Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Bộ này đang lấy ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân sửa đổi.
Hồ sơ này bao gồm: Dự thảo Báo cáo tổng kết Luật Căn cước công dân và Dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân sửa đổi. Dự thảo này đưa ra nhiều đề xuất của Bộ Công an liên quan đến Căn cước công dân.
Ảnh minh họa |
Bộ Công an chủ trương, tích hợp qua chíp điện tử và mã QR code của Căn cước công dân thêm nhiều loại quy định để giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể là: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, đăng ký phương tiện, giấy phép lái xe, thẻ cán bộ, công chức, viên chức, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hành nghề, văn bằng, chứng chỉ hoặc giấy tờ khác.
Theo dự kiến, Căn cước sẽ có thêm một số nhóm thông tin sinh trắc học, bao gồm mống mắt, ADN, giọng nói.
Ngoài ra, dự thảo của Bộ còn đề cập đến việc cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi. Dự thảo cũng nêu rõ, đối với trẻ em mới sinh việc thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân được thực hiện đồng thời trong thủ tục liên thông khi đăng ký khai sinh.
Bộ Công an đề xuất cấp Căn cước công dân gắn chip cho người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam (đây là những người gốc Việt Nam được sinh ra tại Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam được sinh ra tại nước ngoài nhưng đã trở về Việt Nam sinh sống liên tục từ 5 năm trở lên).
Bộ Công an cũng cho biết sẽ bổ sung những quy định để giải quyết vướng mắc trong cấp thẻ Căn cước công dân cho người không có nơi thường trú, không đầy đủ một số thông tin cá nhân khác, như ngày, tháng sinh, quê quán hoặc có thông tin kê khai về dân tộc, tôn giáo khác không nằm trong danh mục quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Vì sao Hưng Yên trở thành điểm hấp dẫn của thị trường bất động sản?