Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT kiểm tra, rà soát quy định về dạy thêm

Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát, nắm bắt các ý kiến để có điều chỉnh phù hợp.

Ngày 22/01/2025, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 597/VPCP-KGVX gửi các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Giáo dục và Đào tạo về việc xử lý thông tin phản ánh về quy trình tuyển dụng lao động; đăng ký thuốc; chương trình giáo dục phổ thông (trong đó có quy định về dạy thêm, học thêm).

Cuối tháng 12/2024, Bộ GD-ĐT này ban hành Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm. Thông tư có những điểm mới như việc dạy thêm trong trường sẽ không thu tiền, và chỉ dành cho 3 đối tượng, gồm: Học sinh có kết quả chưa đạt ở một môn bất kỳ trong học kỳ liền kề; học sinh được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi lớp 10, thi tốt nghiệp theo kế hoạch của nhà trường. Ngoài ra, giáo viên không được thu tiền dạy thêm với học sinh trên lớp của mình.

Theo Văn phòng Chính phủ, các quy định mới nhận được nhiều sự đồng tình song vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một số ý kiến cho rằng gốc rễ của việc dạy thêm, học thêm chính là chương trình học tập còn nặng, trong khi tâm lý coi trọng bằng cấp của nhiều người còn khá phổ biến. Với chương trình sách giáo khoa mới, kỳ thi tốt nghiệp THPT mới, cách xét tuyển đại học mới, tỉ lệ "chọi" vào các trường đại học uy tín ngày càng khốc liệt.

Về lâu dài, khi chương trình giáo dục không nặng chuyện thi cử, kiểm tra, đánh giá, dạy theo đúng tinh thần phát huy năng lực, phẩm chất của người học thì dạy thêm, học thêm sẽ trả về đúng bản chất xưa kia. Đó là khi học sinh thấy mình thiếu hụt kiến thức gì thì học thêm để bổ sung kiến thức đó hoặc muốn giỏi thêm nữa thì học thêm. 

Còn khi chương trình vẫn nặng về đúng - sai, học chỉ để phục vụ các kỳ thi thì dạy thêm, học thêm sẽ còn biến tướng.

Về nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát, kiểm tra, nắm bắt thông tin báo chí phản ánh về các vấn đề nêu trên để kịp thời có giải pháp xử lý phù hợp theo thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành; báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

T.M