Biên kịch Đào Lê Na: 'Điện ảnh và nghệ thuật cần tránh xu hướng ngợi ca phiến diện'

Đào Lê Na có nhiều tác phẩm nghiên cứu về điện ảnh, đặc biệt luôn hướng về nữ giới với những trăn trở, suy tư dưới góc nhìn của một người nữ

Sinh năm 1986, Đào Lê Na là một nữ tác giả, nhà nghiên cứu về văn chương, điện ảnh năng nổ và đầy nhiệt tâm trong cộng đồng yêu điện ảnh trẻ. Cô vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết "Tự Sự Của Hạt Mưa" đánh dấu hành trình tự khám phá bản thân và sự trưởng thành của chính mình.

Đạt danh hiệu Tiến sỹ từ năm 29 tuổi, Đào Lê Na có nhiều tác phẩm và công trình nghiên cứu về điện ảnh, và đặc biệt luôn hướng về nữ giới với những trăn trở, suy tư dưới góc nhìn của một người nữ.

Dưới đây là những quan điểm về phụ nữ trong điện ảnh và văn chương của Đào Lê Na:

- Là một tác giả có nhiều tác phẩm liên quan đến phụ nữ, chị có nhìn nhận thế nào về vị trí, vai trò của người phụ nữ  Việt trong xã hội hiện đại?

- Như tôi đã chia sẻ, vấn đề nữ quyền tại Việt Nam có nhiều đặc điểm khác biệt so với nữ quyền thế giới. Người phụ nữ Việt Nam vừa chịu ảnh hưởng bởi những quan niệm “trọng nam khinh nữ” từ thời phong kiến, vừa chịu những chấn thương tinh thần qua các cuộc chiến tranh.

Hiện nay, chúng ta có thể nhận thấy được sự thay đổi của những người phụ nữ trẻ trong việc làm chủ cuộc sống của họ. Họ vừa là những người độc lập về kinh tế, vừa là những người đi đầu trong các hoạt động cộng đồng, sáng tạo nghệ thuật và cũng là những người cất lên tiếng nói về những vấn đề xã hội, môi trường, sinh thái. Nếu như trước đây, người phụ nữ luôn coi trọng việc lập gia đình, kết hôn và chăm sóc gia đình thì giờ đây, quan niệm ấy đã dần dần thay đổi. Với họ, kết hôn không phải là trách nhiệm mà đơn giản là gắn kết cuộc đời với người mà họ thực sự yêu thương. Con cái cũng không phải là sợi dây để ràng buộc, níu kéo hôn nhân mà đơn giản chỉ là kết quả của tình yêu thương và hạnh phúc của họ. Nếu hạnh phúc không còn, họ sẵn sàng chia tay chứ không bao giờ mang con cái ra làm áp lực để ràng buộc nhau. Dù lập gia đình hay không, đó là quyết định của chính họ chứ không còn bởi quan niệm xã hội hay bất kỳ ai khác áp đặt. Chỉ có điều, chưa phải tất cả những người phụ nữ Việt Nam đều nhận ra được điều này.  

Tác giả Đào Lê Na
Tác giả Đào Lê Na

- Vậy còn trong nghệ thuật thì sao? Nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh của nước ta liệu đã chuyển tải được chân thực hình ảnh và những tâm tư của người phụ nữ?

- Việt Nam có nhiều bộ phim lấy thân phận phụ nữ làm đề tài như: Hạt mưa rơi bao lâu (đạo diễn Đoàn Minh Phượng, Đoàn Thành Nghĩa), Long Thành cầm giả ca (đạo diễn Đào Bá Sơn), Trăng nơi đáy giếng (đạo diễn Vinh Sơn), Vợ ba (đạo diễn Phương Anh),...Những bộ phim này đưa ra những góc nhìn khác nhau về phụ nữ trong thời phong kiến và những ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo đến đời sống của người phụ nữ thời hiện đại. 

