COVID-19: Các ngân hàng ở Hong Kong đóng cửa - Australia tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều ngân hàng ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) như HSBC, Standard Chartered, đã đóng cửa các chi nhánh hoặc giảm giờ làm việc từ ngày 20/7 sau khi số ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng mạnh tại trung tâm tài chính của châu Á này.

Thông báo mới của Ngân hàng trung ương Trung Quốc tại Hong Kong ngày 20/7 nêu rõ ngân hàng này sẽ hoãn mọi dịch vụ ở 9 chi nhánh do dịch bệnh lây lan mạnh. Trước đó, ngân hàng này cũng đã hoãn mọi dịch vụ tại 3 ngân hàng.

HSBC cũng ra thông báo tạm thời đóng cửa 2 trung tâm thương mại dành cho các hoạt động ngân hàng thương mại và 3 chi nhánh ngân hàng di động, đồng thời rút ngắn thời gian hoạt động ở mọi chi nhánh. Một ngân hàng thuộc hệ thống HSBC là Ngân hàng Hang Seng cũng đóng cửa 1 chi nhánh trong 14 ngày để tiến hành vệ sinh toàn diện sau khi 1 nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Các ngân hàng Standard Chartered và Ngân hàng Đông Á cũng thông báo rút ngắn giờ làm việc.

HSBC thông báo tạm thời đóng cửa 2 trung tâm thương mại dành cho các hoạt động ngân hàng thương mại và 3 chi nhánh ngân hàng di động. Ảnh minh họa.
HSBC thông báo tạm thời đóng cửa 2 trung tâm thương mại dành cho các hoạt động ngân hàng thương mại và 3 chi nhánh ngân hàng di động. Ảnh minh họa.

Hồi cuối tháng 1, nhiều chi nhánh các ngân hàng ở Hong Kong đã đóng cửa khi làn sóng dịch bệnh đầu tiên tác động tới đặc khu này. Khi số ca giảm đi, các chi nhánh này đã mở cửa hoạt động trở lại. Tuy nhiên, dịch bệnh tại đây những ngày qua đang nóng trở lại. Cuối tuần vừa qua, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong đã có lúc ghi nhận hơn 100 ca nhiễm trong vòng 24 giờ, con số cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện tại đây từ cuối tháng 1/2020. Hiện vùng này ghi nhận tổng cộng 2.000 ca mắc bệnh trong đó có 12 người tử vong.

Hôm 19/7, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã tuyên bố siết chặt các biện pháp hạn chế với những dịch vụ không thiết yếu, cho phép nhân viên những ngành này làm việc tại nhà. Các công viên tưởng niệm, các phòng tập gym và 10 loại địa điểm khác cũng sẽ đóng cửa thêm 7 ngày trong khi quy định các nhà hàng chỉ được phép bán đồ mang đi sau 18h hằng ngày cũng được gia hạn. Người tới các khu vực công cộng trong nhà phải đeo khẩu trang.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho biết quốc gia này sẽ mở rộng chương trình bảo lãnh nợ, hỗ trợ ứng phó đại dịch COVID-19 dành cho các doanh nghiệp nhỏ và tăng hạn mức tín dụng từ mức 250.000 AUD lên 1 triệu AUD (700.000 USD).

Kế hoạch mở rộng, có hiệu lực từ tháng 10/2020 tới tháng 6/2021, cũng cho phép các doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 triệu AUD vay tiền để thực hiện các kế hoạch đầu tư. Các quy định hiện hành chỉ cho phép các doanh nghiệp sử dụng khoản vay cho các mục đích liên quan tới vốn hoạt động.

Ông Frydenberg cho rằng giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch bảo lãnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ giúp các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn và thích ứng tốt với nền kinh tế trong tình hình mới cũng như đầu tư cho tương lai. Chính phủ sẽ tiếp tục bảo lãnh khoảng 50% các khoản vay và thời hạn trả nợ nâng từ mức 3 năm lên 5 năm.

Nền kinh tế Australia thời gian qua chịu tác động mạnh của đại dịch, chính phủ nước này cam kết hơn 160 tỷ AUD (112 tỷ USD), tương đương 8% GDP, dành cho gói kích thích tài khóa để củng cố kinh tế. Chính phủ Australia ước tính, hơn 15.600 doanh nghiệp nước này đã nộp hồ sơ vay vốn trị giá tổng cộng 1,5 tỷ AUD (1,05 tỷ USD) trong giai đoạn một của kế hoạch, dự kiến kết thúc vào ngày 30/9 tới.

(Nguồn: TTXVN)

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương