Bộ trưởng Công thương: "Để thiếu xăng dầu tại TP.HCM và phía nam là điều đáng tiếc và bất thường"

Ông Diên nhận định, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở một số thương nhân ở các tỉnh phía nam là điều đáng tiếc và bất thường.

Sáng 28/10, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã phản hồi ý kiến các đại biểu Quốc hội về thực trạng thiếu xăng dầu vừa qua. Theo ông Diên, có 7 bộ, ngành quản lý cung ứng, kinh doanh xăng dầu và chính quyền 63 tỉnh, thành thực hiện, quan trọng phải hợp tác chặt chẽ.  

Để có xăng dầu tới nay người tiêu dùng thuận lợi thì không chỉ cần sự vận hành thông suốt của 34 doanh nghiệp đầu mối và 322 thương nhân phân phối, mà cần vai trò quyết định của 17.000 cửa hàng bán lẻ do các địa phương cấp phép quản lý.

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực điều hành qua các công cụ, nên thị trường xăng dầu trong nước về cơ bản ổn định, tổng nguồn không thiếu, giá bán lẻ luôn ở nhóm thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở một số thương nhân phân phối và một số cửa hàng bán lẻ tại TP.HCM và các tỉnh phía nam là điều đáng tiếc và bất thường.

  Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: GIA HÂN

“Hoàn cảnh khó khăn giống nhau, nhưng các tỉnh phía Bắc và miền Trung không xảy ra tình trạng như vậy, đầu tháng 7 vẫn còn 3 triệu m3 xăng dầu dự trữ và sản xuất trong nước thì đủ cung, chưa kể nhà máy sản xuất tiếp, doanh nghiệp nhập khẩu tiếp theo kế hoạch”, ông Diên nói.

Theo ông DIên, nguyên nhân khách quan do đứt gãy nguồn cung, tỷ giá tăng hàng giờ. Nguyên nhân chủ quan là các doanh nghiệp xăng dầu khó tiếp cận vốn, bảo lãnh tín dụng, room hẹp, điều kiện vay thanh khoản khó khăn; tỷ giá ngoại tệ thay đổi liên tục, biên độ giá thay đổi lớn, vì thế rủi ro rất cao cho doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh khan hàng, nhiều chi phí phát sinh, chưa được cập nhật phản ánh trong công tác tính giá cơ sở nên doanh nghiệp càng làm càng lỗ. Doanh nghiệp đầu mối hay thương nhân phân phối đã không tự cứu được mình, thì không lấy đâu ra chiết khấu cho hệ thống bán lẻ nên gây ra sự đứt gãy cục bộ tại một số khâu bán lẻ”, ông Diên nói.

Ông Diên cũng đề cập đến việc chuyến tàu nhập xăng dầu về bán vào tháng 9 hay nhiều vụ buôn lậu xăng dầu bị triệt phá, ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn cung ứng xăng dầu.

Qua khảo sát thấy rất nhiều thương nhân phân phối ký hợp đồng nhưng không mua hàng thường xuyên, nên doanh nghiệp đầu mối không chủ động được nguồn hàng. Khi khan hàng thì thương nhân phân phối quay lại mua nên không còn hàng, tạo sự đứt gãy. Về việc này, Bộ Công thương sẽ tham mưu tập trung chỉ đạo đầu mối, thương nhân phân phối kịp thời chi viện cho các địa bàn cần ứng cứu

Phối hợp với các lực lượng chức năng, cơ quan và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát của toàn hệ thống kinh doanh xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả phải rút giấy phép vĩnh viễn đối với các doanh nghiệp kinh doanh khi vi phạm nhiều lần, bảo đảm lưu thông thông suốt, duy trì hệ thống một cách hợp lý.

Để doanh nghiệp xăng dầu không lỗ hoặc lỗ thì cũng trong khả năng chịu được thời điểm thị trường xăng dầu có nhiều dị biệt, Bộ Công thương sẽ tham mưu tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn xăng dầu và chính sách an sinh khi cần thiết để điều hành giá bán lẻ xăng dầu phù hợp...

Thanh Mai

Chiết khấu khủng chưa từng có, giá nhà đang giảm hay chiêu kích cầu?

Chiết khấu khủng chưa từng có, giá nhà đang giảm hay chiêu kích cầu?

Nhiều chủ đầu tư đang tung ra thị trường những chính sách bán hàng với chiết khấu lên đến 40 - 50% giá trị căn hộ. Thị trường bất động sản đang có xu hướng giảm giá hay chủ đầu tư kích cầu để bán hàng trong bối cảnh khó khăn?