Bệnh nhân 22 tái dương tính có thể là người lành mang trùng

Việc bệnh nhân 22 dương tính trở lại sau 3 lần âm tính đang đặt ra nhiều giả thuyết khác nhau về loại virus Covid-19

Lý giải về trường hợp bệnh nhân 22 sau khi xuất viện lại dương tính trở lại với Covid-19, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết đây không phải là tái nhiễm mà có thể là người lành mang trùng.

Người bị nhiễm virus khi hết bệnh hầu hết đều thành người bình thường không có khả năng phát tán virus, tuy nhiên vẫn có một số ca có thể chuyển sang thành người lành mang trùng, không có triệu chứng nhưng có virus. 

Bệnh nhân 22 tái dương tính có thể là người lành mang trùng

Bác sĩ Khanh cho rằng, tái nhiễm là khi người bệnh có các triệu chứng trở lại như ho, sốt, đau họng. Nhưng ở trường hợp đã kiểm tra dịch phết họng mà không có virus nghĩa là chuyển qua người lành mang trùng. Trường hợp này đã có trong y khoa. Cơ thể họ chưa đẩy hết virus ra ngoài, đây có thể là dấu hiệu cho thấy virus đang dần thích nghi với chúng ta.

Chuyên gia cũng nhận định mức độ phát tán virus ra ngoài cần có thêm thời gian để nghiên cứu nhưng có nhiều kha năng là vẫn có, các triệu chứng càng rõ ràng thì việc lây nhiễm càng cao. 

Bác sĩ Khanh nhấn mạnh chúng ta cần phải chú ý việc phòng ngừa cao hơn nữa, kể cả khi hết bệnh và có kết quả âm tính. Sau khi xuất viện, người đó cần phải tuân thủ phòng hộ cá nhân, mang khẩu trang, rửa tay, che giọt bắn và hạn chế tiếp xúc với người khác nhất là người có nguy cơ.

Một số chuyên gia truyền nhiễm cho rằng vẫn chưa thể kết luận chính xác về trường hợp của bệnh nhân 22. Có thể là tái phát hoặc tái nhiễm, cũng có thể là chưa hoàn toàn âm tình bởi âm tính 2 lần rồi dương tính trở lại khá phổ biến. Ngoài ra, một nguyên nhân khác có thể là kỹ thuật xét nghiệm kém nhạy.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cũng nhận định có nhiều yếu tố dẫn đến hiện tượng dương tính trở lại. TS Nga cho rằng, có thể người đó chưa khỏi bệnh hoặc chưa hết virus, hoặc việc lấy mẫu chưa đạt chuẩn.

Ở đây, TS Nga nhấn mạnh đến việc vận chuyển đi lại nơi xét nghiệm, nguyên tắc công tác phòng hộ của từng cá nhân, đặc biệt là trong quá trình lấy mẫu. Việc dương tính trở lại sau 3 lần âm tính rất ít, nếu có xảy ra, tải lượng virus để lây cho người khác cũng rất thấp.

Thạc sĩ Nguyễn Phương Anh, nghiên cứu viên Phòng Thí nghiệm Cúm, khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, ở Việt Nam sau khi được điều trị và xét nghiệm 2 lần âm tính là được coi là khỏi bệnh. Tuy nhiên trên thế giới hiện xuất hiện nhiều trường hợp sau khi về nhà lại xét nghiệm dương tính. 

Vấn đề đặt ra là ca bệnh đó đã khỏi hoàn toàn hay chưa, virus đã ra ngoài hay sau khi về họ lại lây từ cộng đồng. Đó là lý do vì sao cần giám sát chặt chẽ những trường hợp này, nhất là giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Bệnh nhân sẽ được lấy mẫu 3 ngày 1 lần, nếu âm tính thì 1 tuần 1 lần.

"Khi bệnh nhân về nhà, chúng tôi vẫn kết hợp với CDC từng khu vực định kỳ lấy mẫu xét nghiệm của bệnh nhân, dù bệnh nhân không có triệu chứng. Mục đích là để khẳng định hoàn toàn địa phương đã chấm dứt dịch và bệnh nhân đó không phải là nguy cơ lây nhiễm sang người khác ở cộng đồng", thạc sĩ Phương Anh nói.

Thạc sĩ Ứng Thị Hồng Trang, nghiên cứu viên Phòng Thí nghiệm Cúm, khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, việc quản lý, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm liên tục những bệnh nhân này ngoài việc đảm bảo kết quả giám sát chính xác, bảo về cho chính người bệnh, cộng đồng, còn phục vụ công tác nghiên cứu.

Việc này giúp các chuyên gia nắm rõ hơn về quá trình lưu hành của virus trong cơ thể người bệnh, đã thực sự hết chưa hay còn âm ỉ. 

Theo bà Trang, một số nghiên cứu khoa học đã đưa ra rằng trong chất thải của bệnh nhân cũng mang mầm bệnh, chính vì vậy phải thu thập nhiều loại bệnh phẩm để khẳng định hoàn toàn tình trạng âm/dương tính.

Thanh Mai

Hà Nội xử lý nhiều người cố tình không đeo khẩu trang nơi công cộng

Hà Nội xử lý nhiều người cố tình không đeo khẩu trang nơi công cộng

Trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị về đợt cao điểm chống dịch Covid-19, Hà Nội đã xử lý hàng loạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng.