Mới đây, một cậu bé 11 tuổi tại Thượng Hải, Trung Quốc sau khi cãi nhau với cha mẹ về bài tập về nhà đã để lại lời nhắn sẽ bỏ đi vài ngày. Cậu mong muốn được trải nghiệm những khó khăn bên ngoài, đồng thời hứa với bố mẹ rằng sẽ làm bài tập còn thiếu sau khi trở về.
Cảnh sát đã tìm kiếm suốt đêm, kiểm tra camera giám sát, cuối cùng tìm thấy cậu bé vào lúc 10h22 sáng ngày hôm sau tại một trung tâm thương mại. Theo cảnh sát, đứa trẻ đã lấy một ít tiền tiêu vặt và các nhu yếu phẩm, sau đó quấn mình trong khăn trải giường và bỏ đi. May mắn cậu bé được tìm thấy trong tình trạng an toàn và đã đoàn tụ gia đình.
Ảnh chụp từ camera |
Cảnh sát đã tìm kiếm suốt đêm, kiểm tra camera giám sát, cuối cùng tìm thấy cậu bé vào lúc 10h22 sáng ngày hôm sau tại một trung tâm thương mại |
Câu chuyện sau đó "viral" trên mạng xã hội gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh những bình luận cho rằng cậu bé "dũng cảm và có tư tưởng độc lập, có khả năng tự chủ mới dám quyết định xa cha mẹ 3 ngày", cũng có nhiều người nhận định đây là một lời cảnh tỉnh dành cho người lớn.
Thứ nhất, có thể thấy trẻ em đang chịu áp lực phải đạt thành tích xuất sắc ở trường. Kỳ vọng của cha mẹ cũng khiến các em thấy mệt mỏi và nặng nề, dẫn tới sự chống đối, nổi loạn.
Đây không phải trường hợp đầu tiên học sinh ở Trung Quốc bỏ nhà đi sau khi cãi nhau với cha mẹ. Vào tháng 4 vừa qua, một cậu bé 11 tuổi ở tỉnh Chiết Giang đã đạp xe suốt 22 giờ, đi 130km về nhà bà ngoại để kể về cuộc cãi nhau với mẹ. Người qua đường phát hiện cậu bé đang kiệt sức trong đường hầm cao tốc và đã báo cảnh sát.
Tháng trước, hai cậu bé 13 tuổi ở tỉnh Giang Tô đã cùng nhau bỏ nhà đi vì không dám nói với cha mẹ là mình chưa làm xong bài tập hè. Các em đã bắt xe khách đi 680km qua 4 tỉnh. Sau 6 ngày, với sự giúp đỡ của cảnh sát, phụ huynh mới lần ra dấu vết các em.
Thứ hai, hành vi bỏ nhà đi cần được xem xét nghiêm túc. Hành vi này thể hiện sự phản kháng với cha mẹ và khao khát tự do. Đừng coi đây là chuyện nhỏ và cũng đừng chỉ trích con, nếu không sẽ dễ khơi dậy tâm lý nổi loạn của trẻ.
Giám đốc một Trung tâm Tư vấn tâm lý cho biết, trẻ ở giai đoạn này có suy nghĩ riêng và đôi khi bốc đồng. Một khi vấn đề không thể giải quyết được và không có nơi nào để trút giận, nhiều em thường chọn cách bỏ nhà ra đi.
Ông phân tích một số nguyên nhân: Mâu thuẫn nảy sinh giữa trẻ và cha mẹ, không thể giao tiếp hiệu quả; Trẻ có mối quan hệ cá nhân căng thẳng với mọi người xung quanh; Cha mẹ đòi hỏi quá cao ở con cái, luôn đổ lỗi khi có vấn đề phát sinh.
"Trẻ vị thành niên có xu hướng nổi loạn và nhạy cảm. Một khi gặp phải sự phủ nhận của người khác, đó sẽ là một "cú tát" không thể chịu nổi. Khi không thể đối mặt, chúng sẽ chọn cách bỏ nhà đi", ông cho biết.
Cậu bé đoàn tụ với cha mẹ |
Vì vậy, cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của con. Nếu thấy con có cảm xúc bất thường thì nên tìm cách giao tiếp kịp thời, hướng dẫn cho trẻ cái nhìn đúng đắn về cuộc sống. Đồng thời, trẻ cũng cần được cảnh báo rằng khi có mâu thuẫn với cha mẹ thì phải giải quyết vấn đề thông qua giao tiếp. Bỏ nhà đi trong cơn giận dữ hoặc những hành vi cực đoan khác không những không giải quyết được gì mà còn có thể làm tổn thương chính mình.
Cha mẹ hãy cố gắng tránh xa bạo lực bằng lời nói và hành động, học cách lắng nghe và giao tiếp với con. Đồng thời, đừng đặt kỳ vọng vượt quá mức khả năng của con khiến con thấy áp lực. Phụ huynh cũng có thể giúp con thảo luận về những kế hoạch tương lai dựa trên đặc điểm tính cách, sở thích và sở thích của trẻ. Nếu cha mẹ thấy khó giao tiếp với con, hoặc tình trạng của trẻ ở mức báo động thì cần đưa trẻ đi tư vấn tâm lý kịp thời để nhận sự trợ giúp của các chuyên gia.
Trên hành trình nuôi dạy con cái, 99% cha mẹ từng nói điều này, bóng đen để lại là cực lớn
Chúng ta luôn luôn yêu cầu con trở thành "con của người ta", nhưng tại sao chúng ta lại không trở thành "cha mẹ nhà người ta" đầu tiên?