Theo tôi, điện ảnh Việt Nam có nhiều bộ phim thác tâm tư người phụ nữ nhưng chúng ta cần có những tiếng nói đa chiều và cụ thể hơn, không chỉ là người phụ nữ trong cuộc sống gia đình mà còn ở cả những người phụ nữ hiện đại, không chỉ là số phận của người phụ nữ nói chung mà có cả người phụ nữ trong từng lĩnh vực cụ thể như nghệ sĩ nữ, nhà khoa học nữ…

- Có nhiều ý kiến cho rằng, điện ảnh Việt Nam từ xưa đến nay khá là âm tính và buồn bã, nặng cảm tính, là một người nghiên cứu lâu năm về điện ảnh, chị có nhận xét gì về ý kiến này?

 - Nếu nói điện ảnh Việt Nam khá âm tính, buồn bã, cảm tính thì tôi không đồng ý. Trước đây, Việt Nam có dòng điện ảnh cách mạng để tuyên truyền lòng yêu nước. Thời kỳ đổi mới tới nay, có nhiều bộ phim nói lên tiếng nói của người dân, những khó khăn mà người dân phải đối mặt như cuộc sống sau chiến tranh, nền kinh tế thị trường… Có thể thấy rõ nhất qua các phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Rõ ràng, không thể nói những bộ phim như vậy là cảm tính được. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng sự phát triển của điện ảnh Việt Nam chỉ tập trung ở một vài cá nhân nổi bật ở từng giai đoạn, còn trên bình diện chung vẫn chưa phát triển đồng đều và chưa chuyên nghiệp. Nhiều đề tài chưa được và chưa dám khai thác. 

Một tin vui gần đây là phim Ròm do một nhà làm phim rất trẻ đã thắng giải cao nhất của Liên hoan phim Busan, một liên hoan phim uy tín bậc nhất châu Á nên chúng ta có quyền hy vọng vào điện ảnh Việt Nam. Chỉ có điều, nền điện ảnh của chúng ta có quá nhiều rào cản. Hiện nay, nhiều phim Việt Nam đã có tiến bộ trong nghệ thuật kể chuyện nhưng tiếc là việc kiểm duyệt, cắt bỏ cảnh này cảnh kia đã làm cho phim trở thành những mảnh ghép phi lý, hời hợt. Hy vọng các nhà làm phim có thể có những cách xoay sở để vượt qua các rào cản đó và các nhà quản lý cần có cái nhìn cởi mở hơn cho các đề tài điện ảnh.

- Cho đến thời gian gần đây, những bộ phim về nữ quyền nổi bật của Việt Nam như Cô Ba Sài gòn, Vợ Ba, Mẹ chồng… dù mang dáng dấp của Bình đẳng giới, nhưng vẫn là những tiếng kêu gọi nửa vời, chưa có sự tự do, bình đẳng thực thụ trong tư tưởng, chị nghĩ gì về vấn đề này ạ?

- Đúng là những bộ phim như Cô Ba Sài gòn, Vợ Ba, Mẹ chồng... có mang dấu ấn của nữ quyền nhưng thực ra theo tôi chỉ là dấu ấn thôi chứ chưa đào sâu, khai thác nữ quyền. Nữ quyền không đơn giản là đấu tranh đòi bình đẳng hay người nữ chiếm lĩnh những vị trí quan trọng mà trước đây chỉ thuộc về nam giới. Đó là nữ quyền của thời kỳ đầu tiên. Điều quan trọng của các bộ phim nữ quyền bây giờ nên giúp người phụ nữ nhận ra được lý do tại sao họ bị phân biệt đối xử, bị áp bức và có sự thay đổi từ nhận thức, tư tưởng. Khi có sự nhận thức đó, phụ nữ sẽ có sự tự do trong việc lựa chọn sống đời sống của mình.

Nữ quyền Việt Nam không giống với nữ quyền châu Âu, đặc biệt là làn sóng nữ quyền thứ ba. Do đó, những bộ phim mà bạn vừa kể chỉ gợi ra vấn đề về thân phận người phụ nữ chứ chưa đi sâu vào những nghiên cứu nữ quyền tại Việt Nam để giúp khán giả ý thức hơn về thân phận của họ, về sự tự do, về những khả năng của họ trong tự nhiên và xã hội. Tôi nghĩ, để làm được điều này, các nhà làm phim cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ về nữ quyền và nữ quyền Việt Nam.

"Tự sự của hạt mưa" - Một tác phẩm của Đào Lê Na

 - Chị có cho rằng, cả văn chương vẫn điện ảnh của chúng ta đang “sa đà” vào việc ca ngợi đức hi sinh, đức hạnh, sự chịu đựng, đó là những lối mòn khiến phụ nữ của chúng ta “khổ” hơn không, thưa chị?

