Biến chủng virus corona tại Anh liệu có dập tắt hy vọng về vaccine Covid-19?

Các nhà khoa học cho rằng hành vi của người dân các nước góp phần tạo ra mức lây nhiễm cao của biến chủng mới.

Tuần qua, giới chức Anh đã cảnh báo về biến chủng mới của virus corona, với khả năng lây nhiễm cao hơn, đang lan rộng trong cộng đồng. Ngày 20/12, nhiều nước châu Âu bắt đầu cấm nhập cảnh với hành khách đến từ Anh, ngăn chặn dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Các nhà khoa học tỏ ra khá lo ngại về biến chủng dù không mấy bất ngờ với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Trước đó, các nghiên cứu đã ghi nhận hàng nghìn biến đổi nhỏ trong vật chất di truyền virus corona khi dịch bệnh lan rộng khắp thế giới. Khi điều kiện sinh tồn thay đổi với vaccine và mức miễn dịch cao hơn, virus có khả năng xuất hiện những đột biến mới giúp lây lan hiệu quả hơn và tránh được hệ miễn dịch ở người.

Biến chủng virus corona tại Anh liệu có dập tắt hy vọng về vaccine Covid-19?

Tại Nam Phi cũng xuất hiện một phiên bản tương tự với biến chủng tại Anh. Cả hai đều có cùng 1 điểm đột biến, được tìm thấy trong gần 90% mẫu bệnh phẩm ở Nam Phi được giải trình tự gene kể từ giữa tháng 11.

Jesse Bloom, nhà sinh vật học tiến hóa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, Seattle, nhận định đây là tín hiệu cảnh báo mà chúng ta cần theo dõi sát sao. Biến chủng này sẽ lan rộng. Cộng đồng khoa học cần theo dõi chúng, đánh giá biến chủng nào có thể gây ra tác động. 

Theo Muge Cevik, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học St.Andrews ở Scotland và cố vấn khoa học cho chính phủ Anh, các đột biến này cho phép biến chủng virus corona nhân bản và lây nhiễm hiệu quả hơn. Bà Cevik cho rằng con số mà nhà chức trách Anh đưa ra về mức độ lây lan là dựa trên mô hình tính toán và chưa được xác nhận trong phòng thí nghiệm.

Các nhà khoa học Nam Phi chia sẻ quan điểm tương tự vì họ chưa thể xác định chính xác bằng số liệu mức ảnh hưởng từ đột biến lên khả năng lây nhiễm của virus corona.

Một số chuyên gia đã kêu gọi cộng đồng quốc tế bình tĩnh, học ho rằng virus muốn vô hiệu hóa hoàn toàn vaccine sẽ cần nhiều năm để tiến hóa. Tuy nhiên, những điều này vẫn không ngăn được sự lo lắng từ các nước láng giềng với Anh.

Lo lắng trước nguy cơ hành khách từ Anh nhiễm biến chủng mới, Hà Lan đã thông báo cấm mọi chuyến bay từ đảo quốc này từ ngày 20/12 đến 1/1/2021. Italy, Bỉ và Đức cũng siết chặt quản lý hành khách đến từ Anh và cả Nam Phi. Một số nước khác như Pháp, Áo và Ireland đang cân nhắc đưa ra lệnh cấm nhập cảnh. Chính phủ Tây Ban Nha còn đề nghị Liên minh châu Âu (EU) điều phối một lệnh cấm hành khách từ Anh đến lục địa bằng đường hàng không. Thống đốc New York Andrew Cuomo cũng đề nghị chính phủ Mỹ cân nhắc biện pháp tương tự.

Tại Anh, quan chức ngành giao thông đã tuyên bố kế hoạch tăng cường cảnh sát ở những nút giao thông, ga tàu điện để đảm bảo chỉ những ai có nhu cầu cấp thiết được sử dụng phương tiện công cộng. Ngày 20/12, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock chỉ trích những người chen chúc trên tàu trốn khu vực phong tỏa là "vô trách nhiệm". 

Kể từ khi dịch bùng phát, các nhà khoa học ít nhất 3 lần phát hiện đột biến ở virus corona ảnh hưởng đến mức nhạy của kháng thể. Đây là "kẻ biến hình" qua những biến đổi di truyền trong quá trình lây nhiễm trên người. 

Các nhà khoa học đang lo ngại việc tiêm phòng vaccine cho hàng triệu người sẽ tăng khả năng xuất hiện phiên bản thích ứng mới của virus. Bác sĩ Deepti Gurdasani, nhà dịch tễ học tại Đại học Nữ hoàng Mary ở London cho biết giới khoa học ban đầu phỏng đoán virus corona đã ổn định và khó có khả năng thoát được phản ứng miễn dịch bằng vaccine. Tuy nhiên, những phát hiện trong vài tháng qua đã chứng tỏ virus có thể đột biến.

"Với sức ép chọn lọc sinh tồn tăng lên vì chiến lược tiêm ngừa trên diện rộng, tôi nghĩ những biến chủng này sẽ dần trở nên phổ biến hơn", bà cảnh báo.

Thanh Mai

Trung Quốc lại phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì thực phẩm nhập khẩu

Trung Quốc lại phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì thực phẩm nhập khẩu

Ngày 15/12, chính quyền TP. Trùng Khánh, khu vực Tây Nam Trung Quốc, đã phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Argentina.