Pablo Picasso chào đời vào ngày thứ Ba, 25 tháng Mười năm 1881 ở Málaga, Tây Ban Nha. Cha của Picasso, ông Don José Ruiz y Blasco, một họa sĩ hàn lâm chuyên vẽ phong cảnh và các loài chim sớm nhận ra tài năng đặc biệt của Picasso với hội họa. Picasso được cha dạy vẽ hình họa người và sơn dầu từ năm lên 7, và khi tròn 13, ông “đã là một thợ vẽ lành nghề với nhiều năm học hỏi từ nghệ thuật hàn lâm truyền thống”. Picasso tài năng tới nỗi, theo một giai thoại mà chính ông kể lại, khi nhìn thấy con trai vẽ mấy bức tranh “lông mao lông vũ” của mình, cha ông, Don José, đã đưa cho ông “cả cọ lẫn màu và từ đó không bao giờ vẽ nữa.”
Sinh ra đứa con trai tài năng tới như vậy, không khó hiểu khi Don José, một họa sĩ ‘hạng hai,’ kỳ vọng rằng con trai mình sẽ nối bước và hoàn thành hoài bão sự nghiệp còn dang dở của cuộc đời mình. Don José cho rằng con mình chỉ có một con đường duy nhất là hướng tới hội họa hàn lâm: theo học tại các học viện danh giá, giành lấy “các học bổng du học, giải thưởng danh giá Prix de Rome, các khoản trợ cấp, giải thưởng tại các cuộc thi, phần thưởng sau các triển lãm, rồi học hàm giáo sư...”
Còn về phần mình, cậu bé Picasso cũng chiều lòng cha, ngoan ngoãn ghi danh ở trường họa Guarda và sau đó là La Llotja, rồi gửi tranh tới các triển lãm danh giá với các tác phẩm “nghiêm túc” như “Tiệc Thánh đầu tiên của Lola” hay “Khoa học và Lòng Nhân ái”. “Thần đồng” Picasso đã ẵm giải vàng tại Triển lãm Exposición Provincial ở Málaga; rồi sau này là với “Những Khoảnh Khắc Cuối Cùng” khi Picasso được chọn là một trong các họa sĩ trưng bày ở Gian của Tây Ban Nha trong Triển lãm hoàn cầu tổ chức tại Paris – một vinh dự lớn, đặc biệt là đối với một thanh niên vô danh mười chín tuổi. Khi các tác phẩm của Picasso được triển lãm lần đầu (tại cửa sổ của một cửa hàng nội thất), một nhà phê bình đã mạnh dạn dự đoán: “Không nghi ngờ gì về việc tương lai vinh quang và xán lạn đang chờ đợi cậu phía trước.”
Sớm, và mãi chung thân, là một “thiên tài” trong mắt cha, có lẽ Picasso phải sớm cáng đáng kỳ vọng của cha và cả gia đình, ông khao khát sống một thời niên thiếu bình thường và hồn nhiên thay vì phải trưởng thành sớm “trên con đường theo đuổi kỹ thuật điêu luyện.” Cậu bé 13 tuổi được cha giám sát chặt chẽ, để đảm bảo không bị “lãng phí tài năng”, “không tối ngày lêu lổng cùng đám du đãng nhếch nhác và thử nghiệm những phong cách cấp tiến cực đoan.” Picasso không khỏi bị ngột ngạt trong sự “giam cầm” ấy.
Dường như, con đường “thiên tài” mà cha hướng ông đi quá rõ ràng, quá bằng phẳng và quá thiếu niềm vui tới nỗi chúng tước đi của ông một đời sống con trẻ, của một người bình thường, với niềm vui sáng tạo thuần khiết với hội họa, Picasso không gì hơn là một kẻ bị mất những gì “hồn nhiên và ngây thơ nhất” từ quá sớm.
Có lẽ, những điều đó phần nào lý giải tại sao càng ngày Picasso lại càng ”nổi loạn,” càng phải tỏ ra tự tin, bất cần, hoặc phải khước từ, bỉ bôi và thậm chí bất cần trước những gì mà người khác trao cho ông; ông phải phủ nhận, phải đương đầu, phải kháng chiến, phải cố vượt thoát khỏi những gì mà số phận gán cho ông từ quá sớm, sớm tới mức trở thành gánh nặng cản trở sự sáng tạo, cản trở ông được trưởng thành một cách tự nhiên, cản trở ông được là chính mình.
Picasso càng trở nên “kiêu ngạo, khó ưa, một kẻ quá tự mãn về tài năng kiệt xuất của mình và không bao giờ khoan nhượng trước những kẻ mà ông cho là đang cản trở ông thực hiện định mệnh của mình.” Dường như ông luôn trong một trạng thái lưỡng cực, bất phân, luôn “chuyển mình trong mọi khoảnh khắc,” hay: “Đôi lúc cậu rất hào hứng, những lúc khác lại im lặng không nói gì hàng giờ liền... Cậu có thể bất ngờ nổi giận rồi lại dịu đi nhanh chóng.” Dù tỏ ra hết sức tự tin, nhưng sâu bên trong Picasso vẫn hoang mang và nghi ngờ; Picasso phải nỗ lực bội phần chống lại chính các kỹ thuật hàn lâm, những phẩm chất thiên tài, những lời tán dương và kỳ vọng của người đời. “Ông ấy thắp sáng, đốt cháy rồi thiêu rụi thành tro bất kỳ ai đến gần ông, không tha cho cả chính bản thân mình.”
