Cảnh giác sập bẫy 'việc làm online', 'việc nhẹ lương cao' ngay trước Tết

Lợi dụng nhu cầu tìm việc làm kiếm thêm thu nhập ngay trước Tết, những kẻ lừa đảo tung nhiều chiêu thức để bẫy những người nhẹ dạ, ham lợi nhuận cao nhằm chiếm đoạt tài sản như "việc nhẹ lương cao", "làm việc online".

Đánh vào nhu cầu kiếm tiền tiêu Tết

Với nhu cầu tìm việc làm thêm tại nhà dịp cận Tết để có thêm thu nhập, chị M.T. (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) đã lên mạng để tìm kiếm công việc phù hợp. Chị T. sau đó liên tiếp nhận được những lời mời làm cộng tác viên làm việc tại nhà để nhận tiền "hoa hồng", công việc chỉ yêu cầu chị T. có điện thoại có kết nối internet.

Một trong những lời mời hấp dẫn chị T. tham gia đó là chỉ cần tải và cài đặt một ứng dụng (app) trên điện thoại sau đó "hoàn thành nhiệm vụ" và nhận tiền hoa hồng.

Cảnh giác sập bẫy 'việc làm online', 'việc nhẹ lương cao' ngay trước Tết - Ảnh 1.

Các đối tượng lừa đảo hướng dẫn người tham gia làm nhiệm vụ để nhận hoa hồng.

Ban đầu, chị T. chỉ cần nạp số tiền vài trăm nghìn đồng để làm nhiệm vụ rồi nhận về số tiền 1 triệu đồng. Thấy kiếm tiền dễ, chị T. liên tiếp nạp tiền với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi lần. Tuy nhiên khi ứng dụng liên tục báo lỗi, không nhận được tiền và số tiền đã nạp lên đến cả tỷ đồng, chị T. mới nhận ra mình bị lừa và trình báo cơ quan công an.

Tố cáo thông tin lừa đảo đến Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, anh L.H. (trú tại Hải Phòng) cho biết, cuối tháng 11/2022, anh được một đối tượng lạ gọi điện chào mời tham gia công việc online qua ứng dụng Telegram với nhiệm vụ follow người dùng trên ứng dụng Tiktok, anh H. làm theo và nhận được thù lao ban đầu là 100.000 đồng.

Ngày hôm sau, anh được thông báo chuyển sang nhiệm vụ cao hơn là follow kèm chuyển khoản đến số tài khoản của đối tượng lừa đảo để nhận "hoa hồng".

Tuy nhiên, sau khi anh H. chuyển khoản, các đối tượng lại nạp tiền vào website cá độ rồi yêu cầu anh phải làm theo để nhận lại số tiền gốc và hoa hồng, sau khi anh H. làm theo lại có yêu cầu chuyển khoản tiếp để hoàn thành lần lượt với số tiền từ 5 triệu đồng, 15 triệu, 40 triệu đến 100 triệu đồng.

"Đến lần 200 triệu tôi nhận thấy đây là hành vi lừa đảo nên đã dừng lại với tổng số tiền đã chuyển khoản là 160 triệu đồng", anh H. cho biết.

Cũng với thủ đoạn tương tự, chị T.M. (trú tại Đà Nẵng) được một đối tượng trên mạng xã hội Facebook nhắn tin giới thiệu công việc cộng tác viên Tiktok. Sau đó các đối tượng hướng dẫn chị M. qua Telegram làm nhiệm vụ, nạp tiền để có hoa hồng và lừa đảo, chiếm đoạt của chị T.M. tổng số tiền lên đến 578 triệu đồng.

Theo các chuyên gia, điểm chung của thủ đoạn lừa đảo này bắt đầu bằng việc tiếp cận những người có nhu cầu làm việc tại nhà, làm việc online bằng những chiêu quảng cáo trên mạng xã hội hoặc nhắn tin, gọi điện trực tiếp mời gọi người tham gia. Các công việc được các đối tượng dùng để bẫy người tham gia thường là những công việc đơn giản, nhẹ nhàng, không yêu cầu kỹ năng chuyên môn hay máy móc thiết bị đặc biệt nhưng lại đem lại thu nhập cao, thù lao trả ngay trong ngày.

Cảnh giác sập bẫy 'việc làm online', 'việc nhẹ lương cao' ngay trước Tết - Ảnh 2.

Thượng úy Vũ Mạnh Tuấn, Phó Bí thư Đoàn thanh niên - Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân 2 chia sẻ với sinh viên. Nguồn: TPO.

Sau khi các con mồi sập bẫy, các đối tượng sẽ hướng dẫn họ "làm nhiệm vụ", thường bắt đầu bằng các nhiệm vụ rất đơn giản như tăng tương tác cho một kênh Tiktok nào đó qua các ứng dụng hoặc website trung gian. Sau nhiệm vụ đầu tiên, người tham gia sẽ nhận được một khoản hoa hồng nhỏ để tạo niềm tin, theo toquoc.vn.

Tiếp đó, các đối tượng sẽ đưa ra các gói nhiệm vụ có giá trị cao tương đương với mức hoa hồng nhận được cũng cao hơn. Người dùng sẽ buộc phải mua các gói nhiệm vụ cao hoặc giới thiệu người cùng tham gia để có thể rút tiền khiến nạn nhân có tâm lý "ném lao phải theo lao". Sau khi người tham gia mua những gói nhiệm vụ có giá trị rất lớn hoặc nhận ra mình có dấu hiệu bị lừa đảo, các app, website sẽ liên tục báo lỗi hoặc ngừng hoạt động, các đối tượng lừa đảo cũng "biến mất".

Không những người lớn, mẹ bỉm sữa, bà nội trợ... mà sinh viên cũng là đối tượng thường xuyên bị những kẻ lừa đảo nhắm tới.

Từng rơi vào trường hợp lừa đảo khi tham gia tuyển dụng làm thêm, Ánh Tuyết - sinh viên năm 3 ngành Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho hay, cách đây không lâu, Tuyết được một người không quen biết gửi kết bạn qua facebook rồi sau đó nhắn tin giới thiệu đang cần tuyển sinh viên làm thêm quán ăn với mức lương hấp dẫn.

Tin lời, Tuyết đến địa điểm, thời gian như giao hẹn thì được biết đây là một hội thảo đa cấp hoành tráng, giới thiệu sản phẩm. "Vào hội trường, em bị người ta giữ giấy CMND rồi sau đó được các anh chị tư vấn rất nhiệt tình. Quá trình tư vấn, những người tuyển dụng luôn có những hoạt động sôi nổi, khích lệ tinh thần nên nhiều người rất hào hứng" - Tuyết nhớ lại và cho biết, lúc này em bắt đầu lo sợ và cảm giác bị lừa đảo.

Ngay khi có cảm giác lừa đảo, Tuyết bắt đầu lấy nhiều lý do như xin ra ngoài đi vệ sinh, mượn cớ về để thi qua môn hay người nhà gọi có việc gấp… để "chuồn" về nhưng đều bị người tư vấn từ chối. "Họ bắt em phải đóng 200 ngàn đồng phí tham gia. Không còn cách nào khác, em buộc phải đóng tiền rồi sau đó đợi mọi người giải lao, lợi dụng lúc đông người náo nhiệt để trốn về, chấp nhận mất tiền và CMND", Tuyết kể.

Cũng theo Tuyết, tại buổi hôm đó, nữ sinh này còn gặp nhiều bạn học ở các trường khác nhưng đa phần các bạn này đều ở lại đến cuối, khen chương trình hay và đóng tiền để đi làm nhưng hầu hết đều thất bại, có bạn ôm cục nợ vì mua hàng.

Cảnh giác sập bẫy 'việc làm online', 'việc nhẹ lương cao' ngay trước Tết - Ảnh 3.

Cuối tháng 12/2022, Bộ Công an đã gửi tin nhắn cảnh báo về tình trạng lừa đảo đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên mạng xã hội.

Trong khi đó, một sinh viên khác cũng bị lừa đảo việc làm khi tìm việc qua mạng. Theo nam sinh này, công việc được giới thiệu là viết bài quảng cáo, việc nhẹ, lương cao (500 ngàn đồng/ ngày) nhưng phải tham gia khóa học đào tạo 500 ngàn đồng. "Tin lời, em đóng tiền và đăng ký học rồi sau đó viết mấy chục bài gửi cho họ. Tầm 1 tháng sau, họ trả cho em 50 ngàn đồng với lý do bài viết của em không đạt yêu cầu. Quá bức xúc và nản chí, em đành bỏ việc, chấp nhận mất 450 ngàn đồng", nam sinh này kể.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Thảo, Phó phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho hay, năm nào trường cũng tiếp nhận một số phản ánh của sinh viên bị lừa đảo việc làm. "Hầu hết, các đối tượng đều thực hiện hành vi lừa đảo với số tiền không nhiều nhưng lại rất nhiều sinh viên bị lừa. Vào mỗi đầu năm học, rồi những dịp lễ Tết, nhà trường thường tuyên truyền các phương thức lừa đảo việc làm để sinh viên có biện pháp phòng tránh nhưng ít nhiều vẫn có em bị lừa", chị Thảo nói.

Theo Thượng úy Vũ Mạnh Tuấn, Phó bí thư Đoàn thanh niên - Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân 2, hình thức lừa đảo việc làm thêm với sinh viên đang ngày càng tinh vi, khó nhận biết, sinh viên khi sập bẫy không chỉ thiệt hại tiền bạc, thời gian mà thậm chí còn mất giấy tờ tùy thân…

Dẫn chứng về trường hợp một sinh viên cao đẳng ở Thủ Đức được bạn bè dẫn đến một hội thảo tổ chức tại một hội trường có quy mô. Ngay khi vào cửa, sinh viên được yêu cầu khai báo thông tin và nộp CMND, sau khi ra về sẽ trả lại. Tuy nhiên, khi ra về sinh viên bị yêu cầu phải đóng 200 ngàn đồng mới được trả lại CMND, quá bức xúc, nhiều sinh viên đã gọi điện báo về trường nhờ can thiệp. Sau đó, công an phường vào làm việc, sinh viên mới được trả CMND và ra về.

"Nếu sinh viên có nhu cầu làm thêm, các bạn hãy tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp thật kỹ, khi đi phỏng vấn, hay làm việc ở đâu hãy báo cho bạn bè, người thân biết để tránh các trường hợp xấu xảy ra. Trong trường hợp bị lừa, các bạn hãy báo về trường hoặc công an phường nơi xảy ra sự việc để sớm được can thiệp", Thượng úy Tuấn khuyên.

Anh Lê Xuân Dũng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên (thuộc Thành Đoàn TPHCM) cũng cho hay, Trung tâm thường xuyên tiếp nhận các đầu việc cho sinh viên và việc thẩm định các đầu việc này được thực hiện rất kỹ trước khi giới thiệu. Thời điểm Tết các công việc thời vụ như bán hàng siêu thị, phục vụ cà phê, khu vui chơi giải trí thiếu rất nhiều nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lừa đảo nếu không tìm hiểu kỹ trước khi làm. "Những công việc thời vụ thường có mức lương từ 25 - 30 ngàn đồng/ giờ, với dịp Tết có thể tăng gấp 2- 3 lần nên sinh viên nhìn vào đó để ước tính tiền lương mỗi ngày là bao nhiêu. Ở những nơi quảng cáo mức thu nhập 500 - 1 triệu/ ngày và đặc biệt là sinh viên muốn làm phải đóng tiền cọc hay nộp CMND thì hầu hết là có dấu hiệu lừa đảo, sinh viên cần tránh xa", anh Dũng khuyên.

Cũng theo anh Dũng, có một thực trạng là rất nhiều sinh viên bị lừa nhưng đa phần lại không dám lên tiếng. "Có một số tình huống, sinh viên bị đe dọa, áp lực tâm lý nên không dám nói, cũng có trường hợp sinh viên xấu hổ, sợ người khác biết mình bị lừa nên chấp nhận im lặng và cũng có nhiều trường hợp, số tiền bị lừa ít nên tâm lý thường "của đi thay người" nên chấp nhận mất tiền…", anh Dũng nói và đề xuất các trường nên có các góc chia sẻ để sinh viên (có thể ẩn danh) mạnh dạn chia sẻ các trường hợp bị lừa để cảnh báo đến những sinh viên khác, theo TPO.

Tránh ham lợi nhuận cao để dính bẫy lừa

Liên quan đến vấn nạn lừa đảo "việc nhẹ lương cao", "cộng tác viên online"... khiến nhiều người sập bẫy dịp cận Tết, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, cuối năm nhu cầu tuyển dụng lao động ngắn hạn tăng, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ như học sinh, sinh viên. Đánh vào lòng tham của con người "việc nhẹ lương cao", sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, xảy ra tình trạng lừa đảo thông qua tư vấn giới thiệu việc làm online.

Theo ông Vũ Quang Thành, các kênh giới thiệu việc làm qua mạng rất đa dạng, người tìm việc không lường hết được hoạt động tinh vi của các đối tượng lừa đảo, nhiều bạn trẻ tìm hiểu không kỹ lưỡng, ham lợi nhuận cao ban đầu rất dễ mắc bẫy.

Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đưa ra cảnh báo, đối với người lao động, để tìm kiếm việc làm thêm cần tìm hiểu thật kỹ về công ty, đơn vị, doanh nghiệp mà mình dự kiến xin vào, tìm hiểu tính chất công việc, vị trí việc làm, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ xoay quanh vị trí việc làm đó. Tìm hiểu, kiểm tra pháp nhân của doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, chế độ, quyền lợi cách thức ký hợp đồng...tìm hiểu rõ ràng, minh bạch rất quan trọng.

"Hiện nay có hệ thống đơn vị làm về lĩnh vực lao động việc làm, các sàn giao dịch việc làm, các đơn vị chính thống hỗ trợ tư vấn đầy đủ tính chất công việc, vị trí việc làm, doanh nghiệp tuyển dụng, chế độ... khi người lao động có đầy đủ thông tin tránh gặp phải rủi ro trong tìm kiếm việc làm", ông Vũ Quang Thành cho hay.

(Tổng hợp)

AN LY