Sau kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm, giây phút nhận được giấy báo trúng tuyển luôn là thời khắc mà mỗi học sinh và gia đình mong chờ. Tin vui này có nghĩa là sự chăm chỉ và nỗ lực của các cô cậu 18, đôi mươi đã được đền đáp và các em sẽ bước vào một giai đoạn cuộc đời hoàn toàn mới.
Tất nhiên, sẽ có một số học sinh không đạt được điểm số như mong muốn, không vào được ngành học hay ngôi trường mơ ước. Trong hoàn cảnh này, dù có thể thất vọng nhưng cả học sinh và gia đình đều cần dũng cảm đối mặt và hoạch định lại con đường tương lai một cách hợp lý. Bên cạnh đó, ở một số gia đình, ngay cả khi đó là giấy báo nhập học trong mơ thì vẫn có những trường trường hợp cha mẹ thực sự không quan tâm.
Gần đây, một cô gái ẩn danh ở Trung Quốc đã chia sẻ câu chuyện buồn của mình lên mạng xã hội, thu hút nhiều bình luận của mọi người. Nữ sinh cho biết mình vừa nhận được giấy báo nhập học của ĐH Bắc Kinh (hay còn gọi là Bắc Đại) - ngôi trường số 1 toàn Trung Quốc sau bao nỗ lực, mồ hôi và nước mắt. Tuy nhiên, niềm vui của cô không hề trọn vẹn khi không ai trong gia đình cô thể hiện sự vui mừng, khen ngợi. Thậm chí mọi người còn tỏ ra chẳng hề đoái hoài gì đến tin tức này.
|
Cha mẹ của nữ sinh vốn từ trước đến nay không quan tâm đến điểm số và việc học của con, cũng không đặt kỳ vọng vào cô. Đối với họ đây không phải câu chuyện quá quan trọng, hoặc coi việc con đỗ Bắc Đại là hiển nhiên. Thế nên mặc dù không quá bất ngờ nhưng cô gái trong câu chuyện không thể không cảm thấy tủi thân.
Sự khích lệ có ý nghĩa thế nào với tâm lý học sinh?
Trong suốt quá trình phát triển từ bé đến lớn, phản ứng của gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ và cảm xúc của mỗi đứa trẻ. Mỗi khi đạt được một thành tích hay như ở câu chuyện phía trên là giấy nhập học từ ngôi trường top đầu, chắc chắn mọi học sinh đều cảm thấy rất vui và tự hào. Họ mong đợi được chia sẻ niềm vui, niềm tự hào và nhận những lời chúc phúc, động viên cần thiết từ gia đình.
Khi nhận lại sự thờ ơ và bỏ mặc của chính người thân, đây là một đòn giáng tâm lý nặng nề đối với các em. Phản ứng của gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tự trọng, sự tự tin của học sinh và có thể khiến các em cảm thấy thất vọng và cô đơn. Việc không được khích lệ hoặc bị chê bai là "con dao" giết chết sự tự tin của trẻ nhỏ. Song song với đó, những bậc cha mẹ như vậy cũng đã tự đẩy con mình ra xa và khó có thể xây dựng mối quan hệ ấm áp với con cái.
Sự khích lệ của cha mẹ rất quan trọng với con cái (Ảnh minh họa) |
Trong trường hợp này, học sinh nên học cách đối mặt với thử thách một cách dũng cảm và tìm kiếm sự hỗ trợ và khuyến khích từ bên ngoài như thầy cô, bạn bè và đặc biệt là từ chính mình. Họ cần giữ niềm tin vào khả năng và giá trị của bản thân, đồng thời không lung lay mục tiêu và niềm tin của mình vì sự thờ ơ của người khác.
Những đứa trẻ không may mắn phải trưởng thành trong gia đình có quan hệ không tốt, bị cha mẹ thờ ơ không quan tâm thì có thể việc đi xa nhà học đại học là một cách giải thoát. Khi rời xa môi trường gia đình vốn đã quen thuộc và đến sống trong môi trường mới, họ có thể có được khoảng không gian riêng để suy nghĩ và phát triển độc lập, thoát khỏi những quan điểm lỗi thời của người khác và hiện thực hóa ước mơ, mục tiêu của mình.
Nguồn: Sohu
Nữ sinh đỗ ĐH Thanh Hoa nhưng bố mẹ nhất quyết không cho nhập học, nguyên nhân làm bùng lên tranh cãi
Dù đỗ vào ngôi trường danh tiếng nhất Trung Quốc, lựa chọn của nữ sinh này lại bị phản đối.