- Không chỉ điện ảnh mà văn học và phóng sự báo chí…vẫn còn nhiều tác phẩm, bài viết ca ngợi sự hy sinh, chịu đựng của phụ nữ. Điều này vô tình tạo ra áp lực cho người nữ vì họ sẽ nghĩ chịu đựng, hy sinh cho gia đình, chồng con là điều gì đó rất tốt đẹp, cao quý. Tôi không phản đối sự cống hiến của phụ nữ dành cho gia đình, chồng con nhưng tôi mong rằng, tất cả những điều đó họ làm bằng sự trân trọng, yêu thương chứ không phải trách nhiệm hay nghĩa vụ mà xã hội đặt lên vai người phụ nữ. Tôi cho rằng, điện ảnh nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung cần tránh xu hướng ngợi ca phiến diện vì những gì chúng ta ca ngợi vô tình sẽ khiến cho những người tiếp nhận cho rằng đó là hướng đi đúng đắn cần noi theo.

- Chị có thấy nghề viết là một nghề khó khăn, nhất là với phụ nữ không?

- Nghề viết thực sự là một nghề khó khăn cho cả nữ giới lẫn nam giới. Nếu mình muốn viết một tác phẩm để giúp người đọc có thêm được kiến thức, trải nghiệm và suy ngẫm, có thêm những cách nhìn khác nhau và có thể đưa được thông điệp đến với mọi người một cách sâu sắc nhất là việc không hề dễ chút nào. Những câu chuyện hay nhất gần như đã được kể hết rồi. Vì vậy, thay vì tìm kiếm một câu chuyện hay, người viết hiện nay sẽ phải dụng công rất nhiều trong nghệ thuật kể chuyện để người tiếp nhận có thể đồng sáng tạo cùng với tác giả. Để tìm ra được cách kể chuyện ưng ý là điều không dễ chút nào.

- Điều quan trọng nhất với một người viết là gì, thưa chị?

- Điều quan trọng nhất đối với một người viết là sự nghiên cứu. Nghiên cứu này không phải chỉ ở đề tài mà còn nghiên cứu cả cách viết, nghệ thuật kể chuyện và bối cảnh câu chuyện. Đây là thời đại của công nghệ thông tin, muốn tìm thông tin không khó nhưng muốn đọc một câu chuyện mà người đọc phải suy ngẫm, phải hiểu sâu hơn vấn đề mà tác giả đang đặt ra hoặc những vấn đề mang tính thời đại, dân tộc thì hoàn toàn không dễ. Nếu sáng tác mà thiếu nghiên cứu, chỉ tra cứu trên mạng internet thì những vấn đề mà người viết đề cập thường sẽ không chính xác, thiếu chiều sâu, không đáng tin và không thể tồn tại được lâu dài.    

Biên kịch Đào Lê Na: 'Điện ảnh và nghệ thuật cần tránh xu hướng ngợi ca phiến diện'

- Chị có nhận xét gì về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay? Dường như Facebook, mạng xã hội đang làm cho người trẻ lười đọc và không đọc sâu nữa thì phải?

- Hiện nay, các bạn trẻ rất ít đọc sách. Không chỉ là do mạng xã hội mà do nhịp sống gấp gáp khiến các bạn không sắp xếp được thời gian đọc sách và cũng không thấy được tầm quan trọng của việc đọc sách. Các bạn trẻ hay tìm đến hình thức thay thế là xem phim hoặc đọc tóm tắt tác phẩm để nói chuyện với bạn bè.