Bức tranh “Những cô gái vùng Avignon” biến đổi toàn bộ thế giới nghệ thuật thời bấy giờ và đưa ông vào hàng ngũ những họa sĩ quan trọng và có ảnh hưởng bậc nhất thế kỷ hai mươi, thì cũng là lúc những người xung quanh đều rời xa ông. “Vâng, tôi đã cô độc,” ông nhớ lại về khoảng thời gian đó, “rất cô độc.”
Ông càng nổi danh, thì tiếng tăm lại càng trở thành kẻ thù, trở thành những con quái vật ngốn ngấu hết cảm xúc, hết tình cảm, hết sự sáng tạo, hết cả thứ nghệ thuật tiên-báo, thậm chí hết cả đời sống, hết cả tâm hồn ông. Ngày ông đứng trên đỉnh thành công, “ông lại cảm thấy mình bị đem ra phơi bày,” và đó cũng là ngày mà ông trở nên cô độc nhất.
***
Theo dấu chân Picasso, cuốn tiểu sử “Picasso và bức tranh khiến cả thế giới sửng sốt” của tác giả Miles J. Unger, kể về cuộc đời của một trong những họa sĩ vĩ đại và có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, không chỉ bởi những thành tựu trong nghệ thuật: một trong những nghệ sĩ năng-sản nhất (với hơn 80,000 tác phẩm đủ loại chủ đề và chất liệu: hội họa, điêu khắc, in ấn, sân khấu, gốm,…), đồng sáng tạo thủ pháp cắt-dán hay chủ nghĩa Lập-thể trứ danh, do phong cách và thủ pháp biểu hiện biến chuyển không ngừng hay do các tác phẩm nổi tiếng (và gây tranh cãi) như “Những cô gái vùng Avignon” (1907), và “Guernica” (1937), mà còn bởi cuộc đời bí ẩn của ông.
Giống như nhiều vĩ nhân, ông có vô số các giai thoại, các trích dẫn, mức giá hay các câu chuyện liên quan tới tác phẩm, rồi cả những tin đồn, như việc yêu đương, thói trăng hoa, quan điểm chính trị, hay bị nghi ngờ là đồng phạm trong vụ trộm bức tranh “Mona Lisa| táo tợn ở bảo tàng Louvre… càng khiến hình tượng “thiên tài” của Picasso thêm phi thường, bí ẩn, và đặc biệt gây tranh cãi. Trong ông luôn có nhiều mâu thuẫn, bất ổn, đòi hỏi, ngang ngược, và u ám, lắm tài nhiều tật...
Trong tác phẩm này, nhà báo Miles J. Unger – sử dụng lối kể chuyện đồng hiện, tỉ mỉ, không gian lập-thể Picasso hiện ra từ hàng ngàn mảnh ghép, cuộc đời 91 năm của Picasso nay hiện ra như một bức tranh ký ức khổng lồ: nó cho phép độc giả quan sát một cách đồng thời, bao quát và khách quan về cuộc đời cũng như diễn biến nội tâm phức tạp của một nghệ sĩ thiên tài bậc nhất thời Hiện đại, nằm trong một thời kỳ biến động hỗn loạn cả về chính trị lẫn nghệ thuật.
Không chỉ dừng ở một cuốn tiểu sử nghệ sĩ đơn thuần, cuốn sách đã khắc họa chân thực hình ảnh một con người hết-sức-con-người, một kẻ cả đời chiến đấu với những gì tăm tối nhất trong nội tâm, một thiên tài bất-toàn cô độc, vừa đáng thương mà vừa đáng ghét… Rất dễ nhận thấy cuộc đời của Picaso giống như những lát cắt của đời sống ngày nay, các nhân vật đâu đó trong đời, hay thậm chí là chính bản thân độc giả: trong những đứa trẻ cô đơn, thèm tình cảm; những người cha bất-đắc-chí quá kỳ vọng vào con cái; những người trẻ tuổi hoang mang tìm kiếm bản thân; hay những kẻ mãi hoài niệm quá khứ vàng son…
Và giờ đây, khi cả thế giới đang cùng trải qua cơn đại dịch và hàng loạt biến động, có lẽ chúng ta càng có thể hiểu và chia sẻ hơn cảm giác bi quan, thất vọng và sầu muộn – nguồn năng lượng u ám đặc trưng phản ánh tinh thần thời đại mà ông sống – của ông, cũng như của tất cả những ai từng trải qua những giai đoạn hỗn loạn như thế.
Miles J. Unger là cây bút chuyên về nghệ thuật, sách và văn hóa cho các tạp chí lớn như The Economist và The New York Times. Ông từng là trưởng ban biên tập của Tạp chí Art New England và là cây bút tiểu sử nghệ thuật nổi tiếng. Các tác phẩm tiêu biểu: Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt (2018), Michelangelo: Sáu kiệt tác cuộc đời (2014), Machiavelli (2011) Tác phẩm do Bùi Minh Hạnh, Nguyễn Thị Phương Lan, Lê Phương Thanh Uyên dịch; Phạm Diệu Hương hiệu đính Nhà xuất bản Dân Trí và Omega Plus ấn hành |
Sir John Tenniel - Danh hoạ nổi tiếng người Anh cách đây 2 thế kỷ
Sir John Tenniel (28/2/1820 – 25/2/1914) là một họa sĩ biếm họa người Anh và họa sĩ truyện tranh chính trị nổi bật trong nửa sau của thế kỷ 19