Câu chửi thương và tộ đường dẻo

Tôi đếm thời gian không chỉ bằng những buổi dạy mà qua tiết trời, tình người, nhiều điều mới lạ và những niềm vui rất đơn sơ được tìm thấy.

Tôi tới Hoài Châu* vào đầu mùa mưa năm 1976, để làm cô giáo cấp một và đã ở đây suốt bốn niên khóa.

Có vẻ tôi đã lột xác, chí ít, cũng là ở bên ngoài với bộ đồ vải ú đen và chân đi dép lốp. Ngày ngày băng đồng mía, men bờ ruộng đi qua những trảng cát đến trường. Giáo viên thiếu nên tôi phải dạy hai lớp và phụ trách cả bổ túc văn hóa. Hoài Châu, khi ấy hãy còn rẫy đầy chứng tích của chiến tranh. Những hố bom chưa kịp lấp kín và lòng người hãy còn sâu hoắm những tổn thương. Không gia đình nào còn nguyên vẹn và học trò của tôi lớn ầm vẫn trầy trật miết, chưa qua rồi cấp một.

Những vất vả thiếu thốn của người dân, những thua thiệt của các em… Ấy, chính là những thứ vô hình, mơ hồ mà sừng sững, cột buộc và trì níu tôi ở lại với Hoài Châu. Mặc cho cái lạnh cắt da cùng những cơn bão cát, tới tấp, túa vào gian lớp xiêu vẹo với mái lợp tranh tường trét đất, giọng giảng bài nhiều khi khản đặc, chén cơm độn sắn khoai nửa sống nửa chín vì bếp ướt, chỗ ngủ không cửa nẻo gió hung bạo bủa vây…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Rồi mùa mưa đi qua, tôi đếm thời gian không chỉ bằng những buổi dạy mà qua tiết trời, tình người, nhiều điều mới lạ và những niềm vui rất đơn sơ được tìm thấy. Tôi đã chùng lòng và khựng hết cả người bao lần khi biết hột gạo mình được ăn, mỗi ngày, thấm đẫm quá nhiều lao nhọc của người nông dân. Những lao nhọc không phải qua những đoạn văn mình đã đọc, những bài hát mình đã nghe. Những lao nhọc được tận thấy khiến mắt cay và làm giấc đêm trằn trọc.

Nhận ra mình đã yêu thêm đám mạ non vừa gieo, cánh đồng lúa chín rộ và mùa gặt. Thương thêm đôi mắt sáng bừng trên khuôn mặt người, khắc khổ, quẩy từng gánh lúa trĩu nặng trên đường. Tiếng cười giòn tan của ai đó, khi đẩy từng cộ mía vun ắp tới lò nấu đường muỗng. Thương những ụ rơm chất cao nơi mỗi ngôi nhà. Thương cái bánh thuẫn, bánh ít học trò để dành sau mỗi lần nhà có giỗ…

Tôi đã được sống với trăng ở biển, núi, phố phường, thị tứ và lần đầu cảm nhận trọn vẹn những mùa trăng ở nhà quê. Trời ơi! Là đẹp. Mùa hạ, tôi và các bạn thích trải chiếu ra ngoài hiên nhấm nháp chút cay cay và lâng lâng và đàn hát. Đôi khi, tôi một mình lên con đồi gần trường, nằm dài và có hồi thiếp ngủ cùng trăng. Nông thôn thủa ấy sao mà bình yên đến thế?

Mỗi mùa trăng mỗi đẹp và mỗi khác. Trăng mùa thu nào phải trăng mùa đông. Và dù trời lạnh ngắt, trăng vẫn xúi tôi rời nhà rủ học trò ra che coi nẫu nấu đường và… bất ngờ vui sướng. Với tiếng kẽo cà kẽo kẹt, đều đặn, khi trâu đi vòng quanh guồng ép mía. Những chảo đường sôi sùng sục và sóng sánh bốc thơm ngạt ngào. Lửa ở che là lửa đẹp nhất và cái rực đỏ nhiều ma mị ấy, có phải, vẫn dõi theo bước tôi?

Vào khoảng này, các em thường đem cho những tộ đường dẻo ngọt lựng thơm cay hương gừng. Và thứ đường này phết lên bánh tráng nướng, ăn bắt căng bụng vẫn chưa đã thèm. Dường như cái ngọt ngon thơm cay vẫn quyện chặt nơi chân răng tôi, cho mãi đến giờ. Không thế sao nước miếng cứ ứa khan, khi nhắc lại.

Quà Tết năm đầu đi dạy của tôi, không ngờ, hết sức độc đáo. Là những cái bánh gói giấy xanh đỏ tím vàng, được các em đề tên mình bên ngoài. Tôi đã suýt khóc vì cảm động, bởi, những cái bánh in được đúc bằng khuôn hình táp lô và rẻ quạt ấy. Còn hè vui không kể xiết, trong những lần cô trò dang nắng lên gò, triền núi giủ chà là, hái sim, du dẻ… Những cái miệng như rộng thêm vì cười hết cỡ giơ nguyên hai hàm răng đen sì hoặc tím rịm.

Tôi hay tới nhà các em chơi và thương thêm hoàn cảnh của mỗi đứa. Trong tất cả tôi gần gụi nhất với gia đình dì Sáu. Dì có tật lầm bầm: “Chà, mẹ” khi một mình và thường chửi câu này. Cứ bật ra vậy thôi chứ chẳng cơn cớ gì: “Cha bay. Đồ hồng bào. Đồ cốt cáo nà…”. Ngay cả với tôi, dì cũng không kiềm được và bởi đó luôn cho mình  cảm giác cật ruột, cứ như thể là con cháu trong nhà. Tôi rất thích về căn nhà xập xệ, tràn lan, những câu chửi thương của dì. Về, để được ngồi nơi hốc bếp ám khói ăn củ lang khô ngào mật, hửi hương hoa lài dịu dàng nơi thành giếng... Về, chỉ vì thèm được nghe đi nghe lại “cha bay…”.

Không ít lần trong đời tôi đã được nghe những lời ngọt ngào đẹp đẽ, nhưng bên trong đó phía sau ấy là bao toan tính những mưu cầu. Vào những khi như vậy, tôi thắc thỏm nhớ dì Sáu với những câu chửi cộc lốc mà lấp lánh bao mến thương. Những câu chửi tôi đã thuộc nằm lòng.

*Hoài Châu thuộc về huyện Hoài Nhơn (đã lên thị xã từ tháng 4/2020) tỉnh Bình Định.

Mỹ Nữ

Mũi Dinh, viên ngọc giữa sa mạc và biển

Mũi Dinh, viên ngọc giữa sa mạc và biển

Thả mình trên những cơn sóng nhỏ ru êm, thiên nhiên và con người nơi đây như một thể đồng nhất, hòa quyện theo từng nhịp thời gian.