Tuy nhiên, giá trị của văn học không phải nằm ở nội dung câu chuyện mà là cách kể, là nghệ thuật của ngôn từ. Có những tác phẩm khi tóm tắt lại sẽ không có nhiều cao trào, kịch tính nhưng lại mang đến cho người đọc nguồn tri thức phong phú, cảm xúc dồi dào, những ngôn từ đẹp đẽ. Đây là những điều không thể có được nếu các bạn không trực tiếp đọc trọn vẹn một cuốn sách. Đọc sách là một hoạt động hữu hiệu để bồi đắp tri thức và tâm hồn con người, tiếc là các bạn trẻ chưa ý thức được tâm quan trọng của hoạt động này. Hiện nay có nhiều dự án hay để khuyến khích người trẻ đọc sách. Mình đặc biệt ấn tượng với dự án “Tủ sách kết nối tại các chung cư” do tác giả Lê Phương Thảo Vy, một nữ sinh lớp 9 thực hiện vừa đạt giải nhất trong cuộc thi “Xây dựng thói quen đọc sách trong giới trẻ”. Hy vọng các dự án cộng đồng như thế này sẽ tạo ra những nguồn cảm hứng tích cực để các bạn trẻ tìm đến sách.

- Luôn cảm nhận được ở chị một nguồn năng lượng tích cực, an nhiên tự tại và rất bình yên, từ đâu chị có được nguồn năng lượng này ạ?

- Cảm ơn bạn về nhận xét trên. Thực ra, tôi may mắn có những người bạn, những người anh, chị là những người rất giỏi và đầy nhiệt huyết trong công việc nghiên cứu, giảng dạy và các hoạt động cộng đồng. Ở bên họ, tôi cũng được “lây” nguồn năng lượng tích cực nên những lúc mệt mỏi, nhìn họ tràn đầy năng lượng tôi lại tự động viên mình tiếp tục cố gắng.

Trong cuộc sống, có thể sẽ có những luồng ý kiến khác nhau về chúng ta và những hoạt động của chúng ta và tôi cho rằng đó là những điều hết sức bình thường. Nếu chúng ta không làm gì thì không có gì để nói. Còn nếu những gì mình làm mà người khác không hiểu nhưng bản thân mình hiểu rằng đó là điều tốt đẹp cho mình và cho người khác thì mình cứ tiếp tục. Niềm vui và sự bình an của tôi được tạo ra từ việc tôi có thể đem lại niềm vui cho một ai đó hoặc truyền cảm hứng cho một ai đó qua công việc giảng dạy, nghiên cứu hoặc các dự án cộng đồng của mình. Với tôi, cuộc sống thực sự là những chuỗi ngày thú vị mà mình chỉ sợ không có nhiều thời gian để khám phá.

 - Trong những tác giả trẻ tại Việt Nam, chị ấn tượng với ai nhất?

- Tôi có đọc một số tác phẩm của các nhà văn trẻ nhưng vẫn chưa tìm được tác giả mà mình yêu thích. Vì vậy, nhà văn “tương đối trẻ” mà tôi yêu thích hiện giờ là chị Nguyễn Ngọc Tư. Chị Nguyễn Ngọc Tư là một trong số ít những nhà văn tạo ra được chất riêng cho mình như người ta vẫn thường hay nói “văn chính là người”.   

Tác giả Đào Lê Na hiện là Tiến sỹ, Trưởng Bộ môn; chuyên ngành Biên kịch điện ảnh, Nghệ thuật điện ảnh, Lý thuyết nghệ thuật, Nghệ thuật ứng dụng.

Sách đã xuất bản: Chân trời của hình ảnh: Từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa Akira (2017), Điện ảnh Nhật bản và Việt Nam đương đại: giao lưu văn hoá và ảnh hưởng (chủ biên, 2019), Tự sự của hạt mưa (tiểu thuyết, 2019).

Được nhận tài trợ của AAS, Japan Foundation tham gia Hội nghị thường niên của Hiệp hội châu Á tại Canada và Mỹ, nhận tài trợ của ICAS tham gia Hội nghị các học giả nghiên cứu châu Á tại Hà Lan.

Năm 2016, cô sáng lập CLB Sân khấu và Điện ảnh tại Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh thu hút hơn 1000 người.

Năm 2017, TS Đào Lê Na sáng lập và là trưởng ban tổ chức cuộc thi làm phim ngắn FY dành cho các nhà làm phim trẻ trong cả nước. Liên hoan phim đã thu hút được hơn 50 phim ngắn đạt chất lượng tốt.

Lan Anh thực hiện

Những hiệu sách cũ nổi tiếng của Hà Nội

Những hiệu sách cũ nổi tiếng của Hà Nội

Những hiệu sách cũ ở Hà Nội chứng thực rằng, văn hóa đọc vẫn là cái mạch ngầm đang chảy.