Chất vấn Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp Thường vụ Quốc hội.

Theo kế hoạch, hôm nay (16-3), tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ trả lời chất vấn một số nội dung gồm: Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua. Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Chiều 16-3, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực TN-MT. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Nội dung chất vấn, trả lời chất vấn sẽ tập trung vào các nội dung: Việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này. 

Trước phiên chất vấn, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu rõ tình hình sản xuất, cung ứng, nhập khẩu xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua. Trong đó, nhấn mạnh các khó khăn đang gặp phải khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất do gặp khó khăn về tài chính.

Theo Bộ Công Thương, hiện Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của nhà máy. 

Bộ đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và thống nhất trước mắt, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý II/2022 cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Bộ Công Thương đã giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước nhằm bảo đảm đủ xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa trong quý II/2022.

Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN nhanh chóng khắc phục sự cố của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và cam kết có kế hoạch cung ứng xăng dầu ổn định từ nguồn sản xuất trong nước cho thị trường để phục vụ công tác điều hành của Chính phủ và Bộ Công Thương.

PVN cần làm việc cụ thể với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn về kế hoạch sản xuất để công bố rõ kế hoạch cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước theo từng tháng, hỗ trợ các thương nhân đầu mối có kế hoạch đặt mua hàng từ nguồn nhập khẩu sớm, bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường trong nước thời gian tới.

Thanh Mai