Bloomberg đưa tin, nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam đang gặp khó khăn khi sử dụng thẻ tín dụng , sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nhắm vào các quan chức Trung Quốc và đồng minh của họ tại đặc khu hành chính này.
“Đối với bản thân tôi, tất nhiên sẽ có một chút bất tiện. Bởi vì chúng tôi phải sử dụng một số dịch vụ tài chính, và chúng tôi và không rõ chúng có liên quan đến các doanh nghiệp Mỹ hay không”, Đặc khu trưởng Hong Kong chia sẻ với đài truyền hình Trung Quốc CGTN.
Tuy nhiên, bà Carrie Lam khẳng định: “Nhưng những điều đó thực sự vô nghĩa đối với tôi”.
Carrie Lam cho rằng lệnh trừng phạt này không hề hấn gì với mình. Ảnh: Bloomberg |
Carrie Lam là một trong 11 quan chức bị Tổng thống Mỹ Donald Trump trừng phạt vào ngày 7/8, vì vai trò của họ trong việc “cắt giảm các quyền tự do chính trị” ở Hong Kong, đồng ý cho Trung Quốc thực thi luật an ninh quốc gia mới hồi tháng 6/2020.
Đặc khu trưởng Hong Kong khẳng định, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với bà và sự trả đũa từ chính quyền Trump đối với Hong Kong là “hoàn toàn phi lý”. Bà cho biết việc không thể đến thăm Mỹ sẽ không cản trở nỗ lực của Hong Kong trong việc quảng bá mình như một nơi đáng đầu tư cho các công ty Mỹ.
Chính quyền Hong Kong cũng đang xem xét phản đối các biện pháp tại Tổ chức Thương mại Thế giới. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì phù hợp cho đất nước và cho Hong Kong”, bà lên tiếng.
Người phát ngôn của Visa và Mastercard chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào về việc này.
Tuần trước, các ngân hàng nhà nước lớn nhất của Trung Quốc hoạt động tại Hong Kong đang thực hiện các bước để đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ với các quan chức ở đặc khu này. Ngân hàng đã tìm cách bảo vệ quyền truy cập vào nguồn vốn quan trọng bằng USD và các mạng lưới tài chính ở nước ngoài.
Những tên tuổi lớn có hoạt động tại Mỹ bao gồm Bank of China, China Construction Bank Corp và China Merchants Bank, âm thầm mở tài khoản mới cho 11 quan chức bị trừng phạt.
Mỹ cho rằng bà Carie Lam đối tượng “ảnh hưởng đến tương lai của Hong Kong”. Ảnh: Politico |
Trong cuộc họp báo của chính quyền Hong Kong với giới truyền thông, bà Carrie Lam đã từ chối bình luận về vụ bắt giữ ông trùm truyền thông Jimmy Lai hồi tuần trước.
Trong số những quan chức tại đặc khu, Carrie Lam là một trong những nhà lãnh đạo “thân Trung Quốc” nhất, và bị Mỹ liệt vào đối tượng “ảnh hưởng đến tương lai của Hong Kong”.
Năm ngoái, vị đặc khu trưởng này đã thông qua dự luật cho phép dẫn độ đến Trung Quốc đại lục, đã dẫn đến cuộc biểu tình kéo dài triền miên.
Truyền thông phương Tây cho rằng các biện pháp trong luật an ninh quốc gia mới sẽ làm dấy lên lo ngại về tình trạng tự chủ của Hong Kong, bao gồm quyền tự do báo chí và tính độc lập của hệ thống tư pháp. Luật này cũng làm vơi đi danh tiếng của Hong Kong như một trung tâm tài chính toàn cầu.