Có một thời không xa - cách đây 20 năm về trước, các tộc người ở Bắc Tây Nguyên dùng thuyền độc mộc, xuôi theo dòng sông Sêrêpôk, Krông Nô, Krông Ana… đến đầu nguồn Đạ Đờn (sông Đồng Nai) ở Nam Tây Nguyên, lâu lâu họ lại ghé vào buôn làng cổ của người Mạ để tìm mua khi thì tấm đắp, lúc thì cái váy, cái khố… Bởi, chỉ có phụ nữ mạ mới dệt được những tấm thổ cẩm đẹp “nổi tiếng thế giới dân tộc”.
Cho đến ngày nay, thổ cẩm Mạ vùng Cát Tiên - Đạ Tẻh - Đạ Huoai vẫn không thể thiếu trong lễ vật của đám hỏi, đám cưới của các tộc người Tây Nguyên. Mặc dù nghề dệt vẫn đang tồn tại ở các tộc người Cơ Ho, Chu Ru… song, thổ cẩm Mạ vẫn là những lễ vật không thể thay thế; còn tấm đắp, khố, túi xách thổ cẩm Mạ vẫn đang là những vật dụng được tất cả các tộc người Tây Nguyên ưu thích.
Thổ cẩm Mạ được ưa chuộng trước hết bởi hoa văn, màu sắc, chất liệu, tất cả các công đoạn đều từ bàn tay và tư duy của người phụ nữ… Trong xã hội Mạ truyền thống, những bé gái khoảng 5 - 7 tuổi đã được tập dệt bằng những khung dệt đơn giản có từ 3 - 4 cây tre, khoảng 9 - 10 tuổi các em đã biết dệt thành thạo, tuổi mới lớn, mới biết yêu của các sơn nữ Mạ gắn với khung dệt, họ gửi nỗi lòng vào những sợi chỉ, vào hoa văn dệt, cách đi màu trong thổ cẩm là biểu hiện sự khéo léo, dịu dàng của các cô gái.
Người phụ nữ Mạ khi lấy chồng sẽ dệt tặng mẹ một tấm váy, tặng bố tấm đắp thật đẹp. Còn chồng được tặng một cái khố, có lẽ vì thế hoa văn dệt của người Mạ chứa đựng không chỉ kỹ thuật từ lâu đời mà trên tác phẩm dệt chứa chan tình yêu, lòng hiếu thảo và sự rung động của con người trước hình khối, màu sắc… Trên tấm váy, hoa văn thường được dệt là hoa văn kỷ hà (một loại hoa văn cổ xưa nhất) và xoáy nước, còn hoa văn của tấm đắp là cả một huyền thoại: từ mặt trời, mặt trăng, đến tia chớp, con gà, con vịt, cái ghè, cái chóe, con ong, cánh bướm, chim muông và cây cỏ…
Phụ nữ Mạ đã được dạy dệt từ khi 5 - 7 tuổi. |
Trong bối cảnh hoang dã, những tấm hoa văn dệt tạo nên nghệ thuật tạo hình của người Mạ: bố cục chặt chẽ, nghiêm túc, thể hiện cách nhận màu và pha màu hoản hảo, rất cổ sơ và rất đẹp. Bằng loại vỏ cây và lá cây rừng, họ tạo ra những màu nguyên đen, đỏ, xanh, đường nét hoa văn xoáy nước thật mềm mại, nhưng được hình thành từ các sợi dọc và ngang. Nhìn kỹ là do những đường thẳng tạo nên. Cách đi màu thường là đi màu gắt với nhau như: đỏ - đen, đỏ - xanh, trắng - đen. Với cách phối hợp màu có bố cục chặt chẽ, cân đối; váy và khố một màu trầm trong khung cảnh rừng, núi, sông, suối… rất hợp với nước da đen.
Thổ cẩm Mạ được ưa chuộng bởi hoa văn, màu sắc, chất liệu, tất cả đều dưới bàn tay khéo léo và tư duy của người phụ nữ |
Tấm thổ cẩm của người Mạ được dệt từ sợi do họ kéo và bông do họ trồng. Bông thường được trồng trên rẫy cùng với lúa. Khi bông nở, người ta hái về và cho vào cán, tách hạt bông ra khỏi bông. Những lúc rảnh - người phụ nữ Mạ mang bông ra kéo thành sợi bằng một guồng tre rồi nhuộm màu. Khung dệt có từ 9, 14 đến 17 que tùy theo cách dệt đơn giản hay phức tạp mà tăng số que lên.
Một tấm đắp chiếm toàn bộ thời gian của người phụ nữ trong 6 tháng (ngoài thời gian đi rẫy, hái lượm). Do kỳ công như vậy, dệt chỉ thỏa mãn nhu cầu y phục của lễ hội và quà tặng, làm của mang theo khi chết, trao đổi (1 tấm đắp hoàn thiện có thể đổi 1 con trâu).
Vượt qua nhiều hạn chế hình họa và màu sắc trong quá trình dệt, người Mạ đã tạo ra cho mình những nét riêng độc đáo, những đường nét sinh động như luôn luôn chuyển động lượn sóng, xoay tròn, khi thì tách ra (những đường thẳng song song), lúc thì hòa nhập lại (những đường gấp khúc). Cứ như thế, tấm vải của họ không đơn điệu, nhàm chán mà lại rất sinh động, biến hóa, hấp dẫn người xem.
Ngày lễ hội, những bộ váy thổ cẩm đẹp nhất được phụ nữ Mạ đem ra mặc. |
Riêng về màu sắc, với việc sử dụng màu sắc tinh tế, hài hòa, người Mạ đã tạo ra một sự hấp dẫn riêng biệt cho những tác phẩm của mình. Những màu sắc ấy góp phần tạo cho thổ cẩm một bố cục chặt chẽ, lúc thì nương tựa lại với nhau thành từng mảng, từng khối màu vững chắc, mạnh mẽ, khi lại tách biệt ra một cách bất ngờ, hợp lý, thu hút mãnh liệt người nhìn vào nó. Và đó cũng là nét đặc trưng độc đáo trong việc sử dụng màu sắc truyền thống trong nghề dệt của người Mạ.
Ngày lễ hội, những người phụ nữ mang những bộ váy đẹp nhất ra mặc. Những đường thẳng và gấp khúc chạy theo chiều dài của tấm váy khi ôm lấy thân thể, người mặc tạo các dải nằm ngang. Các đường thẳng được bố trí ở hai bên mép tạo thành các dải màu như được đóng khung để phô bày những đường nét nổi bật bên trong, làm cho mùa xuân như rực rỡ hơn, biến hóa hơn trên nền những tấm thổ cẩm.
Làm dâu người Ơ Đu
Vai trò của các cô dâu trong gia đình Ơ Đu có ý nghĩa rất đặc biệt, quyết định sự tồn vong của cả một dân tộc.