Ngày 2/10 (giờ Việt Nam), trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 đã diễn ra Phiên Cấp cao kỷ niệm 25 năm Hội nghị thế giới về Phụ nữ lần thứ IV với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái."
Tại Phiên họp, các nước đề cao ý nghĩa của Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh được thông qua tại Hội nghị thế giới về Phụ nữ lần thứ IV (năm 1995) và những tiến bộ đạt được trong 25 năm qua về đảm bảo và thúc đẩy bình giới, trao quyền cho phụ nữ, hướng tới một xã hội công bằng, tiến bộ, không còn rào cản về giới.
Đai dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến bình đẳng giới |
Các nước chia sẻ kinh nghiệm cũng như thảo luận các thách thức trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về giới. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, tuy đã có những tiến triển trong thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, thế giới vẫn đứng trước nguy cơ không đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể làm gia tăng bất bình đẳng trong xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng với lãnh đạo cấp cao 64 nước thành viên Liên hợp quốc đã có thông điệp gửi tới Phiên họp. Chủ tịch chia sẻ, với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN lần thứ 41, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các sáng kiến liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái và sẵn sàng hợp tác với các quốc gia nhằm hướng tới một xã hội thực sự bình đẳng và thế giới hòa bình bền vững.
Các nước cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả các biện pháp thực hiện, đặc biệt là việc bảo đảm yếu tố giới trong các chính sách bảo trợ xã hội, tiếp cận dịch vụ công, đảm bảo sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ trên mọi mặt của đời sống xã hội.
Trước đó, tại Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2020 diễn ra trực tuyến ngày 30/9, các thành viên APEC cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế và xã hội vốn đã tồn tại từ trước; gia tăng phạm vi và mức độ nghiêm trọng của các vấn đề mà phụ nữ và trẻ em gái ở các bối cảnh khác nhau phải đối mặt như bạo lực trên cơ sở giới, gánh nặng của công việc chăm sóc không được trả lương; các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ bị đóng cửa trên diện rộng…
Hội nghị thế giới về Phụ nữ lần thứ IV được tổ chức năm 1995 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), đã thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh nhằm khẳng định quyết tâm tiến tới mục tiêu bình đẳng, phát triển và hòa bình cho tất cả phụ nữ trên thế giới.
Cho đến nay, Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh vẫn được cộng đồng quốc tế công nhận là các văn bản thống nhất, toàn diện nhất, đặt nền móng cho việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ, hướng tới bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.
Do tác động của đại dịch COVID-19, Phiên họp năm nay được tổ chức theo hình thức: lãnh đạo và đại diện các nước ghi hình phát biểu để phát tại phòng họp Đại hội đồng tại Trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ).
Mong nhà nước đãi ngộ hợp lý, để không bị mất nguồn lực quý giá từ lực lượng nữ trí thức
Hiệp hội APFSV do tiến sĩ Nguyễn Đắc Như Mai làm chủ tịch, đã quen thuộc với các nhà khoa học nữ Việt Nam khi sang Pháp học tập và nghiên cứu.