấy ngoài nhà vệ sinh nam, vệ sinh nữ, còn có cả nhà vệ sinh dành cho trẻ em, với các trang thiết bị chuyên biệt cho trẻ. Chưa một nơi công cộng nào ở xứ này anh thấy có được một chỗ dành riêng cho trẻ như thế. Từ trung tâm thương mại cho tới rạp hát; từ nhà hàng sang trọng cho tới khách sạn 5 sao, tất cả, chỉ đơn thuần phân biệt hai giới nam và nữ. Còn trẻ con, dường như chúng nó chẳng phải là mối bận tâm của người lớn nữa thì phải.

Miên man hơn anh Bèn nghĩ đến cảnh mẹ lũ trẻ đưa các con đi chơi và liệu cô ấy sẽ ứng xử thế nào nếu như cậu con trai nhỏ nhất cũng có nhu cầu giải quyết. Hai đứa con trai lớn thì khỏi lo, chúng có thể tự túc rồi. Còn với những đứa nhỏ hơn thì khác hẳn. Thiếu sự trợ giúp của cha mẹ, có lẽ cách duy nhất chúng có thể làm lúc ấy chắc chỉ là nhịn.

Chúng ta nói nhiều, rất nhiều về thế hệ tương lai, về trách nhiệm đối với chúng nhưng chúng ta toàn nói những điều lớn lao cả. Nào là giáo dục, là y tế, là định hình nhân cách, là định hướng tính nhân văn, lòng yêu thương… Vậy mà chúng ta quên đi những chi tiết rất nhỏ, những chi tiết thuộc về nhu cầu thiết thực.

Sẽ ra sao nếu một ngày kia, cha dắt con gái đi chơi ở một trung tâm thương mại và giữa chốn đông đúc ấy, người cha buộc phải lựa chọn: cho con nhìn thấy những việc nó không nên phải nhìn hoặc cha nó sẽ nhìn thấy những việc mà có khi cha nó sẽ bị vu cho là thích nhìn.

Không lẽ, những người cha, như anh Bèn, phải đành cáo lỗi với con gái, và không bao giờ dắt con đi chơi ở những nơi công cộng nữa? Cũng không lẽ, những người mẹ cũng đành phải từ khước việc đưa con trai đi chơi ở những chốn như thế? Có mất gì đâu một nỗ lực nhỏ nhỏ thêm vào mỗi khi người ta xây dựng một công trình nào bất kỳ, để dành riêng cho trẻ em một chỗ riêng để giải quyết nỗi buồn đang đầy ứ trong lòng?

Đúng là chẳng mất gì cả nhưng chính người lớn chúng ta lại đang không chịu mất thêm chút thời gian để nghĩ về lũ trẻ khi ta bắt tay vào một công việc cụ thể mặc dù chính chúng ta vẫn nói rằng thành tựu của những công việc đó, suy cho cùng, cũng là hướng đến thế hệ tương lai.

Vâng, thế hệ tương lai không thể bị bức bách trong “nỗi buồn khó nói” kia mãi nữa. Anh Bèn cầu xin đấy, để anh Bèn và những người làm cha làm mẹ như anh Bèn không bao giờ phải có lỗi với con mình, rằng hãy vì tương lai, mà dựng lên thêm một khu nhà vệ sinh cho trẻ nhỏ.

Suy cho cùng, chính chúng mới là những người cần được ưu tiên nhất, tôn trọng nhất, chứ không phải chúng ta, những kẻ nhiều khi chỉ giỏi mỗi khoa nói mà quên bẵng mất trách nhiệm của những người phải làm.

Anh Bèn

Khi con sợ

Khi con sợ

Mỗi bé, thường có nỗi sợ riêng. Là cha mẹ, hãy tìm cách giúp bé tập thói quen đối diện với nỗi sợ