Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nêu 5 đề xuất vào dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đề xuất nhiều nội dung quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật.

Thảo luận tại nghị trường chiều 14/6 về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đề xuất nhiều nội dung quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật. Báo PNVN trân trọng đăng toàn văn nội dung thảo luận này.

  Đại biểu Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, phát biểu tại nghị trường. Ảnh quochoi.vn

Đại biểu Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, phát biểu tại nghị trường. Ảnh quochoi.vn

Kính thưa Chủ tọa Kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 sau gần 15 năm thực hiện đã có những tác động hết sức tích cực. Nhận thức của xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình đã được nâng lên và đã có nhiều vụ việc bạo lực gia đình được phát hiện và xử lý nghiêm minh và cũng đã có không ít những địa phương trong cả nước số vụ việc bạo lực gia đình đã giảm qua các năm.

Tuy nhiên, tôi rất đồng tình với các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước tôi, trên thực tế thì bạo lực gia đình vẫn là một vấn nạn nhức nhối, đúng như nhận định trong Tờ trình số 100 của Chính phủ, đó là vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn, đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình.

Bạo lực gia đình cũng là nguyên nhân chính của trên 76% số vụ ly hôn trong 10 năm qua, đặc biệt trong hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19 thì số vụ việc bạo lực gia đình có xu hướng tăng lên với mức độ nghiêm trọng hơn và là nguyên nhân sâu xa dẫn đến một số vụ án mạng xảy ra trong thời gian gần đây. Nạn nhân của bạo lực gia đình đa số rơi vào nhóm đối tượng là phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em.

Tôi biểu thị sự đồng tình với nội dung Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành. Tôi cũng đánh giá cao và cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo sửa đổi luật đã được xây dựng hết sức công phu, có tính kế thừa. Trong phần chuẩn bị nội dung phát biểu của tôi cũng có một số những nội dung đã trùng với các nội dung mà các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu với những phân tích hết sức sâu sắc. Để tiếp tục đóng góp hoàn thiện dự thảo luật, tôi xin được tham gia thêm một số ý kiến ngắn như sau:

Thứ nhất, chúng tôi xin được trân trọng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo tính bao quát của các hành vi bạo lực gia đình theo các dạng bạo lực về thể chất, về tinh thần, về tình dục, kinh tế và bổ sung thêm các hành vi như cưỡng ép hoặc ngăn cản việc sử dụng các biện pháp tránh thai trái ý muốn hay cưỡng ép sinh đẻ sớm, sinh đẻ nhiều, cưỡng ép mang thai hộ trái luật hoặc các hành vi gián tiếp như bao che, dung túng, cổ vũ hành vi bạo lực gia đình. Đồng thời, chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát và xác định rõ hơn nhằm đảm bảo sự tương xứng giữa hành vi bạo lực gia đình với các biện pháp xử lý được quy định trong luật.

Ngoài ra, tôi đồng tình với một số ý kiến đã phát biểu trước tôi, đó là chúng ta không nên bỏ sót các trường hợp bạo lực gia đình, đặc biệt là đối với con riêng của vợ, chồng hoặc những người đang chung sống với nhau như vợ chồng. Kinh nghiệm quốc tế thì luật mẫu về bạo lực gia đình của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc khuyến khích các quốc gia xác định mối quan hệ nảy sinh bạo lực gia đình càng rộng càng tốt. Vì vậy, xin đề nghị tại khoản 2 Điều 4 dự thảo của luật bổ sung thành viên gia đình của người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ, chồng cũng là đối tượng áp dụng quy định nếu có hành vi bạo lực gia đình. Nếu như chúng ta chỉ quy định như dự thảo luật thì dường như chưa bao gồm những đối tượng này.

Thứ hai, cần nghiên cứu để đưa người gây bạo lực, cũng là đối tượng của tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong phòng, chống bạo lực gia đình. Nếu luật chỉ quy định về xử phạt vi phạm cấm tiếp xúc mà chưa coi người có hành vi bạo lực gia đình là đối tượng cần được trợ giúp tư vấn thì khó có thể giải quyết được gốc rễ vấn đề và như vậy hành vi bạo lực gia đình sẽ có nguy cơ tái diễn trong thực tế. Đồng thời, chúng tôi cũng trân trọng đề nghị chúng ta cần phải quan tâm để đa dạng hóa các hình thức tư vấn phù hợp với tình hình thực tế. Theo Điều 17, 18, 19 của dự thảo, hiện chúng ta có 2 hình thức tư vấn, đó là tư vấn ở cộng đồng và tư vấn tại cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm trợ giúp pháp lý, cơ sở phòng, chống bạo lực gia đình, trong khi chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số. Bởi vậy, cần nghiên cứu để chúng ta bổ sung các hình thức tư vấn gián tiếp như là tư vấn qua điện thoại, qua thư điện tử để góp phần gia tăng hiệu quả của công tác tư vấn.

Thứ ba, để luật thực thi một cách có hiệu quả, khắc phục những hạn chế trong thời gian qua, bên cạnh việc Quốc hội bổ sung, hoàn thiện các quy định của luật, tôi xin trân trọng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Qua nắm tình hình thực tế, chúng tôi cũng thấy còn không ít những địa phương chưa thật sự có sự quan tâm, đầu tư một cách thỏa đáng đến lĩnh vực gia đình và điều này cũng đã được nêu trong đánh giá báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trong khi đó, có những địa phương đã rất chủ động trong công tác này. Tiêu biểu như là thành phố Đà Nẵng, từ Chỉ thị số 25/2009 của Thành ủy về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn của thành phố Đà Nẵng, các địa phương đã có rất nhiều những mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả và góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân. Do đó, ở địa phương này số vụ việc bạo lực gia đình đã giảm mạnh qua các năm, năm 2009 thì có 334 vụ, năm 2019 có 117 vụ và đến năm 2021 chỉ còn 96 vụ.

Tiếp theo, chúng tôi trân trọng đề nghị tiếp tục quan tâm để nâng cao chất lượng, hiệu quả của địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, bổ sung cho người vận hành địa chỉ tin cậy ở cộng đồng các quyền liên quan đến quyền được đào tạo, bồi dưỡng, được bảo vệ như người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Cuối cùng, chúng tôi xin được trân trọng đề nghị Chính phủ nghiên cứu và nhân rộng mô hình cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, nhà tạm lánh ở các địa phương. Từ kết quả thí điểm mô hình nhà tạm lánh của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với tên gọi là Nhà bình yên, mô hình này đang thực hiện hỗ trợ nạn nhân về nơi ở, về đời sống, về tâm lý, về pháp lý và đem lại hiệu quả rất thiết thực trong việc hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Sau 15 năm hoạt động của mô hình này đã đem lại hiệu quả rất tích cực. Chúng tôi rất hy vọng sẽ được nhân rộng mô hình này trong thời gian sắp tới.

Với những điểm mới so với luật hiện hành, với sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan bộ, ngành, trung ương và địa phương, chúng tôi tin tưởng vấn nạn bạo lực gia đình sẽ được thuyên giảm trong thời gian tới.

PV/Theo Phụ nữ Việt Nam