Chi hội Nữ trí thức Khoa Sinh học, Đại học Sư Phạm Hà Nội tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2024-2029 |
GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam tham dự Hội nghị và phát biểu chỉ đạo.
Tại đại hội, các đại biểu đã nghe TS. Lê Thị Tuyết, Trưởng bộ môn Sinh lý người và động vật, Chi hội trưởng báo cáo tổng kết hoạt động của Chi hội nhiệm kỳ 2019-2024 và Phương hướng nhiệm kỳ 2024-2029.
GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam tham dự Hội nghị và phát biểu chỉ đạo. |
TS. Lê Thị Tuyết, Trưởng bộ môn Sinh lý người và động vật, Chi hội trưởng báo cáo tổng kết hoạt động của Chi hội nhiệm kỳ 2019-2024 và Phương hướng nhiệm kỳ 2024-2029. |
Được thành lập ngày 23/02/2012, Chi hội Nữ trí thức Khoa sinh học là Chi hội Nữ trí thức đầu tiên của trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Trong số 21 hội viên, có 6 hội viên là phó giáo sư, 12 tiến sĩ và 3 thạc sĩ.
Với đặc thù là Trường Đại học Sư phạm trọng điểm đào tạo giáo viên, các hội viên trong Chi hội tích cực tham gia nhiều hoạt động chuyên môn góp phần quan trọng trong công tác đào tạo của Khoa và Trường. Bên cạnh công tác giảng dạy chuyên môn, hướng dẫn thực hành, hướng dẫn nghiệp vụ sư phạm và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, nhiều hội viên tham gia viết sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo cho chương trình phổ thông đổi mới; tham gia công tác ra đề, chấm thi học sinh giỏi quốc gia, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Sinh học quốc tế.
Trong 5 năm vừa qua, các hội viên đã công bố hơn 150 bài báo tiếng Việt, khoảng 60 bài báo tiếng Anh kể cả bài báo quốc tế và nhiều bài báo trên Kỷ yếu Hội thảo. Các hội viên chủ trì 01 đề tài NAFOSTED, 01 đề tài cấp Bộ Công thương, 03 đề tài cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số đề tài cấp cơ sở… và tham gia nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp liên quan đến lĩnh vực Sinh học và khoa học giáo dục. Bên cạnh dó, nhiều hội viên tham gia hợp tác nghiên cứu các đề tài, dự án liên môn, liên ngành với các đơn vị trong trường và ngoài trường. Nhiều đề tài đã nghiệm thu đạt loại xuất sắc.
Tại triển lãm “Tài sản trí tuệ và Kết quả đổi mới sáng tạo của nữ trí thức Việt Nam” (Women innovation and IP exhibition) do Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học - công nghệ, ngày 21 và 22/4/2023, Chi hội Nữ trí thức khoa Sinh học đã tham gia giới thiệu 03 sản phẩm (Sữa đậu nành dễ tiêu, Nước uống tía tô và Trà đông trùng hạ thảo). Sản phẩm nước uống tía tô cũng được nghiên cứu phát triển thêm để hình thành dòng sản phẩm mới (Nước uống tía tô cỏ ngọt).
Hội viên Lê Thị Tươi và Nguyễn Thị Bích Huyền đã được bằng khen của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam với danh hiệu nữ nghiên cứu khoa học trẻ có thành tích xuất sắc năm 2022-2023.
Chi hội đã tổ chức một số hoạt động seminar khoa học như: Chế độ dinh dưỡng trẻ em và mối liên quan đến các bệnh chuyển hóa, Sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, Sử dụng phần mềm thống kê trong nghiên cứu khoa học… với các chuyên gia trong khoa và từ các đơn vị nghiên cứu khác đến báo cáo. Với những chủ đề thiết thực và bổ ích như vậy, các hội viên đã tham gia và trao đổi tích cực trong các seminar.
Một số thành viên trong Chi hội duy trì hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và giảng dạy như với Đại học Tổng hợp Nữ Nara, Nhật Bản, Đại học Tổng hợp Lund, Thuỵ Điển…
TS. Trần Khánh Vân, Trưởng bộ môn Sinh lý thực vật và ứng dụng, Phó chủ nhiệm Công đoàn Khoa Sinh học mong muốn các Hội viên nhiệt tình hơn nữa trong việc tham gia công tác Chi Hội. |
Trong quá trình hoạt động, Chi hội cũng gặp phải một số khó khăn. Trước hết, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp chủ yếu do hội viên đóng góp, chưa huy động được nguồn hỗ trợ khác từ tập thể và cá nhân. Mặc dù BCH và các hội viên đều nhiệt tình và mong muốn tham gia các hoạt động của Chi hội và Hội NTT nhưng do điều kiện công việc và gia đình nên một số hội viên còn chưa tham gia đầy đủ các hoạt động. Do số lượng hội viên ít việc huy động hội viên tham gia các hoạt động chung của Hội NTT Việt Nam còn gặp ít nhiều khó khăn. BCH Chi hội gồm các thành viên thuộc các Bộ môn khác nhau vừa tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý nên chưa dành nhiều được nhiều thời gian cho hoạt động của Chi hội. Tuy nhiên, BCH cũng luôn cố gắng tích cực thông tin về các hoạt động của Hội NTT, tham gia các hoạt động, động viên các hội viên tham gia các hoạt động của Hội và Chi hội.
TS. Điêu Thị Mai Hoa, Chủ tịch Công đoàn Khoa Sinh học đề xuất thay đổi nội dung các buổi sinh hoạt, tăng cường các nội dung thiết thực, gần gũi có tính chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nuôi dạy con cái, giữ "lửa" trong gia đình. Theo TS.Điêu Thị Mai Hoa, khi những việc tưởng chừng nhỏ tạo ra niềm vui sẽ tạo ra động lực để mọi người nhiệt huyết tham gia làm tốt những việc lớn hơn. |
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được và những tồn tại cần được khắc phục, Chi hội đã xây dựng phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2024-2029. Theo đó, thông qua các hoạt động như tổ chức seminar, hội thảo, hội nghị, Chi hội sẽ tuyên truyền rộng rãi các hoạt động của Hội Nữ trí thức Việt Nam và cập nhật các hoạt động của Hội Nữ trí thức Việt Nam tới các thành viên của chi hội; tuyên truyền về tổ chức và các hoạt động của Chi hội, tăng cường vận động các nữ trí thức trong khoa cùng tích cực tham gia hoạt động của Chi hội; tuyên truyền các gương điển hình về nữ trí thức, những đóng góp, cống hiến của họ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nhằm khích lệ nữ trí thức toàn khoa phấn đấu trong đào tạo và nghiên cứu khoa học đạt được kết quả cao tiến tới nhận được các giải thưởng cao của Phụ nữ.
PGS Trần Thị Thanh Huyền, Phó chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội mong muốn lan tỏa kết quả hoạt động của Chi hội Nữ trí thức khoa Sinh học, đồng thời tuyên truyền mạnh mẽ hoạt động của Hội nữ trí thức VIệt Nam, quyền lợi của hội viên khi tham gia Chi Hội để mọi người tích cực tham gia. |
Về công tác đào tạo và bồi dưỡng, bên cạnh việc tham gia đầy đủ các hoạt động giảng dạy cho sinh viên theo phân công của Khoa và Trường, các hội viên chủ động tham gia các hoạt động hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng giáo viên chuyên trong giảng dạy chuyên môn lý thuyết và thực hành; tích cực xây dựng hình mẫu giáo viên mẫu mực trong nhà trường.
Về nghiên cứu khoa học, Chi hội động viên khích lệ các hội viên đăng ký hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Tập trung xây dựng đề tài nghiên cứu chung về khoa học giáo dục theo hướng phục vụ đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa phổ thông mới và các hướng đề tài chuyển giao công nghệ.
Về hội nghị, Hội thảo, Chi hội tổ chức các seminar liên quan đến hoạt động chuyên môn để nâng cao năng lực chuyên môn của các thành viên trong chi hội. Tổ chức các buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe, tổ chức gia đình, giáo dục… tạo điều kiện cho các hội viên vừa mở rộng kiến thức, vừa gần gũi, đoàn kết nhau hơn.
PGS.TS Trần Đức Hậu, Phó Khoa Sinh học đánh giá cao đóng góp của các nữ giảng viên Khoa Sinh học trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. |
Về hợp tác quốc tế, Chi hội tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và hoạt động của Hội Nữ trí thức Việt Nam với bạn bè quốc tế; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế mà Hội Nữ Trí thức Việt Nam giao cho.
Sau báo cáo của TS. Lê Thị Tuyết, các hội viên đã đóng góp sôi nổi cho báo cáo cũng như phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2024-2029. Các đóng góp tập trung vào việc đổi mới nội dung sinh hoạt Chi hội theo hướng thiết thực và tăng cường quảng bá, lan tỏa kết quả hoạt động của Chi hội trong Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội cũng như khối các trường Đại học trong khu vực.
TS. Trần Thị Lan Đài kiến nghị cần có quỹ để khen thưởng và hỗ trợ những hội viên, sinh viên có thành tích xuất sắc; hoặc vượt lên khó khăn. |
Phát biểu tại Đại hội, GS.TS Lê Thị Hợp đánh giá cao hoạt động và những đóng góp của Chi hội Nữ trí thức Khoa Sinh học trong 12 năm qua. Đồng tình với nội dung báo cáo cũng như phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ mới, GS.TS Lê Thị Hợp mong muốn Chi hội Nữ trí thức Khoa Sinh học chú trọng phát triển hội viên, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, khuyến khích nhà khoa học trẻ tham gia Chi hội để tạo sức lan tỏa, cộng hưởng với vai trò hạt nhân ở một trường Đại học có 24 Khoa. GS.TS Lê Thị Hợp mong muốn Chi hội Nữ trí thức Khoa Sinh tích cực tham gia các hoạt động của Hội Nữ trí thức Việt Nam, như Hội nghị APNN vào tháng 10 tới và , các hội nghị hội thảo khoa học khác.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ 2024-2029, gồm 3 thành viên là TS. Đào Thị Sen; TS. Lê Thị Tươi và ThS. Tống Thị Mơ.
Lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam tặng hoa chúc mừng Ban chấp hành Chi hội Nữ trí thức Khoa Sinh học nhiệm kỳ 2024-2029. |
BCH nhiệm kỳ 2019-2024 tặng hoa chúc mừng BCH nhiệm kỳ 2024-2029. |
Lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các hội viên Chi hội Nữ trí thức Khoa Sinh học. |
Ra mắt Chi Hội Nữ trí thức tỉnh Khánh Hòa
Sáng 25.5, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã trao Quyết định thành lập và công nhận Chi hội Nữ trí thức tỉnh Khánh Hòa với 127 hội viên.