Trong hai ngày đầu tiên của đợt họp tập trung, Quốc hội thảo luận trên nghị trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch.
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nêu thực trạng trong khi người dân ở thành phố lớn đang triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, thì vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số… không có thu nhạp.
Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội bày tỏ mong muốn của cử tri về việc ban hành một nghị quyết giúp giải quyết 3 mục tiêu: Kinh tế phục hồi, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục phòng, chống dịch bệnh. Bà cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đời sống, phát triển vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
Theo bà, cần khẩn trương ban hành các văn bản pháp lý để tổ chức kịp chương trình đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm với một bộ phận người làm thuê, làm mướn, buôn bán nhỏ.
Ảnh minh họa. |
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng cần đánh giá thận trọng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2022, vì từ nay đến giữa năm sau, chúng ta phải có một giai đoạn phục hồi, sau đó mới phát triển được.
Ông Vân đề nghị 5 giải pháp trọng tâm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế:
- Thứ nhất, sắp xếp trật tự ưu tiên theo hướng ưu tiên củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cao trong quản lý và lãnh đạo các cấp.
- Thứ hai, tập trung rà soát, sửa đổi thể chế.
- Thứ ba, đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý, sản xuất và lưu thông. Đặc biệt ứng dụng công nghệ mới vào quá trình quản lý để tiết kiệm bộ máy và nhân lực, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
- Thứ tư, cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công, tập trung vào các công trình trọng điểm, công trình dang dở để hoàn thành, giữ nghiêm kỷ luật đầu tư công. Cuối cùng, ông Vân đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cụ thể hoá kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nêu kiến nghị về phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như phát triển hạ tầng, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Tuy nhiên, đời sống vật chất, tinh thần, y tế, giáo dục của đồng bào còn nhiều khó khăn. Ông đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng cần khẩn trương giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành. "Cần tối giản, rút gọn các thủ tục rườm rà, nhanh chóng giải ngân, để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận”, ông nói. Đại biểu cũng đề xuất nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng nếu triển khai chậm thì nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường cùng với nhiều việc làm bị mất đi.
Theo bà việc tổ chức, thực hiện vẫn là khâu yếu. Cơ quan quản lý cần cụ thể hóa, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là người đứng đầu. Khâu kiểm tra, giám sát phải thực chất, không gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và cơ quan liên quan có chính sách, biện pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, phân bón và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho người dân giai đoạn này. Bà đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp bộ ngành liên quan, xây dựng mô hình mới, kết nối cung cầu, chuỗi cung ứng đảm bảo hiệu quả, chấm dứt tình trạng “được mùa - mất giá” người nông dân vẫn phải gánh chịu.
Chờ những cú “bật nhảy” thị trường bất động sản phía Nam mùa cuối năm