Hàm răng cổ đại hé lộ loài họ hàng chưa từng biết của con người

Mẫu phân tích hé lộ một loài họ hàng mới chưa từng được ghi nhận

Mẫu phân tích của một hàm răng kỳ lạ có niên đại 1,4 triệu năm mới đây đã giúp các nhà khoa học xác định một loài họ hàng của con người chưa từng được ghi nhận.

Nhóm nghiên cứu do nhà cổ nhân chủng học Clément Zanolli từ Đại học Bordeaux (Pháp) dẫn đầu đã tiến hành phân tích mẫu vật SK 15 – một hàm răng được khai quật từ di chỉ Swartkrans, Nam Phi vào năm 1949. Trước đây, nó từng bị nhầm lẫn là của Homo ergaster, một loài người cổ. Tuy nhiên, công nghệ hiện đại đã hé lộ một sự thật bất ngờ: hàm răng này không thuộc bất kỳ loài nào thuộc chi Homo đã biết.

Mẫu vật SK 15 được phát hiện cách đây 75 năm trong một hang động ở miền nam châu Phi.
Mẫu vật SK 15 được phát hiện cách đây 75 năm trong một hang động ở miền nam châu Phi.

Dựa vào cấu trúc ngà răng, hình dạng hàm, kích thước và đặc điểm chân răng, các nhà khoa học xác định SK 15 thuộc về chi Paranthropus – một nhánh của tông Người (Hominini). Tuy nhiên, nó lại có những đặc điểm khác biệt so với các loài Paranthropus từng được ghi nhận, từ đó dẫn đến việc xác định một loài mới: Paranthropus capensis.

Chi Paranthropus, có nghĩa là "gần với con người" trong tiếng Latin, bao gồm những loài vượn nhân hình có bộ hàm lớn và răng to, thô – đặc điểm khiến chúng được mệnh danh là “người kẹp hạt dẻ”. Dù di chuyển bằng hai chân, ngoại hình của chúng vẫn mang nhiều nét giống vượn hơn là con người hiện đại.

Tại thời điểm Paranthropus capensis tồn tại, khoảng 1,4 triệu năm trước, trái đất còn có sự xuất hiện của nhiều loài thuộc tông Người khác, trong đó có chi Homo – tổ tiên trực tiếp của Homo sapiens. Đáng chú ý, tại di chỉ Swartkrans, nơi tìm thấy mẫu vật SK 15, cũng có dấu tích của các công cụ đặc trưng của chi Homo, cho thấy khả năng tương tác giữa các loài này.

Sự xuất hiện của Paranthropus capensis bên cạnh loài Paranthropus robustus ở miền Nam châu Phi gợi ý về sự phân hóa sinh thái giữa hai loài. Những khác biệt về răng có thể phản ánh chế độ ăn uống riêng biệt, giúp chúng tránh sự cạnh tranh trực tiếp.

Các nhà khoa học hiện đang tiếp tục tìm kiếm thêm bằng chứng để xác định liệu Paranthropus capensis có phải là một nhánh tiến hóa đi vào ngõ cụt hay có vai trò trong sự phát triển của các loài về sau trên cây tiến hóa phức tạp của nhân loại.

TM (theo Live Science)

Hóa thạch tổ tiên loài người 3,2 triệu năm tuổi sắp được trưng bày tại Séc

Hóa thạch tổ tiên loài người 3,2 triệu năm tuổi sắp được trưng bày tại Séc

Bộ xương hóa thạch có tên “Lucy” thu hút sự quan tâm lớn của giới khoa học cũng như công chúng yêu thích cổ nhân chủng học.