Châu Âu đang 'thức tỉnh' trong cuộc chiến chất bán dẫn toàn cầu?

Trong những năm gần đây, cuộc chiến chất bán dẫn là sân chơi của Mỹ và Trung Quốc trong khi "dấu ấn" của châu Âu trong cuộc chiến này là rất ít. Tuy nhiên, khi cuộc chiến lên đến đỉnh điểm do nguồn cung bị hạn chế do COVID -19 và các chính sách liên quan đến công nghệ được Mỹ đưa ra khiến châu Âu bừng tỉnh.

Kể từ khi Washington bắt đầu thực hiện việc cung cấp các ưu đãi trị giá hàng tỷ USD cho các công ty công nghệ cao chuyển đến nước này thì châu Âu rơi vào tình trạng hoảng loạn.

Hầu như không có tuần nào trôi qua mà không có báo cáo về kế hoạch xây dựng một nhà máy bán dẫn mới ở Mỹ hoặc châu Âu.

Ở Đức, công ty sản xuất chất bán dẫn Infineon muốn xây dựng một dây chuyền sản xuất ở Dresden và nhà sản xuất chip của Mỹ - Intel - cũng muốn xây dựng một nhà máy ở Magdeburg. Và, có một thông tin được đưa ra là TSMC, một công ty sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) - cũng đang xem xét xây dựng một nhà máy ở Đức.

Châu Âu 'bừng tỉnh' trong cuộc chiến chất bán dẫn toàn cầu? - Ảnh 1.

Việc xây dựng nhà máy sản xuất chip mới của Intel tại Magdeburg dự kiến sẽ bắt đầu vào nửa đầu năm 2023, với việc sản xuất sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2027. Ảnh: Tập đoàn Intel.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lôi kéo thành công công ty TSMC của Đài Loan và Samsung từ Hàn Quốc đến Mỹ, nơi mà những công ty này đang xây dựng các nhà máy sản xuất chip trị giá hàng tỷ USD.

Trợ cấp cho các công ty công nghệ chính là chìa khóa và đó chính là đạo luật giảm lạm phát trị giá 370 tỷ USD mà chính quyền của TT Biden đưa ra mới đây.

Ngoài ra, Đạo luật Khoa học và Chips với tổng kinh phí hỗ trợ cho các công ty công nghệ trị giá 280 tỷ USD cũng góp phần tăng cường sức mạnh cho Mỹ trong lĩnh vực chất bán dẫn, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, đồng thời tạo ra các trung tâm công nghệ cao trong khu vực.

Liệu các công ty công nghệ của EU có thể chống lại sức hấp dẫn từ các khoản trợ cấp của chính phủ Mỹ trong thời gian dài? Liệu Đạo luật Chips của EU, được cho là sẽ phục vụ mục đích tương tự với khoảng 43 tỷ euro, có đủ không? Với hàng tỷ USD đó, thị phần sản xuất chip toàn cầu của châu Âu được cho là sẽ tăng gấp đôi, lên 20% vào năm 2030.

Andreas Gerstenmayer, người đứng đầu tập đoàn công nghệ AT&S của Áo, nói với tờ Handelsblatt vào cuối tháng 11 rằng: "Châu Âu là nhà vô địch thế giới về nói nhưng không giỏi thực hiện. Số tiền này quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt trên quy mô toàn cầu".

Châu Âu có lịch sử sản xuất chip lâu đời

Hiện đã có một nỗi sợ hãi ở châu Âu rằng, các công ty quan trọng sẽ rời khỏi lục địa già để chuyển đến Mỹ.

Đó là nỗi sợ được chia sẻ bởi Marcus Gloger, một chuyên gia trong bộ phận chiến lược của công ty tư vấn PwC. Ông cho rằng, việc châu Âu chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng chip toàn cầu là do lục địa này không khai thác được "kiến thức quan trọng và lực lượng lao động được đào tạo tốt".

Châu Âu 'bừng tỉnh' trong cuộc chiến chất bán dẫn toàn cầu? - Ảnh 2.

Silicon Saxony là một trong những cụm vi mạch lớn nhất châu Âu, với nhà máy mới của Infineon là vụ mua lại mới nhất của họ. Ảnh: Infineon.

"Điều đó hoàn toàn bị đánh giá thấp. Bạn có thể có các nhà máy ở bất cứ đâu nhưng bạn cần những người được đào tạo cho những công việc này", Gloger nói và thêm rằng "châu Âu có lịch sử lâu đời về chất bán dẫn, bạn có thể tìm đến một số trung tâm, nơi mọi người đã được đào tạo trong lĩnh vực này bạn sẽ thấy điều đó".

Một trong những nơi này là Trung tâm vi điện tử liên trường đại học ở Leuven (Bỉ), nơi mà ngay cả các đối thủ công nghệ lớn cũng đến đây để tiến hành các cuộc nghiên cứu chung.

