Cơm nắm phố nghèo

Cơm nắm “chùi” đáy nồi kho cá mới khoái làm sao. Mấy vụn giềng giã ngấm mắm mỡ kho cạn nó cứ thơm bừng theo miếng cơm nắm.

Dạo ấy gạo mậu dịch cứng đơ đơ. Nấu nồi gang mà mãi mới chín. Hạt cơm cứ rời ra, khô như ngói, cứng như gỗ. Bà già trẻ con là cứ trệu trạo nhai mãi không xong bát cơm. Mà mâm cơm có đĩa bắp cải xào cà chua với đĩa su hào kho bạc nhạc là sang lắm rồi. Bố mẹ nhìn lũ con chống đũa, quay đi, mắt đỏ hoe.

Nay có tấm thơm tấm dính này. Gạo tấm thổi một mình thì chả thể thành cơm ngon. Nó cứ nát be nát bét ra ấy. Chắc chỉ nấu cháo là ngon. Bố nay cũng về sớm, bảo, nay bố nắm cơm. Trẻ con nghe thế, reo hò ầm ĩ. Thích lắm! Trẻ con ở phố lâu lâu mới được một nắm cơm. Ăn như ăn quà ấy chứ không phải là bữa chính, nhưng ngon miệng vô cùng. Trẻ con đi đâu cả ngày thì sẽ được bố mẹ ông bà nắm cho những nắm cơm mà mang đi ăn trưa cho an toàn thực phẩm. Người lớn cứ bảo đồ ăn ngoài hàng bẩn lắm, dễ bị đau bụng, “Tào Tháo đuổi”. Nhưng thực chất là do cái Nghèo. Tiền ăn gia đình còn chẳng đủ nữa thì tiền đâu cho con cái ăn quà.

Cơm nắm phố nghèo

Vẫn còn nhớ hồi bé có một lần trường tổ chức cho học sinh đi tham quan đền Hùng. Trước đó mấy ngày, thầy chủ nhiệm dặn mỗi đứa học trò nộp một bơ bò gạo, là để nắm cơm cho lớp mang đi ăn trưa đấy. Những bơ bò gạo đó sẽ được chia đều về các tổ. Phụ huynh các tổ của lớp sẽ tổ chức nắm cơm tối hôm trước ngày đi tham quan. Các cô các mẹ lại tíu tít ngâm gạo từ sáng. Gạo mậu dịch cứng như thế nên phải ngâm rồi thổi cơm mới làm cơm nắm được.

Lúc cơm chín là lúc vui nhất. Bọn trẻ con sẽ tụ tập quẩn chân các mẹ các bà từ lúc đó cho đến khi những nồi cơm được nắm hết. Là chờ để được cậy cháy nồi gang thôi. Mấy đứa chia nhau tảng cháy rồi chạy xuống bếp tìm xem còn cái nồi thịt kho nào hết mà chấm mà vét. Giữa những năm dài cứ về đến nhà là chỉ thấy bố mẹ cắm mặt vào nghề phụ gì đó lại có những ngày vui như vậy. Nghĩ lại, đến phục ông thầy. Ông thầy đã cho bọn trẻ con được vui với các bố các mẹ một buổi quý hơn vàng. Ngày mai được đi tham quan nữa. Hào hứng, hồi hộp đến mất ngủ luôn.

Đền Hùng đây rồi. Các lớp xếp hàng tập trung ngay ngắn. Cũng trống Đội, cũng chào cờ rất thiêng liêng. Thầy hiệu trưởng phát biểu nói ý nghĩa của cuộc tham quan, ý nghĩa của di tích lại không quên nhắc đến câu nói nổi tiếng của Hồ Chủ tịch. Gì mà các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước ấy. Lũ trẻ được đưa đi thắp hương hết những giếng Ngọc, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng. Nói chung lũ trẻ phố được leo núi là thích lắm rồi. Chả nhớ gì. Nhớ mỗi cái giếng Ngọc vì lấp loáng dưới đáy nước trong vắt có rất nhiều tiền xu, từ những đồng tiền còn từ thời phong kiến đến 2 xu, 5 xu, 1 hào…

Trưa. Lũ trẻ trải vải nilon áo mưa dưới tán rừng chò chỉ ngồi mở cơm nắm ra ăn. Bữa đó không phải ăn cơm nắm không. Mẹ một đứa ở lớp người Nam Định đã làm cho lớp hai cân muối lạc quê. Bà nội thằng nhà bên chợ Hòe Nhai lại làm Mạnh Thường Quân đài thọ cho cả lớp một cân ruốc thịt nữa mới sướng. Thầy đổ túi ruốc ra tờ báo, chia thật đều cho các tổ. Chúng mà tha hồ mà chí chóe chia ăn. Vui không thể tả được.

