Tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43 liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Nguyên nhân là dù đã nỗ lực song nhiều vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa thể giải quyết được ngay, dự kiến có 5/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt mục tiêu đề ra trong năm nay.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong năm 2024 và đạt được tăng trưởng theo mục tiêu đề ra là 6-6,5% thì Chính phủ tiếp tục kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh nguồn lực thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đỗ Thành Trung, tính đến hết tháng 9/2023 đã giải ngân các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt khoảng 95,7 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, một số chính sách đã hết thời gian thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực, một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình còn chậm, có khả năng không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra của chính sách.
Bên cạnh một số chính sách hỗ trợ người lao động, Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội xem xét, quyết định được tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43.
Đối với số vốn không thực hiện hết khi kết thúc thời gian thực hiện chính sách dự kiến 38.592 tỷ đồng, Chính phủ trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực, không làm tăng bội chi, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đề xuất, theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh.
Thứ hai là cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đến hết năm 2025. Giao Chính phủ rà soát, xác định rõ số vốn cần kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân của từng dự án, trên cơ sở đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Chính phủ cũng đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chuyển 16.100 tỷ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện 4 chính sách cho vay ưu đãi nhằm hỗ trợ tạo việc làm cho thêm hơn 330 nghìn hộ gia đình và hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 345 nghìn lao động.
(Tổng hợp)