Cuộc sống bình dị của cặp vợ chồng làm nên vắc xin ngừa Covid-19

Cặp vợ chồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang gần cột mốc tuyên bố loại vắc xin ngừa Covid-19 hiệu quả đầu tiên.

Tiến sĩ Ozlem Tureci và Tiến sĩ Ugur Sahin là cặp đôi nổi tiếng nhất trong khoa học kể từ khi Marie và Pierre Curie phát hiện ra hiện tượng phóng xạ. Hiện tại, cả hai cũng gần chạm mốc tuyên bố loại vắc xin ngừa Covid-19 hiệu quả đầu tiên.

Tuy nhiên ít ai biết được rằng trong cuộc sống hằng ngày họ rất bình dị, họ đi khắp nơi bằng xe đạp, không quan tâm đến hàng tỷ USD mà họ có thể kiếm được từ khám phá của mình. Họ cảm thấy hạnh phúc nhất là làm việc cùng nhau trong màu áo phòng thí nghiệm, ngay cả trong ngày cưới.

Cha mẹ của cả hai từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức. Cặp vợ chồng có thể cùng nhận giải Nobel sau khi công ty của họ, BioNTech - cùng với hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer - công bố vắc xin Covid-19 hiệu quả hơn 90% vào ngày 9/11.

Tiến sĩ Sahin sinh ra ở Iskenderun, gần biên giới Syria, là con trai của một công nhân nhà máy ô tô. Tiến sĩ Tureci là con gái của một bác sĩ phẫu thuật ở Istanbul. Họ gặp nhau tại Đại học Saarland ở Homburg và cộng tác kể từ đó và cùng quan tâm tới việc tìm thuốc điều trị ung thư và cách điều khiển hệ thống miễn dịch loại bỏ khối u.

  Tiến sĩ Tureci (trái) và chồng, Tiến sĩ Sahin

Tiến sĩ Tureci (trái) và chồng, Tiến sĩ Sahin

Dù công ty được định giá hàng chục tỷ USD nhưng họ cho biết: “Nhu cầu của chúng tôi về tiền chỉ là có một cuộc sống bình thường. Chúng tôi không có mong muốn đặc biệt, thậm chí không có xe hơi. Một chiếc du thuyền là điều không phù hợp. “Một nửa thời gian chúng tôi được nghỉ và một nửa thời gian công việc của chúng tôi vẫn tiếp tục nên căn hộ cần có kết nối Internet. Tôi luôn nói rằng thật tuyệt khi có một kỳ nghỉ để làm việc".

Công ty đầu tiên của họ, Ganymed Pharmaceuticals, chuyên về kháng thể đơn dòng, giúp cơ thể chống lại bệnh ung thư, đã được bán với giá 1,7 tỷ USD. Công ty thứ hai, BioNTech, có trụ sở tại Mainz, đã chế tạo vắc xin ung thư được cá thể hóa từ mRNA để mang các chỉ dẫn di truyền đến các tế bào. Họ biết những phương pháp này có thể chống lại virus.

Tháng 1, khi đọc bài báo về căn bệnh lạ ở Vũ Hán, Tiến sĩ Sahin lập tức hiểu được tác động của loại virus có khả năng lây nhiễm cao và có thể không có triệu chứng. Khi nghiên cứu các mối liên kết hàng không giữa Vũ Hán và các thành phố khác, ông nhận thấy Covid-19 có khả năng trở thành đại dịch toàn cầu.

Cả hai đã tiến hành dự án Tốc độ ánh sáng, với ý nghĩa họ cần phải hành động càng nhanh càng tốt để ngăn thế giới bị virus corona tàn phá. Pfizer, công ty dược phẩm của Mỹ, đã tài trợ cho họ.

Tiến sĩ Tureci nói: “Quyết định đầu tiên là sử dụng công nghệ mRNA của chúng tôi cho bối cảnh đại dịch. Nó rất linh hoạt. Chúng tôi nhận ra căn bệnh này có thể trở thành mối đe dọa lớn. Chúng tôi đã nói về các kịch bản khác nhau và những gì đã xuất hiện là kịch bản nghiêm trọng và đáng sợ hơn”.

Họ không tìm kiếm vắc xin để cạnh tranh mà vì cảm thấy cần phải giúp thế giới. Họ làm việc theo ca, đảm bảo tất cả các thử nghiệm một cách chính xác nhất. 

Tiến sĩ Tureci nói: “Chúng tôi có thói quen không nghĩ về viễn cảnh dự án có thể không hoạt động mà quan tâm hơn tới việc giải quyết tất cả các sai sót tiềm ẩn. Cách làm rất tỉnh táo và khoa học này cho phép chúng ta tránh xa sự bi quan. Có nhiều bước cần được điều chỉnh. Chúng tôi đã có những thông tin chi tiết mới và tìm hiểu chúng cho các bước tiếp theo. Bạn bắt đầu với việc không biết gì, chỉ xây dựng giả thuyết và sau đó đạt được các hiệu quả mong muốn”.

Ngay sau khi kết quả thử nghiệm được thông qua, họ biết họ đã làm được điều gì đó. "Tôi không mong đợi nó có hiệu quả 90% nhưng sau khi xem dữ liệu miễn dịch học, tôi nghĩ chúng tôi sẽ đạt được một số tác dụng trừ khi virus rất khác với những loại chúng tôi đã gặp".

Hiện chưa rõ những người tiêm vắc xin này có thể lây bệnh hay không, khi có nhiều thử nghiệm họ sẽ tiến hành tìm hiểu thêm. "Trong một đại dịch, mục tiêu đầu tiên là đảm bảo rằng dịch bệnh được ngăn chặn và có khả năng miễn dịch cộng đồng”.

Tiến sĩ Tureci chia sẻ: “Vắc xin tạo nên phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Vì lý do đạo đức, việc thử nghiệm không có những người bệnh trầm trọng nhưng có bệnh nhân tim mạch, suy phổi, ung thư, tiểu đường, béo phì".

Cả hai cho biết sẽ không biết tác dụng của vắc xin kéo dài bao lâu hoặc liệu họ có cần cập nhật các loại thuốc tiêm như cúm hay không. Vắc xin phải được giữ ở nhiệt độ âm 70 độ C để ổn định và có giá khoảng 40 USD một liều.

“Thông thường, khi phát triển một loại vắc xin, bạn sẽ có 7-8 năm để phát triển lâm sàng nhằm tối ưu hóa điều kiện bảo quản. Tôi hy vọng chi phí sẽ giảm xuống. Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo dữ liệu của mình được minh bạch, mọi người hiểu về vắc xin của chúng tôi và các vắc xin khác. Tôi sẽ sử dụng, gia đình tôi cũng vậy”, Tiến sĩ Tureci nhấn mạnh.

Tiến sĩ Tureci cho biết, điều cao quý nhất của khoa học và công nghệ là phục vụ người dân, đó là động lực của bà. Chồng của bà, Tiến sĩ Sahin, 55 tuổi, cũng có mục đích tương tự: “Tôi bị thúc đẩy bởi sự tò mò, tôi luôn đặt câu hỏi, tôi muốn hiểu mọi thứ hoạt động như thế nào”.

“Tôi làm việc trong một bệnh viện ung thư và tôi đã phải nói với nhiều bệnh nhân rằng chúng tôi không thể giúp họ được nữa. Là một nhà khoa học, tôi biết chúng tôi đang chưa làm hết mọi thứ có thể, vì vậy cần phải làm nhiều hơn nữa. Đó là điều thúc đẩy tôi tiếp tục”.

Cả hai luôn muốn làm việc cùng nhau để có sự bổ sung các kỹ năng và kết hợp tốt nhất. 

Tiến sĩ Sahin nói: “Đó thực sự là đặc ân khi được làm việc cùng nhau. Hàng ngày, bạn không cần phải giải thích tại sao bạn đang làm việc. Văn phòng của cô ấy chỉ cách một cánh cửa nên nếu có ý tưởng hay, tôi sẽ sang ngay bên đó. Chúng tôi thảo luận và không phải lúc nào cũng có cùng quan điểm”.

Ông nói: “Chúng tôi nói chuyện mỗi khi có cơ hội nhưng không bực bội vì việc xóa nhòa ranh giới giữa công việc và gia đình. Cuối cùng, đó cũng là niềm đam mê của chúng tôi. Đó là nhiệm vụ chúng tôi đang làm. Chúng tôi cần thử mọi khả năng và nếu không được thì chúng tôi phải chấp nhận”.

Tiến sĩ Sahin chia sẻ: “Tất nhiên đó là một trách nhiệm rất lớn. Chúng tôi được thôi thúc khi biết rằng có những đứa trẻ muốn có một cuộc sống bình thường, có mẹ, có giáo viên; người già bị cô lập".

Tuy nhiên, ông khẳng định, áp lực phải đạt được kết quả nhanh chóng không cho phép hạ thấp tiêu chuẩn an toàn. "Bởi vì chúng tôi nhanh, chúng tôi cần phải chăm chỉ hơn nữa".

Tiến sĩ Sahin nhớ lại thời điểm Giám đốc điều hành của Pfizer, gọi điện thông báo vắc xin có hiệu quả 90% trong việc ngăn chặn virus corona: “Sự lo lắng tăng lên và sau đó là tin tốt. Đó là một sự nhẹ nhõm vô cùng”.

Tiến sĩ Sahin lo ngại rằng các nước giàu sẽ mua hết lô hàng, khiến các nước đang phát triển không được bảo vệ. “Đây là mối quan tâm của tôi ngay từ đầu. Chúng tôi đang nghiên cứu một loại vắc xin thế hệ tiếp theo để có thể giảm liều, tăng quy mô sản xuất. Ở giai đoạn này, mọi chuyện phải thông qua các chính phủ. Tôi cho rằng trong quý đầu tiên của năm 2021, chúng ta sẽ có ba hoặc năm công ty cung cấp vắc xin và đến giữa năm tới có thể có tám hoặc chín công ty”, ông nhấn mạnh.

Tiến sĩ Sahin cho biết thành công của họ chứng minh lợi ích của việc trao đổi ý tưởng mang tính quốc tế. “Trong công ty chúng tôi có các thành viên đến từ hơn 60 quốc gia. Các cuộc họp của chúng tôi luôn bằng tiếng Anh. Chúng tôi có những người đến từ châu Á, châu Phi, Mỹ, châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ”, ông nói. “Trong khoa học, không quan trọng bạn đến từ đâu, điều quan trọng là bạn có thể làm gì và sẵn sàng làm gì. Đây là vắc xin không chỉ của Pfizer và BioNTech, nó là vắc xin của nhân loại. Nó chỉ cho thấy rằng nếu bạn được trao cơ hội, tất cả mọi người đều có thể đóng góp”.

Thanh Mai

BioNTech sẽ định giá vaccine COVID-19 ra sao?

BioNTech sẽ định giá vaccine COVID-19 ra sao?

Công ty Dược phẩm BioNTech quyết định đưa ra mức giá thấp hơn so với tỷ lệ trên thị trường, để đảm bảo việc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng.