Chính quyền của Tổng thống Biden phản ứng thế nào khi Silicon Valley Bank sụp đổ?

Trong một hành động nhằm khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng của Mỹ, chính quyền của Tổng thống Biden vào hôm Chủ nhật đã ra thông báo đảm bảo rằng, các khách hàng của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) có quyền rút vào tất cả số tiền mà mình đã gửi từ ngày thứ Hai (13/3).

Trong một hành động liên quan, chính phủ đã đóng cửa Ngân hàng Signature, một đối thủ của SVB. Khách hàng của Signature sẽ nhận được một thỏa thuận tương tự, đảm bảo rằng ngay cả những khoản tiền gửi không được bảo hiểm cũng sẽ được trả lại cho họ vào thứ Hai.

Trong một tuyên bố chung vào Chủ nhật, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell và Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Martin J. Gruenberg cho biết FDIC sẽ đảm bảo toàn bộ khách hàng của SVB và Signature sẽ được nhận lại số tiền đã gửi.

Chính quyền của Tổng thống Biden phản ứng thế nào khi Silicon Valley Bank sụp đổ?   - Ảnh 1.

Chính quyền Tổng thống Biden hứa sẽ bảo đảm tiền gửi cho khách hàng của Silicon Valley Bank.

Fed cũng sẽ cấp vốn bổ sung cho các tổ chức tài chính đủ điều kiện để ngăn chặn tình trạng đổ vỡ của các ngân hàng tương tự vào thứ Hai.

"Thứ Hai chắc chắn sẽ là một ngày căng thẳng đối với nhiều người trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng hành động hôm nay giúp giảm đáng kể nguy cơ lây lan thêm", nhà phân tích Thomas Simons và Aneta Markowska của Jefferies cho biết trong một lưu ý gửi khách hàng vào tối Chủ nhật.

Các cơ quan quản lý cho biết những người nộp thuế sẽ không gặp khó khăn gì đối với một trong hai ngân hàng này. Nhưng các cổ đông và người nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp sẽ không chắc chắn được bảo vệ bởi cơ quan quản lý.

"Hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn kiên cường và trên nền tảng vững chắc, phần lớn là nhờ những cải cách được thực hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính [2008] nhằm đảm bảo các biện pháp bảo vệ tốt hơn cho ngành ngân hàng", các nhà quản lý cho biết. "Những cải cách đó kết hợp với các hành động của ngày hôm nay thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo rằng tiền tiết kiệm của người gửi tiền vẫn an toàn", thông báo từ chính phủ Mỹ cho biết

Các nhà quản lý Mỹ đã làm việc suốt cuối tuần về kế hoạch thực hiện sau sự sụp đổ nhanh chóng và choáng váng của SVB vào cuối tuần trước. Các quan chức Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Liên bang và FDIC đã làm việc với chính quyền của TT Biden trong hai ngày qua để phát triển các cơ sở.

Ngoài ra, các quan chức liên bang đã dành cả cuối tuần để thúc đẩy việc bán SVB. FDIC đã mở một cuộc đấu giá vào cuối tuần này bán ngân hàng SVB, Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một cuộc họp ngắn vào Chủ nhật với các nhà lập pháp California, hai nguồn tin quen thuộc nói với CNN.

Bằng cách đảm bảo các khoản tiền gửi, chính phủ Mỹ đang cố gắng tránh hai kịch bản rủi ro tiềm tàng từ sự sụp đổ của ngân hàng SVB vì nó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Các ngân hàng khác có hồ sơ tương tự như SVB và Signature có thể bị phá sản tiếp theo nếu khách hàng mất niềm tin. Và các công ty công nghệ gửi tiền mặt cho SVB có thể sụp đổ nếu họ không thể trả lương cho nhân viên hoặc càn tiền cho hoạt động của mình.

Tính đến cuối năm ngoái, SVB cho biết họ có 151,5 tỷ USD tiền gửi không được bảo hiểm, trong đó 137,6 tỷ USD được gửi bởi các khách hàng Mỹ. Khách hàng đã rút 42 tỷ USD từ SVB vào thứ Năm, khiến ngân hàng có số dư tiền mặt âm 1 tỷ USD.

Bà Yellen cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CBS Sunday rằng gói cứu trợ dành cho SVB không được xem xét.

"Tôi xin nói rõ rằng trong cuộc khủng hoảng tài chính, có những nhà đầu tư và chủ sở hữu của các ngân hàng lớn có hệ thống đã được cứu trợ… và những cải cách đã được thực hiện có nghĩa là chúng tôi sẽ không lặp lại điều đó nữa", bà Yellen nói với CBS . "Nhưng chúng tôi quan tâm đến người gửi tiền và tập trung vào việc cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ".

(CNN)

PV