Bộ binh Israel chuẩn bị tràn vào Gaza: Chiến dịch tấn công trên bộ lớn nhất trong 41 năm đang rất cận kề

Theo Bloomberg, hàng chục nghìn binh sĩ Israel đang tập kết để chuẩn bị cho viễn cảnh được dự đoán là “khó tránh khỏi”: Một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza.

Dấu hiệu của chiến dịch tấn công trên bộ

Theo hãng tin Bloomberg, những diễn biến trên thực địa cho thấy Israel đang lên kế hoạch cho “điều gì đó lớn”. Quân đội Israel đang xây dựng một căn cứ ngay gần dải Gaza để tập kết hàng chục nghìn binh sĩ, các đoàn xe tăng của Israel đang tiến về khu vực này. Quốc gia Do Thái cũng đã huy động 300.000 quân nhân dự bị - một con số ‘khổng lồ’ nhất trong lịch sử.

“Israel sẽ đáp trả dữ dội và quyết liệt” - Richard Hecht, người phát ngôn của quân đội Israel nói với các nhà báo trong ngày 10/10.

Cũng trong hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố, Israel đang trên đà "tấn công toàn diện" vào Gaza. Ông Gallant thông báo gỡ bỏ các hạn chế trong cuộc chiến với lực lượng Hamas và sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để hạ gục đối phương.

Xe tăng Israel được vận chuyển đến biên giới với Gaza hôm 8/10. Ảnh: AFP
Xe tăng Israel được vận chuyển đến biên giới với Gaza hôm 8/10. Ảnh: AFP

Trước đó, theo kênh truyền hình Al Arabiya, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh, Israel “không có lựa chọn nào khác ngoài tiến hành chiến dịch trên bộ vào Gaza để đáp trả cuộc tấn công của Hamas”.

“Chúng tôi phải tiến vào, không thể đàm phán vào lúc này. Chúng tôi cần khôi phục khả năng răn đe” - Al Arabiya dẫn 3 nguồn tin từ Israel và Mỹ biết về nội dung cuộc gọi cho hay.

Theo Al Arabiya, việc Israel huy động quân dự bị với quy mô ‘chưa từng thấy’ và tiến hành phong tỏa toàn diện Gaza là dấu hiệu cho thấy họ có thể đang lên kế hoạch tấn công trên bộ để đánh bại Hamas.

Các quan chức Israel chưa xác nhận kế hoạch tấn công nhưng đã thảo luận về những gì cần phải có cho chiến dịch này.

Bộ trưởng Nông nghiệp Avi Dichter – thành viên trong nội các an ninh của Thủ tướng Netanyahu, đang thiên về một chiến dịch tương tự như cuộc càn quét Bờ Tây năm 2002, trong đó lực lượng Israel bao vây các thành phố của người Palestine và ông Yasser Arafat – lãnh đạo Palestine khi đó – đã bị vây hãm trong tổng hành dinh ở Ramalha.

Trong khi đó, tạp chí Forbes cho rằng, nếu diễn ra thì đây sẽ là chiến dịch tấn công trên bộ lớn nhất của Israel trong 41 năm qua.

Lần gần đây nhất Israel tiến hành chiến dịch tấn công trên bộ vào Gaza là mùa hè năm 2014. Tuy nhiên, chiến dịch đó vẫn chỉ đặt ra mục tiêu hạn chế là phá hủy các đường hầm của Hamas, chứ không phải loại bỏ hoàn toàn nhóm vũ trang.

“Lần này sẽ khác” – Forbes viết, đồng thời cho rằng có thể phải quay trở lại tận năm 1982 [khi Israel tiến vào nam Lebanon với mục tiêu trục xuất các chiến binh thuộc Tổ chức Giải Phóng Palestine] mới có được sự so sánh xứng tầm.

Lửa và khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel vào Khan Yunis, Gaza. Ảnh: Anadolu
Lửa và khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel vào Khan Yunis, Gaza. Ảnh: Anadolu

Cuộc chiến sẽ rất khốc liệt

Những hạn chế của tác chiến đường không là một phần lý do khiến giới phân tích cho rằng Israel sẽ tiến hành chiến dịch tấn công trên bộ. Các cuộc không kích khó có thể dọn sách các đường hầm, kho vũ khí ngầm và các tuyến đường buôn lậu đã góp phần cho phép Hamas phát động cuộc tập kích bất ngờ vào Israel hôm 7/10.

Keith Alexander - Tướng quân đội 4 sao đã nghỉ hưu của Mỹ, đồng thời là giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia nhận định: “Tới thời điểm nào đó, họ (lực lượng Israel) sẽ phải tiến vào”. Tuy nhiên, ông Alexander cũng cảnh báo rằng Gaza là một khu vực khá lớn, có thể làm phức tạp chiến dịch của Israel.

Một quan chức Mỹ cho rằng, những gì diễn ra sau khi bộ binh Israel tràn vào Gaza có thể sẽ giống như trận chiến giành Fallujah của quân đội Mỹ ở Iraq năm 2004, với các cuộc giao tranh trên khắp các đường phố.

Bloomberg dẫn lời một quan chức giấu tên nhận định, trong bối cảnh đó, sự phản kháng ở Gaza có thể rất khốc liệt, đặc biệt nếu các nước láng giềng cung cấp quân tiếp viện.

Các quan chức Ả Rập lo ngại rằng, tình hình dân thường thiệt mạng sau khi Israel tiến hành chiến dịch tấn công trên bộ có thể châm ngòi phản ứng dữ dội trong cộng đồng Ả Rập, gây áp lực lên chính phủ của họ để buộc phải cắt giảm quan hệ với Israel.

“Sự chiếm đóng càng kéo dài, bạn sẽ thấy sự ủng hộ dành cho Israel càng giảm sút, trong khi áp lực từ công chúng đối với các quốc gia Ả Rập sẽ gia tăng” – Ông William Usher, cựu sĩ quan tình báo cấp cao tại CIA nêu quan điểm, đồng thời cảnh báo rằng “Điều này có khả năng trở thành một thảm họa chính trị và PR”.

Một vấn đề nữa là những gì sẽ diễn ra sau chiến dịch tấn công. Hiện tại, không có gì đảm bảo rằng sẽ có giải pháp chính trị bền vững đi kèm với hành động quân sự. Israel đã rút quân khỏi Gaza vào năm 2005, một phần vì việc chiếm đóng khu vực này trước đây quá tốn kém.

Tùng Chi

Sửa đổi Luật Thủ đô: Đưa văn hóa, con người trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững

Sửa đổi Luật Thủ đô: Đưa văn hóa, con người trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật là chính sách phát triển văn hóa và an sinh xã hội của Thủ đô.