Đại biểu Quốc hội: "Tại sao lại để phụ huynh phải quây trường để nộp hồ sơ xin học cho con?"

"Chẳng nhẽ không thức xuyên đêm thì con thất học hoặc đành cho con bỏ học để học nghề cũng không được?", đại biểu quốc hội nói.

Sự việc hàng trăm phụ huynh trắng đêm, quây cổng trường THPT nộp hồ sơ cho con ở Hà Nội đang gây xôn xao dư luận. Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, việc này đang thể hiện áp lực của xã hội về nhu cầu học tập - một trong những quyền quan trọng của người dân, cũng như việc chăm lo cho giáo dục chưa bảo đảm với nhu cầu chính đáng của xã hội.

Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội khóa XV cũng nhận xét đây là vấn đề nóng, sở dĩ phụ huynh ùn ùn lao vào trường công bởi mức đóng góp phải chăng.

  Phụ huynh chầu chực cả đêm trước cổng Trường THPT Tạ Quang Bửu để chờ đến giờ nhập học lớp 10 cho con

Phụ huynh chầu chực cả đêm trước cổng Trường THPT Tạ Quang Bửu để chờ đến giờ nhập học lớp 10 cho con

"Không nóng sao được bởi quyền của mọi trẻ em sinh ra đều được đến trường. Gia đình dù khó khăn đến đâu cũng cố gắng cho con đi học. Nhà nước cũng xác định, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Vậy nên giáo dục chạm đến mọi ngóc ngách của mọi gia đình, từ người giàu đến nghèo, từ nông thôn đến thành thị", đại biểu Hòa nói. 

Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng khẳng định: "Người dân ở bất kỳ đâu, thuộc tầng lớp nào đều có quyền tiếp cận giáo dục. Vậy tại sao để phụ huynh phải trèo tường, phải thức trắng đêm để nộp hồ sơ xin học cho con? Chẳng nhẽ không thức xuyên đêm thì con thất học hoặc đành cho con bỏ học để học nghề cũng không được?".

Cũng theo bà Bùi Thị An, dù không quá thiếu tiền để xây trường lớp nhưng vấn đề trường lớp năm nào cũng căng thẳng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, hiện nay việc quy hoạch trường lớp còn tản mạn chưa đồng đều. Một số quận huyện bất cập trong việc phân bổ trường lớp. Điều này khiến một số trường thưa, không đủ chỉ tiêu, ngược lại một số trường quá tải.

"Theo tôi, ngoài việc quy hoạch trường lớp, trước hết phụ huynh phải có ý thức trong việc chọn trường, hãy theo sát lực học của con, cân nhắc về vị trí địa lý thay vì chọn theo số đông hoặc theo xu thế", ông Phạm Văn Hòa nói.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng tình trạng này là do nhu cầu của phụ huynh quá cao, chỉ tiêu nhà trường ít và một phần do hiệu ứng lo lắng từ chính phụ huynh.

Cũng theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay số lượng học sinh không quá đông, các trường xảy ra tình trạng xếp hàng từ nửa đêm là trường tư, trường công lập tự chủ tài chính.

"Khi nhu cầu phụ huynh quá cao, lên tới hàng nghìn hồ sơ trong khi chỉ tiêu cho trường chỉ vài ba trăm, giải bài toán này khiến chúng tôi rất đau đầu, đến hiệu trưởng cũng phải tắt máy điện thoại vì quá áp lực", ông Cương nói.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, Sở duyệt chỉ tiêu cho trường dựa trên điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và nhiều yếu tố khác của chính các trường. Về cách thức tuyển sinh, Sở chỉ quy định về mặt nguyên tắc, còn hiệu trưởng các trường sẽ quyết định về cách thức, thời gian tiếp nhận hồ sơ trúng tuyển. Sở GD-ĐT Hà Nội  khẳng định sở sẽ giám sát chặt chẽ và yêu cầu các trường tuyệt đối không làm trái quy định, tránh mất công bằng trong tuyển sinh.

Thanh Mai

Nhật chính thức được phép xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển

Nhật chính thức được phép xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế hôm thứ ba đã "bật đèn xanh" cho kế hoạch của Nhật Bản về việc xả nước đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi bị thảm họa, đánh dấu một bước quan trọng đối với việc xả nước bất chấp sự phản đối kịch liệt từ các nước láng giềng châu Á .