Cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay

Tính đến giữa tháng 7/2025, cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó khu vực miền Nam chiếm hơn 70% tổng số ca.

Theo Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), một số địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ là Tây Ninh (tăng 274,3%), Đồng Nai (tăng 191,7%) và TP.HCM (tăng 151,4%).

Trẻ em mắc sốt xuất huyết nặng đang được hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: Duy Tính
Trẻ em mắc sốt xuất huyết nặng đang được hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: Duy Tính

Riêng TP.HCM ghi nhận 15.502 ca sốt xuất huyết, trong đó khu vực TP.HCM cũ có 11.914 ca, với 6 trường hợp tử vong (gồm 3 nam, 3 nữ, tất cả đều là người lớn, chưa tiêm vắc xin phòng bệnh). Đáng chú ý, trong số này có 5 ca có bệnh nền và 3 trường hợp kèm béo phì. Ngoài ra, Bình Dương cũ có 2.659 ca mắc, 3 ca tử vong (trong đó 2 ca là trẻ em), và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ ghi nhận 929 ca, với 1 ca tử vong.

Theo thống kê, Bệnh viện Nhi đồng 2 ghi nhận 4 trường hợp tử vong trên tổng số gần 700 ca bệnh sốt xuất huyết. Bệnh viện Nhi đồng TP cũng báo cáo mỗi đêm tiếp nhận 2 - 3 ca sốt xuất huyết, trong đó có ca phải thở máy.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM có gần 2.000 người bệnh nhập viện, trong đó 4 ca đã tử vong. Một phần nguyên nhân tử vong được cho là do phát hiện ca nặng muộn và chuyển viện không đảm bảo an toàn. 

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), có khoảng 20%-30% bệnh nhi đến khám do sốt xuất huyết đã phải nhập viện do có dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, xu hướng năm nay cho thấy người lớn chiếm tỷ lệ mắc sốt xuất huyết ngày càng cao. Tuy nhiên, nhóm tuổi 11 - 15 vẫn là lứa tuổi có nguy cơ trở nặng nhiều nhất. 

Người dân ở khu dân cư Him Lam (Quận 8 cũ) vệ sinh bãi đất trống có nhiều rác thải, phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh minh hoạ: Khánh Trần
Người dân ở khu dân cư Him Lam (Quận 8 cũ) vệ sinh bãi đất trống có nhiều rác thải, phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh minh hoạ: Khánh Trần

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho sốt xuất huyết. Người bệnh chỉ được điều trị theo triệu chứng và phải theo dõi sát để xử lý kịp thời khi có dấu hiệu chuyển nặng.

Giai đoạn nguy hiểm thường rơi vào ngày thứ ba đến thứ bảy, khi bệnh nhân giảm sốt. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành sốc, giảm tiểu cầu, thoát huyết tương, cô đặc máu và gây tổn thương đa cơ quan.

Để phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Sở Y tế TP.HCM kêu gọi mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết thường xuyên, trong đó đặc biệt chú ý các hoạt động sau:

- Đậy kín các vật dụng dự trữ nước sinh hoạt, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước trong và xung quanh nhà, loại bỏ các vật phế thải có thể đọng nước (như chậu kiểng, bình hoa, lốp xe cũ, và các dụng cụ chứa nước khác...).

- Dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh nhà, lấp kín các ổ nước, dọn sạch rác thải.

- Ngủ mùng, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt muỗi...

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết, người dân hãy nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể lên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để được xử lý (Xem hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng “Y tế trực tuyến” qua đường link: https://youtu.be/SRIN7EOcvAM?si=l4s7dKgKv2pJfgm8).

Đức Khải

  TP.HCM: Ra mắt Trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại bệnh viện đa khoa Tâm Anh

TP.HCM: Ra mắt Trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại bệnh viện đa khoa Tâm Anh

Ngày 8.6, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM công bố giới thiệu Trạm cấp cứu vệ tinh 115 TP.HCM.