Chiều 10/9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã quyết định cấm xe cộ qua lại cầu Long Biên hai chiều.
Cụ thể, để bảo đảm an toàn giao thông cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu, Sở Giao thông vận tải Hà Nội thông báo phương án điều chỉnh tổ chức giao thông trên Cầu Long Biên, TP Hà Nội như sau: Cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng trên cầu Long Biên. Các phương tiện có nhu cầu đi qua cầu Long Biên lưu thông theo các cầu: Chương Dương, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 15h00 ngày 10/9/2024 (thứ Ba) đến khi có thông báo thay thế.
Lực lượng chức năng cấm tất cả phương tiện qua cầu Long Biên. Ảnh: T.TUYẾT |
Với lệnh cấm này, người đi bộ, đi xe đạp, xe máy, xe ba bánh không được qua cầu nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên. 9h cùng ngày, ngành đường sắt đã dừng tàu hỏa chạy qua cầu Long Biên.
Trong sáng nay, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã cấm xe khách, xe hợp đồng, ôtô du lịch trên 9 chỗ, ôtô tải trên 0,5 tấn chạy trên cầu Chương Dương qua sông Hồng từ 8h30.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng giao các đơn vị liên quan cập nhật thường xuyên tình hình mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên) và tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông của cầu Long Biên để báo cáo cơ quan có chức năng và đề xuất phương án giải quyết trong thời gian hoàn lưu sau bão.
Hiện, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các nhà máy thủy điện đang xả lũ dẫn đến mực nước sông Hồng, dòng chảy xiết, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng công trình cầu Long Biên. Mực nước tại trạm thủy văn Long Biên lúc 8h30 là 7,81m (dưới báo động 1 là 1,69m, dự báo sẽ lên báo động 1 vào đêm ngày 10/9).
Cùng ngày 10/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký, ban hành công điện số 14 về việc tăng cường công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn khai thác các công trình cầu trên địa bàn thành phố do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ các công trình cầu đang khai thác trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý (đặc biệt là các công trình cầu vượt sông, cầu phao, cầu tạm) để kịp thời phát hiện đưa ra biện pháp xử lý ngay đối với các công trình có nguy cơ mất an toàn khai thác.
Căn cứ thực tế hiện trạng công trình, tình hình nước lũ, các địa phương quyết định việc tạm dừng hoạt động khai thác kịp thời đối với các công trình cầu không đảm bảo hoặc có nguy cơ mất an toàn giao thông; đồng thời phối hợp cùng Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố và các lực lượng chức năng phân luồng đảm bảo giao thông, hướng dẫn người dân đi lại được an toàn và thuận lợi.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải được giao tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình cầu do thành phố quản lý (đặc biệt là các công trình cầu lớn vượt sông, các công trình cầu đã đưa vào khai thác, sử dụng nhiều năm), trong đó cần quan tâm đến việc kiểm tra, đánh giá các tác động ảnh hưởng đến kết cấu công trình phần dưới (móng, trụ cầu) bị ảnh hưởng bởi dòng chảy, biến đổi địa chất sau nhiều năm khai thác vận hành để đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp theo mức độ ảnh hưởng và yêu cầu kỹ thuật.
Sở được giao tổng hợp danh mục, số liệu các công trình cầu cần cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới, đề xuất UBND thành phố lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn. Trong đó đề xuất bổ sung ngay danh mục các công trình cầu cần cải tạo, sửa chữa sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để khắc phục sửa chữa các hư hỏng nhẳm đảm bảo duy trì khả năng khai thác.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư thăm hỏi đồng bào bị ảnh hưởng bão số 3
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa gửi thư thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi).