COVID-19 tái bùng phát ở một số khu vực châu Á đe dọa phục hồi kinh tế

Khi năm 2020 sắp kết thúc, nhiều nhà đầu tư coi châu Á là khu vực có một trong những triển vọng kinh tế tốt nhất trong năm tới, nhờ khả năng kiểm soát tương đối tốt hơn đối với sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo, sự gia tăng gần đây về các ca nhiễm ở một số quốc gia đe dọa làm mờ đi triển vọng kinh tế của khu vực.

CNBC dẫn số liệu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp cho thấy, các trường hợp nhiễm COVID-19 được báo cáo hàng ngày ở nhiều nơi thuộc khu vực châu Á, nơi đại dịch bùng phát đầu tiên, vẫn thấp hơn so với số ca nhiễm được ghi nhận ở châu Âu và Mỹ.

Thế nhưng, một số quốc gia hiện đang phải đối mặt với sự tái bùng phát tồi tệ hơn nhiều so với những gì họ đã trải qua trước đó.

Ngay cả những vùng lãnh thổ đã đạt được thành công lớn trong việc ngăn chặn COVID-19 cũng có thể không chắc chắn, với Đài Loan trong tuần này đã báo cáo trường hợp nhiễm COVID-19 tại địa phương đầu tiên kể từ ngày 12/4 - nhấn mạnh khó khăn trong việc ngăn chặn đại dịch.


Dưới đây là một cái nhìn về các nền kinh tế châu Á đang chiến đấu với sự tái gia tăng về số ca nhiễm COVID-19, và sự ảnh hưởng đối với triển vọng kinh tế của họ:

Nhật Bản

Số lượng các ca nhiễm COVID-19 được báo cáo hàng ngày ở Nhật Bản đã bắt đầu tăng trở lại vào tháng 11, và tuần trước lần đầu tiên vượt qua con số 3.000, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.

Các nhóm y tế của quốc gia này cảnh báo, hệ thống chăm sóc sức khỏe đang chịu áp lực đáng kể từ đại dịch.


Các nhà kinh tế đến từ Công ty Nghiên cứu Pantheon Macroeconomics cho rằng, các quy tắc giãn cách xã hội “tương đối mềm” của Chính phủ Nhật Bản dường như không hiệu quả, và điều đó có thể dẫn đến những biện pháp cứng rắn hơn trong những tháng tới.

Do đó, tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc lần thứ 2 và hiệu quả hơn ở Nhật Bản vào đầu năm tới sẽ là điều không thể bỏ qua; và điều đó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Nhật Bản trong quý I/2021.

Hàn Quốc

Giống như Nhật Bản, các ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày của Hàn Quốc trong tháng này đã đạt mức chưa từng có trước đây, lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 ca kể từ khi đại dịch bùng phát.


Chính phủ Hàn Quốc ngày 22/12 đã ban bố lệnh cấm trên toàn quốc đối với việc tập trung từ 5 người trở lên và ra lệnh đóng cửa các điểm du lịch.

Theo Pantheon Macroeconomics, việc thực hiện bước đi đó sẽ giúp phần lớn thiệt hại kinh tế của Hàn Quốc được kiềm chế trong quý IV năm nay.

Malaysia

Dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy, quốc gia Đông Nam Á này đã đưa các trường hợp nhiễm COVID-19 xuống mức thấp, trước khi đợt tăng mới nhất bắt đầu vào tháng 10.

Điều đó đã khiến Chính phủ Malaysia áp dụng một vòng các biện pháp phong toả một phần mới ở một số vùng của đất nước.

Các nhà kinh tế thuộc Công ty Tư vấn Capital Economics cho biết, triển vọng của nền kinh tế Malaysia đã trở nên "kém lạc quan hơn" trong quý này, nhất là trên lĩnh vực tiêu dùng cá nhân.


Theo đó, làn sóng thứ 2 của đại dịch và việc tái áp đặt nhiều hạn chế đối với hoạt động đi lại sẽ khiến sự phục hồi mạnh mẽ của tiêu dùng cá nhân trong quý III bị đảo ngược.

Tuy nhiên, các lĩnh vực khác của nền kinh tế, chẳng hạn như xuất khẩu sẽ tiếp tục hoạt động mạnh mẽ; do đó, tác động kinh tế tổng thể từ sự tái bùng phát gần đây nhất có thể sẽ "nhỏ hơn nhiều" so với làn sóng trước đó.

NGỌC CHÂU

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương