Cậu bé Việt có khuôn mặt lạ được vợ chồng người Mỹ "tái sinh" cuộc đời

Ngày Samuel mới sang Mỹ, các bác sĩ từng nói cậu bé sẽ không thể nói chuyện hay đi học bình thường.

Những năm 1990, Hope Ettore - một nhà dịch tễ học đã sang Đông Nam Á làm việc. Thường xuyên gặp những đứa trẻ nghèo đói, ốm yếu, mong ước của cô là có thể nhận một trong số chúng về nuôi.

Năm 2005, vợ chồng Hope Ettore đã liên hệ với trại trẻ mồ côi ở quận Gò Vấp, TP. HCM nêu nguyện vọng muốn nhận con nuôi. Trại trẻ giới thiệu cho vợ chồng cô một cậu bé bị u máu và nhiều vấn đề sức khỏe khác, tên Nguyễn Lê Hùng, 16 tháng tuổi. Thời điểm đó, trong bức ảnh mà vợ chồng cô nhận được, cậu bé nhỏ xíu, người đầy ghẻ và gần nửa khuôn mặt bị khối u che kín. Hai vợ chồng Hope Ettore quyết định đến tận nơi thăm Hùng. 

Theo giấy tờ, cậu bé sinh năm 2004, quê ở Đồng Phú, Bình Phước. Tên bố được lưu lại là Lê Xuân Hùng, mẹ là Nguyễn Thị Liên. Mười sáu tháng tuổi, khác với những đứa trẻ khác, Hùng bé xíu, lọt thỏm trong cũi như một đứa trẻ sơ sinh. 

  Samuel, tên tiếng Việt là Nguyễn Lê Hùng khi mới được bố mẹ người Mỹ nhận nuôi, năm 2005. Ảnh: Hope Ettore

Samuel, tên tiếng Việt là Nguyễn Lê Hùng khi mới được bố mẹ người Mỹ nhận nuôi, năm 2005. Ảnh: Hope Ettore

Hùng là đứa trẻ sinh non cùng với một người anh em sinh đôi khác. Vì cậu bị bệnh nên bố mẹ gửi trại trẻ, chỉ giữ lại đứa trẻ lành lặn. Gia đình từng đến thăm Hùng và định đưa về nuôi nhưng theo cán bộ tại trung tâm, nếu không chăm sóc y tế Hùng sẽ chết, khuyên gia đình nên để con ở lại, tìm người nhận nuôi để được sang nước ngoài điều trị.

Vợ chồng họ đón Nguyễn Lê Hùng về nuôi, đổi tên thành Samuel Ian Ettore. Bước đầu, vợ chồng Hope bổ sung dinh dưỡng, chữa bệnh nhiễm trùng, giúp cậu bé có sức khỏe tốt nhất cho cuộc phẫu thuật loại bỏ khối u. Tuy nhiên, cậu bé liên tục ốm và quấy khóc. Khối u của Samuel chứa đầy các mạch máu, nên nguy cơ chảy máu gây tử vong luôn hiện hữu.

Vợ chồng Hope bế con đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ, gặp hàng chục bác sĩ, nhưng không ai dám phẫu thuật cho Samuel. Sau đó may mắn có bác sĩ nhận lời. Cậu bé Việt trải qua 5 lần phẫu thuật mặt, hai lần phẫu thuật mắt để lấy lại thị lực và vẻ ngoài bình thường.

Dù được phẫu thuật nhưng Samuel chậm nói, chậm đi, tiếp thu cũng chậm. Cậu bé được bố mẹ cho vật lý trị liệu, tập vận động, trị liệu ngôn ngữ, thực hành các liệu pháp hành vi để chữa chứng chậm phát triển. 

Samuel ở tuổi 18
Samuel ở tuổi 18

Bây giờ Hùng (tên mới là Samuel) đã là một thanh niên 18 tuổi khỏe mạnh, khuôn mặt thanh tú. Hope đã nói với Samuel về nguồn gốc của cậu. Bản thân Samuel cũng nhận ra sự khác biệt của bản thân với mọi người về ngoại hình, nhưng do sống ở nơi không có nhiều người gốc Á, cậu ít cơ hội khám phá văn hóa quê nhà.

Hope dẫn cậu bé đến các lễ hội truyền thống được người Việt tổ chức ở Mỹ, mua những cuốn sách về Việt Nam tặng con. Hơn hai năm trước, gia đình Hope đã kết nối được với bố đẻ của con trai nuôi người Ethiopia. Duyên đoàn tụ của cậu con trai thứ tư càng giúp chị Hope có động lực tìm kiếm gia đình cho Samuel.

Hope nhiều lần nhờ một người Việt sống ở Mỹ trên nhóm Kids Without Borders (Trẻ em không biên giới) tìm người thân cho con nhưng ngoài tên và quê quán, họ chẳng còn chút manh mối nào.

Gần đây, bác sĩ nói chị Hope không còn nhiều thời gian khi ung thư vú đã di căn. Qua một người bạn Việt Nam thời đại học, Hope đã đưa thông tin tìm cha mẹ ruột cho con nuôi Việt lên mạng, bằng hai ngôn ngữ, chia sẻ khắp các hội nhóm.

Ngày 26/5, một phụ nữ quê Bình Phước đã liên hệ với người bạn Việt Nam của chị Hope, nhận là mẹ của Samuel. Bạn bè đang giúp chị Hope và Samuel kết nối với người này, tiến hành làm xét nghiệm ADN. 

Người mẹ nuôi cho biết, điều cô muốn khi gặp bố mẹ đẻ Samuel là nói lời cảm ơn họ, vì đã nén nỗi đau xa con để cậu được chữa trị.

Thanh Mai