Ngoài ra, còn có các cụm sản xuất chất bán dẫn khác như khu vực xung quanh Munich (Đức), khu vực được gọi là Silicon Saxony gần Dresden (Đức) và thị trấn đại học Grenoble của Pháp.

Châu Âu không chỉ có Đạo luật về Chips mà còn có Quỹ Phục hồi châu Âu, quỹ này đã đặt ra mục tiêu giống như Đạo luật giảm lạm phát ở Mỹ. Toàn bộ quỹ của châu Âu - trị giá khoảng 1,9 nghìn tỷ euro - sẽ khả dụng cho đến năm 2030.

Chính các quan chức và chuyên gia hàng đầu trong Ủy ban châu Âu (EU) đã vận động để châu Âu tham gia nhiều hơn vào việc sản xuất chip cao cấp và siêu máy tính.

Gloger cho biết, đối với các quan chức châu Âu, việc đảm bảo chủ quyền kỹ thuật số quan trọng hơn việc đảm bảo chuỗi cung ứng. Bởi vì càng có nhiều tiến bộ kỹ thuật số trong lĩnh vực Internet vạn vật (IoT) hoặc số hóa nhà nước và xã hội thông qua trí tuệ nhân tạo (AI), thì chủ quyền công nghệ càng được đảm bảo.

Hai trong số bốn siêu máy tính mạnh nhất trên thế giới đã có ở châu Âu - ở Bologna, Ý và ở Phần Lan. Và đến năm 2024, siêu máy tính exascale đầu tiên của Đức sẽ hoạt động ở Jülich. Với hơn 1.000 petaflop, siêu máy tính có tên JUPITER sẽ có sức mạnh tính toán của hơn năm triệu máy tính xách tay hiện đại. Các siêu máy tính exascale khác sẽ được lắp đặt ở Munich và Stuttgart.

Tiền là điều kiện cần nhưng chưa đủ? 

Theo Gloger, việc chi tiền cho các công ty xây dựng các nhà máy ỏ châu Âu chưa chắc là giải pháp hiệu quả. "Cần cả một hệ sinh thái. Chỉ xây dựng một nhà máy sản xuất chip là không đủ. Cần có vật liệu và nghiên cứu, và cả một mạng lưới các công ty", ông nói thêm.

Trong Big Tech, mặc dù các chuyên gia có tay nghề cao được trả mức lương ít so với ở châu Âu và Trung Quốc nhưng Mỹ vẫn giữ chân được các chuyên gia này vì họ có "các điều kiện khung phù hợp và đó là chìa khóa để có thể giữ chân những người này", Gloger nói thêm.

"Khi những chuyên gia hàng đầu này chuyển đến một quốc gia hoặc lục địa khác với gia đình của họ, điều quan trọng là họ phải biết rằng ngoài công việc ở công ty, họ còn cần những thức khác liên quan đến cuộc sống", Gloger nói và thêm rằng khía cạnh này thường "không được coi trọng đầy đủ".

Cũng theo Gloger, việc cụm bao gồm nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn cũng quan trọng và đây là lĩnh vực mà châu Âu vẫn đang dẫn đầu.

Ví dụ, ở Đức, các nhà nghiên cứu từ Viện Fraunhofer và Max Plank đã tạo ra tốc độ phát triển của công nghiệp 4.0, trong khi Viện Leibniz và Viện Ferdinand Braun cũng là những nơi xuất sắc về khoa học, ông nói.

Về cụm nghiên cứu- sản xuất, nước Đức cũng đã có một số thành quả nhất định.

Cụ thể là Silicon Saxony, một cụm sản xuất vi mạch xung quanh Dresden, có khoảng 200 công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chất bán dẫn. Đối với các nhà cung cấp, cơ sở hạ tầng này có nghĩa là họ có thể nhận được sự hỗ trợ hậu cần trong vài phút thay vì vài ngày. Sự trợ giúp này là rất cần thiết, vì sự chậm trễ tại một nhà máy sản xuất bán dẫn có thể khiến công ty thiệt hại hàng chục triệu euro.

Châu Âu có nhân tài, có các nghiên cứu tiên tiến và các cụm sản xuất hàng đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn. Ngoài ra, châu Âu còn có các nhà cung cấp như ASML ở Hà Lan, tập đoàn quang học công nghiệp Zeiss hay như Trumpf, công ty chuyên về laser công nghiệp cũng như các nhà sản xuất khí công nghiệp và công nghệ phòng sạch.

"Điều còn thiếu là tốc độ thực hiện. Châu Âu phải dũng cảm hơn và kiên quyết hơn trong các quyết định của mình. Tôi nghĩ rằng cả chính phủ và ngành công nghiệp Đức chắc chắn có thể đạt được điều đó", Gloger kết luận.

(Nguồn: DW)

N.MINH