Con người tránh nguy cơ tuyệt chủng 41.000 năm trước nhờ kem chống nắng

Câu chuyện sống sót của tổ tiên chúng ta cho thấy sự sống có thể tồn tại và phát triển ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, miễn là biết thích nghi và sáng tạo.

Một nghiên cứu mới từ Đại học Michigan (Mỹ) đã hé lộ rằng loài người hiện đại đã vượt qua thời kỳ biến động khắc nghiệt của Trái Đất nhờ ba yếu tố then chốt: kem chống nắng tự nhiên, quần áo may đo và việc sử dụng hang động làm nơi trú ẩn.

Cách đây 41.000 năm, hành tinh chúng ta trải qua một hiện tượng hiếm gặp khi Cực Bắc di chuyển về phía châu Âu, dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng của từ trường Trái Đất – tấm lá chắn bảo vệ sự sống khỏi bức xạ vũ trụ. Theo các nhà khoa học, từ trường lúc đó chỉ còn 10% so với hiện nay khiến bức xạ vũ trụ và cực quang bao phủ khắp bầu trời châu Âu và Bắc Phi.

Dưới áp lực của môi trường đầy nguy hiểm, người Homo sapiens – tổ tiên trực tiếp của con người hiện đại – đã chứng tỏ khả năng thích nghi vượt trội.

Con người tránh nguy cơ tuyệt chủng 41.000 năm trước nhờ kem chống nắng

Theo nhà nghiên cứu Agnit Mukhopadhyay, tác giả chính của công trình nghiên cứu, nhóm ông đã xác định được nhiều khu vực bị ảnh hưởng bởi bức xạ vũ trụ mạnh. Điều đáng chú ý là các khu vực này lại trùng khớp với nơi sinh sống và hoạt động của người Homo sapiens cổ đại.

Một trong những công cụ sinh tồn bất ngờ nhất là loại "kem chống nắng" tự chế từ khoáng chất ochre – một hợp chất tự nhiên gồm oxit sắt, đất sét và silic. Vốn được biết đến như chất liệu vẽ tranh trên vách đá, ochre còn được người cổ đại bôi lên da như một lớp bảo vệ chống lại tia UV nguy hiểm. Các thử nghiệm hiện đại xác nhận rằng ochre thực sự có khả năng chống nắng hiệu quả.

Bên cạnh đó, bằng chứng khảo cổ cho thấy người Homo sapiens đã biết sử dụng kim khâu và dùi để may quần áo vừa vặn, điều mà người Neanderthal không làm được. Theo giáo sư Raven Garvey, những bộ “quần áo may đo” không chỉ giúp họ giữ ấm hiệu quả hơn mà còn giúp hạn chế tác hại của bức xạ, vốn có thể gây ra tổn thương mắt và suy giảm folate - một yếu tố có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh và tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Hang động cũng đóng vai trò như những “pháo đài tự nhiên” giúp con người trú ẩn khỏi bức xạ vũ trụ và thời tiết khắc nghiệt. Dấu tích cư trú trong các hang động trùng khớp với thời điểm cực từ đảo chiều, cho thấy con người cổ đại đã chủ động lựa chọn nơi ở an toàn hơn.

Trong khi người Homo sapiens nhanh chóng thích nghi và phát triển, người Neanderthal – vốn sống cùng thời – lại dần biến mất khỏi bản đồ sự sống khoảng 40.000 năm trước. Sự khác biệt về công nghệ và khả năng thích nghi được cho là yếu tố then chốt dẫn đến sự phân hóa số phận giữa hai loài người cổ đại.

Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, nghiên cứu này còn gửi gắm lời cảnh báo về hiện tại. Theo Mukhopadhyay, nếu một sự kiện tương tự xảy ra ngày nay, nhân loại có thể phải đối mặt với hàng loạt thảm họa công nghệ như mất liên lạc vệ tinh, gián đoạn viễn thông và rối loạn hệ thống điện toàn cầu.

Câu chuyện sống sót này cho thấy sự sống vẫn có thể tồn tại và thích nghi, ngay cả trong điều kiện không có từ trường mạnh bảo vệ. Điều này nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của sáng tạo và khả năng sinh tồn đáng kinh ngạc của con người.

TM (theo IFLScience)

Giải mã 'tổ tiên bí ẩn' đóng góp 20% DNA của loài người hiện đại

Giải mã "tổ tiên bí ẩn" đóng góp 20% DNA của loài người hiện đại

Nghiên cứu đáng chú ý này cho thấy nguồn gốc loài người được định hình bởi mối liên kết di truyền phức tạp hơn là một dòng dõi tổ tiên duy nhất.