Công việc ngoài giờ này đã gắn bó với anh Nguyễn Văn Nam (34 tuổi), ở thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) gần 2 tháng nay. Khi số vỏ chai nhiều lên, anh bán đi để giúp đỡ những mảnh đời khốn khó.
Nhiều hôm trời đổ mưa nặng hạt, anh Nam vẫn không xao nhãng với công việc. Hôm may mắn, anh còn được những chủ hàng hào phóng tặng toàn bộ số vỏ chai.
Rong ruổi nhặt ve chai khắp 5 xã ven biển
Gần 2 tháng nay, người dân làng biển xứ Thanh không còn lạ lẫm với hình ảnh anh thanh niên rong ruổi trên chiếc xe đạp khắp 5 xã ven biển huyện Hậu Lộc. Phía sau ghế ngồi là một chiếc thùng xốp với dòng chữ: “Xin tặng cho mình lon chai vỏ nhựa, để tặng những hoàn cảnh khó khăn. Mình xin cảm ơn ạ!”.
Cứ khoảng 17h hàng ngày, anh Nam lại đóng cửa hàng tranh ảnh, mang theo “đồ nghề” lượm ve chai rong ruổi từ Ngư Lộc sang Hưng Lộc, Đa Lộc rồi lại vòng về Minh Lộc, Hòa Lộc,... Vừa đạp xe, anh Nam vừa cẩn thận quan sát khắp lòng đường, trên vỉa hè hay sườn đê để nhặt nhạnh từng chiếc vỏ chai.
Khi số ve chai nhiều lên, anh Nam sẽ bán để giúp đỡ cho những mảnh đời khốn khó. |
“Khi quyết định làm công việc này, mình chỉ muốn bảo vệ môi trường và giúp đỡ những mảnh đời khốn khó trên quê hương. Sau thời gian gắn bó, mình thấy vui hơn khi vừa giúp đỡ được mọi người, vừa cải thiện sức khỏe của bản thân”, anh Nam bộc bạch.
Khi mới bắt đầu công việc này, chàng trai xã đảo Thanh Hóa không nhận được sự ủng hộ của người thân, bạn bè. Anh Nam mặc kệ, vẫn rong ruổi trên chiếc xe đạp quen thuộc, bất kể ngày mưa gió bão bùng. “Giờ thì ai cũng ủng hộ công việc mình đang làm. Nhiều chủ hàng hoặc gia đình hào phòng còn tặng toàn bộ số vỏ lon cho mình, có người thì cho tặng quần áo mới...”, anh tâm sự.
Vừa dứt lời, anh Nam liền được một chủ hàng ở xã Minh Lộc (Hậu Lộc) gọi vào tặng toàn bộ số vỏ lon như thường lệ. “Biết việc làm ý nghĩa của Nam, tôi thường dành dụm số vỏ chai của cửa hàng để tặng lại cho cậu ấy. Tôi nghĩ rằng, việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn còn tùy theo khả năng của mình, và việc làm của Nam thực sự thiết thực”, chủ cửa hàng chia sẻ.
Chưa đầy 5 phút sau, anh Nam lại được chủ cửa hàng in ấn ở xã Minh Lộc hào phóng tặng toàn bộ số vỏ chai. Cứ như vậy, chỉ sau hơn một giờ rong ruổi, chàng trai xã đảo tỏ ra hài lòng với số “chiến lợi phẩm” có được trong buổi chiều nay.
Anh Nam khoe, tháng này đã có thêm 1 triệu đồng từ việc bán vỏ chai. Từ giờ đến hết hàng, anh phấn đấu nhặt thêm nhiều vỏ lon để san sẻ yêu thương đến những mảnh đời khốn khó.
Những sẻ chia từ tấm lòng
“Dù mới bắt đầu được 2 tháng, nhưng tôi thấy vui vì được mọi người ủng hộ”, anh Nam cười nói. Theo chia sẻ, đến nay đã có gần 10 gia đình khó khăn ở huyện Hậu Lộc được chàng trai xã đảo giúp đỡ từ số tiền bán vỏ chai. Thậm chí, nhiều hoàn cảnh được anh giúp đỡ thường xuyên.
Với những gia đình ốm đau, bệnh tật hoặc không may bị tai nạn giao thông, anh Nam sẽ giúp đỡ bằng tiền mặt. Những hoàn cảnh khó khăn khác, anh thường hỗ trợ gạo, đôi khi là dầu ăn hay chai nước mắm,...“Tuy không nhiều nhặn gì, song mình hy vọng có thể hỗ trợ họ phần nào trong lúc nguy nan”, anh trải lòng.
Cứ chiều muộn, anh Nguyễn Văn Nam lại rong ruổi trên chiếc xe đạp nhặt ve chai |
Không chỉ thu lượm ve chai, chàng trai xã đảo Thanh Hóa còn nhiều lần bỏ tiền túi giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Dịp Trung thu vừa qua, anh còn kỳ công tổ chức phá cỗ Rằm Trung thu cho đám trẻ nghèo nơi làng biển xứ Thanh.
Hiện tại, anh Nam đang thuê cửa hàng bán tranh ảnh ở xã Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa). Thu nhập mỗi tháng cũng không đều đặn, dù vậy anh vẫn sẵn lòng đặt bình nước sạch miễn phí trước cửa hàng với dòng chữ: Nhận đổi nước miễn phí cho các hoàn cảnh khó khăn!.
Một hoàn cảnh khó khăn được anh Nam giúp đỡ từ tiền bán ve chai |
Là một trong những hoàn cảnh từng nhiều lần nhận được sự giúp đỡ từ anh Nam, chị Hoàng Thị Thanh (xã Ngư Lộc) không khỏi xúc động. Chị Thanh có chồng và con gái mắc bệnh tâm thần, cậu con trai út đang tuổi học hành, trong khi bố mẹ chồng già yếu. Tuy nhiên, mọi chi tiêu hoạt, chi phí học hành của con chỉ phụ thuộc vào công việc bện dây cói thuê.
“Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi, anh Nam thường xuyên hỗ trợ, khi thì tiền mặt, lúc thì thùng sữa, quần áo hoặc gạo ăn,... Mới đây, anh còn kêu gọi nhà hảo tâm tặng cho con trai tôi chiếc bàn học bài”, người phụ nữ chia sẻ.
Chỉ một chút nhỏ nhoi, miễn là biết sẻ chia...
Được trợ cấp an sinh xã hội chừng nào là quý chừng đó. Một miếng giữa đàng bằng một sàng trong bếp. Một miếng khi đói bằng một gói khi no.