Thỉnh thoảng một quả chò lại rơi xuống, xoay như chong chóng, thích mê. Định lao ra nhặt thì một đứa trẻ địa phương đã vồ lấy, bảo là của nó, thích thì phải mua. Tiền đâu ra mà mua?! Nó chỉ mấy lát cơm nắm hỏi gì thế? Cơm nắm đấy, thằng bé lấy một miếng chấm thật đẫm muối lạc đưa cho nó. Ngon quá! Cả đời nó chưa được ăn miếng cơm nắm Hà Nội bao giờ. Nó mang cả rổ những quả chò cho lớp bọn trẻ và dạy cách chơi. Những quả chò tung lên và rơi xoay tít. Và đã rơi vào miền ký ức vui buồn một thuở.

Những quả chò tung lên, rơi xoay tít đã rơi vào miền ký ức một thuở.
Những quả chò tung lên, rơi xoay tít đã rơi vào miền ký ức một thuở.

Trở lại bếp với bố nào. Bố vào bếp thì đừng có đứa nào được động vào cái gì, may ra được sai đi rửa nồi, rửa rau. Mấy bơ bò gạo nở phải được vo kỹ và nhặt thật sạch trấu, thóc lép và sạn. Sạn là nỗi ám ảnh của một thế hệ mẻ răng. Nửa bơ bò tấm dẻo cũng được vo sạch và nấu với nước cho nhừ hạt trước. Mùi tấm chín cứ thơm lựng nhà. Bố gọi, ra đây. Trẻ con ùa vào bếp. Bố mức cho mỗi đứa một bát con nước cơm gạo tấm thơm. Là để pha một thìa con đường hoa mai đây mà. Nước cơm pha đường ngon thần tiên luôn ấy. Mẹ thiếu sữa, nhiều đứa sơ sinh đã lớn lên bằng thứ nước cơm huyền thoại ấy.

Nồi tấm đã nhừ hẳn ra như cháo loãng rồi thì bố cho gạo nở vào thổi cơm. Tiếng cơm sôi nồi gang lọc bọc ấm bừng nhà. Sắp chín cơm rồi. Bố hạ nhỏ bếp dầu và ghế cơm với cái đũa cả. Cái đũa cả gõ cạch cạch vào thành nồi cho rơi hạt cơm dính. Vết gõ thành nồi nhiều năm đã thành những lõm sâu trên đôi đũa cả. Ống đũa có đôi đũa cả nhìn thấy vững chãi và yên lòng. Trẻ con lớn lên nhìn đôi đũa cả đã bầm dập vết gõ thành nồi mà nao cả ruột.

Cơm chín rồi. Bố ngả cái thớt nghiến lên cái mẹt rồi lấy khăn lau sạch mặt thớt. Trai phố đều có những chiếc khăn mùi xoa. Để làm đỏm thời thanh niên đi tán gái ấy mà. Bố cũng thế. Nhưng ông có một chiếc khăn mùi xoa thần thánh. Nó to hơn bình thường. Mỗi cạnh phải rộng đến nửa mét ấy. Nó là chiếc khăn chuyên để bổ nắm cơm.

Cái khăn sạch nhưng vẫn được giặt lại lần nữa. Đã vậy còn cho vào ca men rồi dội nước sôi mới yên tâm. Nhón cái khăn ra rồi vắt khô. Trẻ con cười sằng sặc nhìn bố dãy tay vì nóng. Chiếc khăn trải lên mặt thớt vẫn bốc đầy hơi nóng. Nồi cơm bắc ra rế bê ra bên cạnh. Bố ghế cơm lần nữa cho đều lên. Mùi tấm thơm trùm ngập nhà. Độ ba xới đũa cả là vừa một nắm cơm. Bố túm bốn đầu khăn lại rồi quay cho túm cơm xoay vù vù. Trẻ con ồ lên thích thú. Túm cơm được xoắn chặt rồi thì bố bắt đầu day xuống mặt thớt. Vừa day vừa xoay cho nhuyễn đều hạt cơm. Day cho cơm dính chặt vào cơm chứ không được hở khe không khí nào trong nắm.

Rồi nắn, rồi nặn tạo hình. Nắm cơm xong mà vẫn còn nóng. Chưa được ăn ngay đâu! Cơm nắm là phải ăn lúc nguội. Thế chứ lị. Cứ thế từng nắm cơm bày lên đĩa. Nắm nào nắm nấy tròn đều tăm tắp và mịn căng như những chiếc bánh dày to. Và đều còn mơ màng dấu xoắn khăn mùi xoa thần thánh của bố.

Cơm nắm phố nghèo

Biết không? Ngon nhất là cơm nắm giã cối muối vừng. Mẹ đã rang lạc, rang vừng, rang muối từ đầu. Lạc gói ủ trong tờ báo cũ giờ đã giòn tan, thơm nức. Mẹ cho ra mẹt rồi xoa cho bong vỏ, lộ những nhân lạc đã rang vàng đến tận ruột. Lạc rang như thế thì muối vừng mới thơm và những mảnh lạc rực ngậy khoái khẩu. Mẹ giã muối vừng xong biết ý để lại cuối cối nhiều nhiều. Bố sẽ xới vào cối mấy đũa cả cơm nóng rực. Rồi giã cơm, vừa giã vừa ghế đũa cả cho đều. Thỉnh thoảng bố lại dúm thêm mấy dúm muối vừng rắc vào cho đậm đã. Nhanh tay lắm. Thoắng cái bố đã cho ra khăn mùi xoa và nắm. Cơm đã giã nhuyễn rồi nên nắm rất nhanh. Nắm cơm giã đáy cối ấy cứ nâu ruộm lên, rỏ nước dãi. Nắm cơm ấy phải được cắt đôi rất cân. Hai đứa trẻ chắc chắn sẽ soi kỹ lắm. Nào đứa nào chịu nhường đứa nào miếng cơm nắm ngon đến vậy.

Quen nhất là vị cơm nắm chấm muối vừng nhỉ? Mà có dúm ruốc nữa thì còn gì hơn. Sau này khá giả hơn thì thêm miếng giò, miếng chả. Nhưng hồi đó có bất cứ thứ gì đằm đặm mà chấm miếng cơm nắm vào thì cũng đủ sướng miệng lắm rồi. Nhà kho thịt thì chắc chắn sẽ chắt ra một bát xinh để chấm. Cơm nắm “chùi” đáy nồi kho cá mới khoái làm sao. Mấy vụn giềng giã ngấm mắm mỡ kho cạn nó cứ thơm bừng theo miếng cơm nắm. Ơ nhưng mà ít ai biết đâu nhé. Cơm nắm chấm tương cũng thật diệu kỳ. Những tương Bần, tương Cự Đà pha với gừng giã nhuyễn và thìa con đường hoa mai ấy mà được cơm nắm dẫn vào miệng thì chỉ có đê mê. Nghĩ đến mà tứa dãi. Cơm nắm ăn được chưa hả bố?

Cơm nắm đã đủ nguội và được cắt lát bằng con dao bài sắc. Miếng cơm mịn tinh như miếng thạch ấy. Đưa vào miệng thì mát mịn và thơm nhè nhẹ. Ôi trời, gạo nở cứng cành cạch mà kết nhuyễn với nhau được đến thế này sao? Là do tấm thơm tấm dính đấy mà. Bố đã rất hiểu và thương hạt gạo nhà có mà làm những mẻ cơm nắm như vậy. Thời thơ ấu nghèo khó đã qua với đầy niềm vui. Đến giờ vẫn không thể quên được vẻ đẹp của ngọc thực trong những nắm cơm phố nghèo thuở ấy. Và từ từ, tôi sẽ kể lại vẻ đẹp ấy cho các con tôi bằng những nắm cơm phố nghèo.

Nguyễn Anh Vũ

Ăn cá kèo nướng, nhớ quê nhà, nhớ mùi rơm củi dại...

Ăn cá kèo nướng, nhớ quê nhà, nhớ mùi rơm củi dại...

Mùi cá kèo nướng thơm nhức mũi gợi cảm giác nhớ quê nhà, nhớ cái mùi rơm củi dại, cứ như đứng ở đâu đó sông nước miền Tây Nam Bộ.