Toạ đàm “Thuận lợi và thách thức đối với doanh nghiệp nữ trong thời đại số” được tổ chức vào chiều 25/11 tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo nữ doanh nhân và các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Các chuyên gia về thương mại điện tử thảo luận về thuận lợi và thách thức đối với doanh nghiệp nữ trong thời đại số |
Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường châu Âu thông qua nền tảng thương mại điện tử dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Chương trình SheTrades (Trung tâm Thương mại quốc tế) và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tổ chức.
Dự án không chỉ tăng cường năng lực xuất khẩu mà còn tạo ra mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan; thể hiện cam kết tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia và phù hợp với mục tiêu nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Dự án hướng tới mục tiêu tạo ra những cơ hội hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thúc đẩy sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp nữ, hợp tác xã có phụ nữ quản lý, hướng tới thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, mục tiêu bình đẳng giới.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn Thành Dương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm INTEC, Cục Xúc tiến thương mại, nhấn mạnh những thách thức to lớn mà doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đang phải đối mặt trong thời đại số. Sự thay đổi chóng mặt của mô hình kinh doanh, xu hướng tiêu dùng đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục thích ứng. Ông dẫn chứng việc các chợ truyền thống đang gặp khó khăn do sự cạnh tranh từ các nền tảng thương mại điện tử và sự bùng nổ của bán hàng online trên các mạng xã hội như TikTok với 3 triệu nhà bán hàng mới.
Tuy nhiên, thời đại số cũng mở ra cơ hội phát triển chưa từng có cho thương mại điện tử. Bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing Alibaba.com Việt Nam, cho biết "83% người tiêu dùng Mỹ mua hàng qua thương mại điện tử, cho thấy đây là xu hướng tất yếu”. Tại Việt Nam, tính đến tháng 2/2024, Việt Nam có 78,8 triệu người sử dụng internet. Tỷ lệ người mua hàng trực tuyến tại Việt Nam rất cao, tương đương với các nước phát triển. Dự báo doanh thu ngoại thương từ thương mại điện tử của Việt Nam sẽ tăng mạnh trong giai đoạn tới.
Tọa đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo nữ doanh nhân và các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử tham dự |
Bà Phương Uyên cũng cho rằng, thương mại điện tử được xem là giải pháp tối ưu cho nữ doanh nhân, giúp họ cân bằng giữa công việc kinh doanh và gia đình. "Tất cả các giao dịch đều có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi", bà Uyên nhấn mạnh.
Ông Phạm Quốc Tùng, Quản lý Quan hệ đối tác Worldfirst Việt Nam, đề cập đến tầm quan trọng của tài chính toàn diện, tài chính bao trùm đối với sự thành công của các nữ doanh nhân. Ông cho rằng việc tìm kiếm đối tác thanh toán số nhanh chóng, phù hợp là yếu tố then chốt trong hoạt động xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bà Trần Thị Huyền, Giám đốc Công ty Simple Decor, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang ứng dụng công nghệ số. Bằng cách đẩy mạnh marketing trên các nền tảng số, tạo ra nội dung số hấp dẫn, và đưa quy trình sản xuất lên môi trường trực tuyến, Simple Decor đã tiếp cận trực tiếp với khách hàng hiệu quả hơn. Việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử quốc tế như Alibaba và Amazon đã giúp doanh nghiệp nhanh chóng mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Pim W.M.Kieskamp, Cố vấn cấp cao, Cơ quan phát triển và Doanh nghiệp Hà Lan phát biểu kết thúc Tọa đàm |
Toạ đàm cũng kêu gọi sự quan tâm và hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nữ, giúp họ tận dụng hiệu quả cơ hội từ thương mại điện tử và hội nhập quốc tế.
Alibaba dẫn đầu về thương mại điện tử cho các nhãn hàng xa xỉ
Tmall Luxury Pavilion của Alibaba là nền tảng thương mại điện tử đầu tiên hợp tác với các tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, bao gồm LVMH, Richemont và Kering.